Cuộc họp trực tuyến của các nhà lãnh đạo G7

Sát cánh trước khủng hoảng

- Thứ Bảy, 20/02/2021, 06:26 - Chia sẻ
Hôm qua, 19.2, Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson đã tổ chức cuộc họp trực tuyến cùng các nhà lãnh đạo G7 trước khi chủ trì hội nghị thượng đỉnh nhóm này vào tháng 6 tới. Sự kiện trên nhằm thảo luận cách thức giúp các nền dân chủ hàng đầu có thể làm việc cùng nhau để bảo đảm việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 một cách công bằng trên toàn thế giới, ngăn chặn các đại dịch trong tương lai cũng như phục hồi kinh tế và chống biến đổi khí hậu…

Không quốc gia nào có thể an toàn một mình

Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến ​​sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 trực tiếp đầu tiên trong gần 2 năm ở Cornwall vào ngày 11 - 13.6 sau khi nước này được Anh mời tham dự với tư cách khách mời, cùng với Hàn Quốc và Australia.

Thủ tướng Anh cho rằng, giờ đây, các chính phủ trên thế giới có trách nhiệm làm việc cùng nhau để đưa vaccine ngừa Covid-19 vào mục đích sử dụng tốt nhất có thể. Ông đồng thời hy vọng, 2021 sẽ được ghi nhớ là năm nhân loại đã sát cánh hơn bao giờ hết để đánh bại kẻ thù chung.

		Nguồn: AFP
Nguồn: AFP

Vì vậy, nước Anh muốn kêu gọi các nhà lãnh đạo chung tay xây dựng cách tiếp cận toàn cầu nhằm đối phó với đại dịch Covid-19, chấm dứt chủ nghĩa dân tộc và nền chính trị chia rẽ vốn làm hỏng phản ứng ban đầu của thế giới đối với virus Corona. Theo Thủ tướng Johnson, hơn 12 tháng qua cho thấy, không quốc gia nào có thể an toàn cho tới khi mọi quốc gia đều an toàn. Ông nhấn mạnh, việc triển khai vaccine mang đến cơ hội mới để chứng minh giá trị của hợp tác quốc tế. Ông muốn thông qua cuộc họp trực tuyến này để thúc giục phát triển vaccine mới chỉ trong 100 ngày.

Trước đó, Phố Downing cho biết, sự chuẩn bị của quốc tế nhằm đối phó với đại dịch là ưu tiên chính của Vương quốc Anh trên cương vị Chủ tịch G7 năm nay. Thủ tướng Anh sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo G7 để thực hiện kế hoạch gồm 5 điểm nhằm ngăn chặn các đại dịch trong tương lai đã được công bố tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm ngoái

Kế hoạch năm điểm bao gồm mạng lưới các trung tâm nghiên cứu bệnh lây truyền từ động vật trên toàn thế giới, phát triển năng lực sản xuất thuốc điều trị và vaccine toàn cầu, thiết kế hệ thống cảnh báo sớm đại dịch toàn cầu, thỏa thuận các giao thức toàn cầu về tình trạng khẩn cấp về sức khỏe trong tương lai và giảm bớt rào cản thương mại.

Sự tham gia của "nước Mỹ mới”

Trong cuộc họp ngày 19.2, ông Joe Biden xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu toàn cầu với tư cách Tổng thống Mỹ, mang đến cho các đồng minh G7 và các nhà lãnh đạo nước ngoài khác cái nhìn sơ lược về kế hoạch định hình lại chính sách đối ngoại của Mỹ.

Với sự xuất hiện của Tổng thống Joe Biden tại cuộc họp của G7 và Hội nghị An ninh Munich sau đó cũng bằng hình thức trực tuyến, Nhà Trắng đã tìm cách nhấn mạnh, chính quyền mới sẽ nhanh chóng định hướng lại nước Mỹ khỏi câu thần chú “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Donald Trump bằng cách công bố một cặp quyết định đảo ngược quan trọng đối với các chính sách của người tiền nhiệm.

Hôm thứ Năm, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, Washington sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán ký lại thỏa thuận hạt nhân đa phương Iran năm 2015, vốn bị chính quyền trước từ bỏ. Ngoài ra, Tổng thống Biden thông báo tại G7 rằng, Mỹ sẽ sớm chi 4 tỷ USD thúc đẩy mua và phân phối vaccine ngừa Covid-19 cho các quốc gia nghèo, chương trình mà cựu Tổng thống Donald Trump từ chối hỗ trợ.

Hôm qua Mỹ cũng đã chính thức tham gia lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nỗ lực quốc tế lớn nhất để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu. Tổng thống Joe Biden đã thông báo ý định tái tham gia hiệp định trên vào ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, nhưng phải đợi 30 ngày để động thái đó có hiệu lực. Ông nói rằng sẽ cân nhắc về biến đổi khí hậu vào mọi quyết định chính sách đối nội và đối ngoại mà chính quyền của mình phải đối mặt.

Bước đột phá đầu tiên của ông tại một hội nghị quốc tế như G7 chắc chắn sẽ bị một số người coi chỉ đơn giản là nỗ lực điều chỉnh lộ trình từ chương trình nghị sự của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, tân Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, chính sách đối nội và đối ngoại của ông sẽ không đơn thuần là xóa sổ những năm cầm quyền của cựu Tổng thống Donald Trump.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden từng tuyên bố sẽ khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Mỹ trong cộng đồng quốc tế, vai trò mà ông Trump thường né tránh vì cho rằng Mỹ bị các đồng minh lợi dụng quá thường xuyên. Để đạt được mục tiêu đó, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden sẽ khuyến khích các đối tác G7 thực hiện tốt cam kết của họ với COVAX, sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vaccine. Tháng trước, Mỹ tuyên bố tham gia ​​COVAX, trở thành nước G7 cuối cùng làm như vậy. Được biết, COVAX sẽ cung cấp cho các nước đang phát triển 1,3 tỷ liều vaccine trong năm nay.

Vẫn còn phải xem các đồng minh G7 sẽ thực hiện lời kêu gọi của ông Biden như thế nào về hợp tác quốc tế nhiều hơn trong phân phối vaccine, do Mỹ từng từ chối tham gia vào sáng kiến trên dưới thời ông Trump. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm với Financial Times, đã kêu gọi Mỹ và các quốc gia châu Âu phân bổ tới 5% nguồn cung cấp vaccine hiện tại cho các nước đang phát triển, hình thức ngoại giao vaccine mà Trung Quốc và Nga đã bắt đầu triển khai. Đầu tuần này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres chỉ trích mạnh mẽ việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 là “vô cùng không đồng đều và bất công”, vì có 10 quốc gia đã sử dụng tới 75% tổng số vaccine của cả thế giới.

Trong bối cảnh các chiến dịch tiêm chủng đang tăng tốc, ít nhất ở phương Tây, các nhà lãnh đạo G7 hy vọng có thể vượt qua đại dịch để phục hồi tài chính. Tổng thống Biden nhấn mạnh với các đồng minh G7 về ý định xây dựng một nền kinh tế bao trùm hơn, mang lại lợi ích cho “tất cả người lao động”, bao gồm cả phụ nữ và người thiểu số. Ngoài ra, ông còn muốn thúc đẩy “một chương trình nghị sự mạnh mẽ về các biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu”.

Linh Anh