Sau ánh đèn sân khấu

- Thứ Ba, 28/09/2021, 06:43 - Chia sẻ
Thời gian gần đây, những vụ việc lùm xùm liên quan đến phát ngôn, ứng xử và hoạt động xã hội của một số nghệ sĩ nổi tiếng đã gây ra dư luận trái chiều. Có người cảm thông, chia sẻ, có người phẫn nộ, bất bình, lên án, tẩy chay. Từ câu chuyện đó đặt ra nhiều vấn đề về việc tạo dựng hình ảnh, gìn giữ danh dự, phẩm giá của nghệ sĩ; niềm tin, sự kỳ vọng của công chúng; và nhất là vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong kiến tạo môi trường nghệ thuật lành mạnh, nhân văn.

TS. Nguyễn Huy Phòng

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Bài 1: Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối

Hiện thực cuộc sống luôn thay đổi nhưng sứ mệnh của nghệ thuật nói chung và người làm nghệ thuật chân chính nói riêng thì luôn hướng đến một mục tiêu duy nhất, đó là phụng sự cuộc sống, vì nhân sinh, là tấm gương phản chiếu thời đại, đồng hành với dân tộc trong những bước đường lịch sử thăng trầm.

	Nghệ thuật tác động mạnh mẽ đến tâm trí, tình cảm của công chúng - Nguồn: hoianimpression.vn
Nghệ thuật tác động mạnh mẽ đến tâm trí, tình cảm của công chúng  
Nguồn: hoianimpression.vn

Không hình thái ý thức xã hội nào có thể thay thế được nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, đạo đức, nhân cách, lối sống tốt đẹp cho con người. Bằng năng lực phản ánh hiện thực cuộc sống thông qua những hình tượng nghệ thuật độc đáo, qua những ký hiệu, biểu trưng, sắc màu, hình ảnh, đường nét có sức hấp dẫn, lan tỏa lớn, nghệ thuật tác động mạnh mẽ đến tâm trí, tình cảm của công chúng nhằm điều chỉnh hành vi, suy nghĩ, hướng con người đến chân, thiện, mỹ.

Nghệ thuật có chức năng thanh lọc tâm hồn, gieo vào tâm trí khán, thính giả niềm tin, tình yêu cuộc sống, yêu nhân loại. Nghệ thuật chạm đến trái tim, suy nghĩ của công chúng một cách tức thì, bằng nhiều con đường, tác động lên nhiều giác quan. Và khi nghệ thuật đã ở trong lòng công chúng, nó sẽ lan tỏa những xung lực, nguồn năng lượng mới, giúp cá nhân thay đổi theo hướng tích cực, nhân văn. Danh hào Nga M. Gorki từng nói: Nghệ thuật có thể cứu rỗi nhân loại!

Hành trình sáng tạo nghệ thuật là hành trình khổ luyện, không ngừng trăn trở, suy tư của nghệ sĩ về cuộc sống, về tương lai, số phận con người, đất nước. Sự thành danh, tỏa sáng trong nghệ thuật là sự tổng hòa của tài năng, mồ hôi nước mắt, thậm chí là hy sinh.

Trong suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ nghệ sĩ Việt Nam luôn đồng hành với dân tộc, đất nước, bằng những tác phẩm nghệ thuật sinh động. Đội ngũ những người làm nghệ thuật không ngừng trưởng thành, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, có nhiều đổi mới, sáng tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu thưởng thức nghệ thuật ngày càng đa dạng của công chúng.

Nghệ thuật tác động mạnh mẽ đến tâm trí, tình cảm của công chúng - Nguồn: hoianimpression.vn
Nghệ thuật tác động mạnh mẽ đến tâm trí, tình cảm của công chúng
Nguồn: hoianimpression.vn

Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường, quá trình toàn cầu hóa, và gần đây nhất là đại dịch Covid-19, đã và đang tác động đến quá trình sáng tạo, thực hành, trình diễn nghệ thuật, đến cuộc sống, sinh kế của nghệ sĩ. Thời gian qua, một số nghệ sĩ có hành động, lời nói phản cảm, vi phạm chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục, thậm chí vi phạm pháp luật khi đăng tải những thông tin, hình ảnh sai lệch, thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội; thiếu minh bạch trong hoạt động xã hội, thiện nguyện… Hậu quả là làm hoen ố hình ảnh, uy tín, danh dự, phẩm giá của nghệ sĩ; làm “ô nhiễm” môi trường văn hóa, nghệ thuật; làm lung lạc niềm tin, tình yêu cái đẹp, sự tôn thờ thần tượng của không ít công chúng.

Nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng trên có cả khách quan và chủ quan, nhưng sâu xa là do cá nhân nghệ sĩ chưa thực sự ý thức sâu sắc về thiên chức, sứ mệnh của nghệ thuật, vai trò của nghệ sĩ; chưa giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa nghệ thuật, cái đẹp và danh lợi, phù hoa; chưa hiểu thấu đáo những quy định của pháp luật; chưa tạo dựng nền tảng văn hóa chắc chắn cho bản thân…

Nghệ sĩ thường đề cao cá tính để tạo ra sự độc đáo, khác lạ. Tuy nhiên, một số người vì quá đề cao cái tôi, cho mình là số 1, nên rơi vào trạng thái ảo tưởng, lạc lối trong hào quang của ánh đèn sâu khấu và những lời tung hô, tán thưởng nhất thời của công chúng, dẫn đến không giữ được phong độ, lạc lối trong mê cung của “tiền - tình”, đánh bóng tên tuổi bằng scandal...

Những vụ việc liên quan đến một số nghệ sĩ thời gian qua là phép thử cho thấy những góc khuất sau ánh đèn sân khấu, sau vẻ ngoài hào nhoáng và những lời hoa mỹ, bóng bẩy. Đồng thời cũng chứng minh cho một chân lý: Không thể núp bóng nghệ thuật để trục lợi, lợi dụng danh xưng nghệ sĩ để đánh bóng tên tuổi, mua chuộc niềm tin và lòng tốt của công chúng. Thánh đường của nghệ thuật là cái thiện, cái đẹp và sự chân thành, không thể là “ánh trăng lừa dối” mà phải gắn bó mật thiết với cuộc đời, buồn vui với kiếp nhân sinh, đề cao sự thành thực, mực thước, thanh cao, vì sự phát triển và hạnh phúc của con người.