Sau bỏ sổ hộ khẩu là gì?

- Thứ Ba, 06/04/2021, 08:07 - Chia sẻ

Bộ Công an vừa phát hành văn bản giới thiệu những điểm mới của Luật Cư trú, có hiệu lực từ ngày 1.7 tới đây. Theo đó, từ 1.7 sẽ bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục cấp đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu. Những sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp vẫn được sử dụng và có giá trị cho đến hết ngày 31.12.2022.

Như vậy, chỉ còn gần 3 tháng nữa Luật Cư trú 2020 có hiệu lực. Việc “khai tử” quyển sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang hình thức quản lý dân cư theo số định danh cá nhân trên nền tảng công nghệ hiện đại đang từng bước trở thành hiện thực. Nhưng hiện nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, quy định về thủ tục hành chính, dân sự... liên quan đến hộ khẩu giấy vẫn chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời, đồng bộ hoặc đang trong giai đoạn “chạy nước rút” phải mất vài năm mới hoàn thành. Chỉ còn 3 tháng nữa, liệu có đủ thời gian để các cơ sở dữ liệu liên quan có thể hoàn thiện và vận hành ngay trên thực tế?

Muốn bỏ sổ hộ khẩu giấy, đầu tiên là cơ sở dữ liệu dân cư được phải xây dựng đầy đủ và vận hành trơn tru, không gây ra tắc nghẽn và bất cập. Bởi hiện nay vẫn còn gần 30 thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Nó dường như gắn trọn với vòng đời một con người, từ khi sinh ra đến khi chết đi. Nếu không có sự đồng bộ trong cách thức triển khai, hậu quả xã hội sẽ khó lường, có nguy cơ khiến người dân từ trạng thái “khó tiếp cận” thành “không tiếp cận” được quyền, vì thiếu hộ khẩu.

Và việc xóa hộ khẩu trong quản lý cư trú cũng chỉ là bước đầu tiên trong quá trình rất dài nhằm chỉnh sửa những quy định gắn liền với nó. Quan trọng hơn, sau bỏ hộ khẩu, phải đi kèm với việc rà soát và sửa đổi hàng loạt các quy định có liên quan. Với sự tồn tại hơn 70 năm, hệ thống quản lý xã hội thông qua sổ hộ khẩu cực kỳ phức tạp, với số lượng văn bản pháp luật quy định rất lớn. Qua rà soát sơ bộ, Ủy ban Pháp luật nhận thấy có 27 thủ tục hành chính đang được quy định trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Còn theo Bộ Công an, hiện có tới 22 nghị định và 54 thông tư có quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Vậy bỏ sổ hộ khẩu có đồng nghĩa với việc những “quyền năng” của nó có bị tước bỏ theo như nhiều người kỳ vọng?

Đại diện Bộ Công an cho biết, đang rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng hạn chế các thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình hộ khẩu và giấy tờ xác nhận về cư trú. Cũng theo tính toán của bộ này, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy giúp ngân sách nhà nước tiết giảm mỗi năm khoảng 1.600 tỷ đồng. Nhưng số tiền này chỉ như tiết kiệm khoản tiền giấy và công in, còn nếu cách quản lý dựa vào nơi cư trú như hiện tại không thay đổi thì xóa sổ hộ khẩu giấy vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ”. Lúc đó, chỉ có tên gọi “hộ khẩu” là thay đổi, còn sự phiền hà cho người dân vẫn giữ nguyên.

Rõ ràng, phải có một lộ trình cụ thể cắt bỏ các thủ tục nhiêu khê đi kèm hộ khẩu. Cải cách phải được thực hiện một cách đồng bộ, cả về mặt con người lẫn hệ thống quy định. Về mặt con người, cần phải có sự thống nhất trong đội ngũ công chức, viên chức, người thực thi công vụ thừa hành với tinh thần cải cách, sẵn sàng phục vụ vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Người dân đang mong chờ kết quả của sự rà soát, sửa đổi, cải tiến các thủ tục hành chính sau bỏ hộ khẩu là những gì.

Chi An