Còn 12 tỉnh chưa lập quỹ
Nghị định số 45/2021/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (gọi tắt là Nghị định số 45/2021/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành từ 15.5.2021, quy định: tối đa trong vòng 3 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các quỹ hợp tác xã đã thành lập và đang hoạt động phải rà soát, tổ chức sắp xếp lại.
Tuy nhiên, đến nay, “việc sắp xếp lại tổ chức hoạt động của các Quỹ đã thành lập và thành lập mới ở các tỉnh, thành phố chưa có Quỹ đang rất chậm”, Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam Phạm Công Bằng cho biết tại Hội nghị về giải pháp thúc đẩy thực hiện Nghị định số 45/2021/NĐ-CP do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức sáng 25.12.
Cụ thể, trong 50 quỹ đã thành lập trước khi Nghị định có hiệu lực, đến nay mới có 11 tỉnh, thành phố có Quyết định điều chỉnh quyết định thành lập của UBND cấp tỉnh hoặc giải thể để thành lập quỹ theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP. Còn lại 39 tỉnh, thành phố chưa tổ chức sắp xếp lại hoạt động của quỹ, trong đó có 34 tỉnh, thành phố đã có chủ trương rà soát, tổ chức sắp xếp lại và 5 tỉnh chưa có chủ trương (Đồng Tháp, Kon Tum, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Nam).
Trong số 13 tỉnh, thành phố chưa thành lập quỹ trước thời điểm Nghị định số 45/2021/NĐ-CP có hiệu lực, đến nay mới có một tỉnh đã thành lập quỹ là Thừa Thiên Huế; 12 tỉnh, thành phố chưa thành lập quỹ gồm: Hải Dương, Cần Thơ, Bình Thuận, Nam Định, Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, An Giang, Quảng Ninh, Quảng Bình, Tiền Giang, Kiên Giang.
Lý giải nguyên nhân việc triển khai thực hiện Nghị định số 45/2021/NĐ-CP còn chậm, đại diện Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam cho biết, khối lượng triển khai theo yêu cầu của Nghị định rất lớn, trong khi nhân sự các quỹ nhìn chung còn thiếu kinh nghiệm trong xây dựng văn bản pháp lý. Ở một số địa phương, các sở ngành được giao chủ trì chưa thực sự vào cuộc, có tâm lý nghe ngóng, chờ đợi đến khi đa số các tỉnh chuyển đổi thì mới chuyển đổi.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương, UBND cấp tỉnh chưa thực sự chỉ đạo quyết liệt, một phần do chưa yên tâm, tin tưởng giao cho Liên minh hợp tác xã tỉnh quản lý. Cũng có quan điểm cho rằng, chưa cần thiết thành lập quỹ do đã có một số quỹ tài chính nhà nước tại địa phương, mặc dù các quỹ này hầu như không cho vay đối với hợp tác xã. Nhiều tỉnh, thành phố ngân sách thực sự khó khăn, chưa thể bố trí vốn nên chưa cho chủ trương hoặc chờ bố trí được ngân sách mới cho chuyển đổi…
Từ kinh nghiệm thực tế, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nghệ An Nguyễn Bá Châu cho biết, thực hiện Nghị định số 45/2021/NĐ-CP, Liên minh hợp tác xã tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh cho sắp xếp lại quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh theo mô hình công ty TNHH một thành viên, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và giao cho Liên minh Hợp tác xã tỉnh trực tiếp quản lý, điều hành. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn chi tiết về quy trình, quy định của các bộ ngành liên quan về việc sắp xếp lại quỹ chưa cụ thể, nên tỉnh chưa đủ cơ sở để thuyết minh, tạo sự đồng thuận của các sở ngành. Nếu sắp xếp lại mô hình tổ chức và hoạt động của quỹ, nhưng phải hợp đồng cán bộ có chuyên môn mà không sử dụng đội ngũ cán bộ Liên minh hợp tác xã kiêm nhiệm, thì thời gian đầu lấy nguồn kinh phí ở đâu để trả lương?
Đề xuất kéo dài thời gian chuyển đổi đến tháng 5.2026
Theo các đại biểu, việc lập quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã là rất cần thiết, đáp ứng sự mong mỏi của các hợp tác xã và thành viên hợp tác xã, đặc biệt là trong điều kiện nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn vốn của các hợp tác xã còn rất thiếu thốn.
Lãnh đạo quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam đề xuất các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định trích lập dự phòng rủi ro của các Quỹ như đối với tổ chức tín dụng. Theo đó, khấu trừ vào dư nợ gốc trước khi trích lập dự phòng rủi ro tất cả các loại tài sản bảo đảm đã thế chấp tại quỹ; bổ sung quy định cho phép các quỹ được áp dụng cơ chế xử lý rủi ro theo chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định tại Nghị định số55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, trong đó có cơ chế cấp bù từ ngân sách nhà nước khi khách hàng vay tín chấp không trả được nợ do nguyên nhân khách quan; bổ sung hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký Giấy chứng nhận thành lập quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương đối với quỹ hoạt động theo mô hình hợp tác xã.
Về phía chính quyền địa phương, cần quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh tập trung cao độ nhằm thúc đẩy việc rà soát, tổ chức sắp xếp lại Quỹ, bảo đảm đúng thời gian quy định. Đối với các tỉnh, thành phố chưa thành lập quỹ, UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt sớm hoàn thiện Đề án thành lập, trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương thành lập quỹ. Các địa phương cũng cần ưu tiên nguồn lực từ ngân sách địa phương để cấp vốn điều lệ cho quỹ, bảo đảm tối thiểu 20 tỷ đồng và bổ sung hàng năm để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng ngày càng lớn của khu vực kinh tế tập thể.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Nông Nguyễn Khải đề xuất, Chính phủ kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương chưa thành lập hoặc chưa được chuyển đổi mô hình hoạt động của quỹ. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian để thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động của qũy theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP đến tháng 5.2026.
Còn theo đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lâm Đồng, nên thống nhất phương thức hoạt động từ Trung ương đến địa phương theo phương thức thành lập bộ máy tổ chức, quản lý điều hành độc lập nhằm tạo điều kiện cho quỹ địa phương liên thông về nghiệp vụ với quỹ Trung ương, để quỹ địa phương có thể nhận ủy thác từ quỹ Trung ương và nguồn khác.