Sắp xếp lại hệ thống cảng biển để cạnh tranh
Với mức độ mở cửa thị trường không lớn nhưng nguy cơ bị mất thị trường đối với một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải biển là rất rõ ràng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này được cấp phép hoạt động tại nước ta theo các cam kết mở cửa thị trường với WTO...

Hiện nay, các doanh nghiệp nước ta hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển, giao nhận kho vận thường có đội tàu quy mô nhỏ, hầu hết có tuổi thọ trung bình cao, thiết bị lạc hậu và chưa có nhiều tàu container. Đây là điểm yếu, làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ vận tải biển của Việt Nam. Trong khi tuổi thọ trung bình của các đội tàu trên thế giới là 14 thì con số này ở nước ta là 18,5, trong đó có tới 26% số tàu có độ tuổi trên 20, còn những tàu dưới 15 tuổi chủ yếu có trọng tải dưới 1.000 DWT. Tuổi tàu cao cũng đồng nghĩa với công nghệ lạc hậu, không còn phù hợp với dịch vụ vận tải hiện đại. Số tàu container cũng chỉ chiếm 1,8% về số lượng và 6,2% về trọng tải đội tàu cũng cho thấy khả năng đáp ứng nhu cầu chuyên chở hiện đại của đội tàu trong nước là rất kém.
Ngoài hạn chế về quy mô đầu tư cho đội tàu, những hạn chế về cơ sở hạ tầng cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Đó là việc nước ta thiếu hệ thống cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế với khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn, thiếu cảng container và cơ sở vật chất kỹ thuật kho cảng. Ngoại trừ một số ít cảng dầu khí có khả năng tiếp nhận tàu 30.000 - 50.000 DWT, hầu hết các cảng của nước ta chỉ có thể cho phép tiếp nhận tàu dưới 10.000 DWT. Phần lớn các cảng đều có quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng và thiết bị lạc hậu, hệ thống giao thông thiếu đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu mở rộng và phát triển. Cùng với đó, giá cước, phí dịch vụ và nhất là chất lượng dịch vụ kém là lý do chính khiến khách hàng từ chối sử dụng dịch vụ của đội tàu cũng như các dịch vụ cảng biển, vận tải liên quan của Việt Nam. Đội ngũ cán bộ, thuyền viên chủ yếu được đào tạo về lý thuyết và thiếu kỹ năng thực hành nên khả năng làm việc, đặc biệt là làm việc trên các tàu hiện đại rất hạn chế. Khả năng tổ chức kinh doanh và marketing tìm kiếm khách hàng của các doanh nghiệp trong nước được đánh giá là rất yếu vì các doanh nghiệp chủ yếu trông chờ vào các hợp đồng truyền thống từ các doanh nghiệp trong nước có quan hệ từ trước.
Giải pháp nâng khả năng cạnh tranh của dịch vụ vận tải biển được các bộ, ngành xây dựng trong Đề án phát triển nhanh và bền vững sau khi Việt Nam gia nhập WTO là nghiên cứu, đánh giá tổng thể năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống cảng biển trên cả nước để sắp xếp tổ chức lại theo nhu cầu của thị trường. Việc đóng cửa một số cảng nhỏ không có khả năng phát triển cả về cơ sở hạ tầng và thị trường, dành vốn đầu tư tập trung phát triển các cảng lớn có thể khai thác được tối đa công suất đã được đề cập. Bên cạnh đó, Đề án cũng đưa ra giải pháp thúc đẩy, khuyến khích khu vực kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển cũng như xúc tiến ban hành các quy định về cho thuê hạ tầng cơ sở cảng.
Bộ Thương mại cho rằng cần có kế hoạch đầu tư để phát triển đội tàu cả về số lượng và kích cỡ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đội tàu hiện có thông qua các chính sách khuyến khích hỗ trợ hợp lý. Trước mắt, cần tập trung cụ thể hóa và thực hiện các quy định tại Quyết định số 149/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đội tàu Việt Nam; Xem xét bãi bỏ các quy định tạo nên sự khác biệt về điều kiện kinh doanh giữa các đối tượng trong việc tham gia thị trường dịch vụ vận tải biển và các dịch vụ bổ trợ khác có liên quan như giao nhận, kho vận, vận tải đa phương thức... Có chính sách phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia cung cấp các dịch vụ hàng hải bổ trợ, đặc biệt là dịch vụ vận tải đa phương thức để chuyển giao công nghệ quản lý, kinh nghiệm làm ăn và mạng lưới khách hàng sẵn có. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử trong các khâu vận tải, xếp dỡ, giao nhận và thực hiện có hiệu quả Bộ luật quản lý an toàn (ISM Code) của Tổ chức hàng hải quốc tế cũng như các công ước quốc tế về hạn chế ô nhiễm do tàu biển (MARPOL 73/78) là các giải pháp mà các ngành Hàng hải cần lưu ý để hướng tới các hoạt động chuyên nghiệp. Đây là những yếu tố quan trọng nhằm xây dựng thương hiệu có uy tín và từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vận tải biển.
Song Anh