Sáp nhập tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên: Kiến tạo bộ máy hành chính tinh gọn, hiện đại

Buôn Ma Thuột - Trung tâm hành chính của tỉnh sau sáp nhập
Việc sáp nhập hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên hình thành nên một đơn vị hành chính mới với diện tích hơn 18.096km², dân số khoảng 3,3 triệu người, trở thành một trong những tỉnh có quy mô lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên về cả diện tích và dân cư.

Trong cơ cấu hành chính mới, TP. Buôn Ma Thuột tiếp tục được chọn làm trung tâm hành chính của tỉnh. Lựa chọn này dựa trên nhiều yếu tố thuận lợi: vị trí trung tâm vùng, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hệ thống cơ quan nhà nước hiện hữu và tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Cảng hàng không Buôn Ma Thuột hiện đang được đầu tư nâng cấp lên cảng quốc tế, bước đi chiến lược để mở rộng kết nối và giao thương khu vực.

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh được bố trí tập trung tại các tuyến đường trung tâm như Lê Duẩn, Lý Thái Tổ, Đồng Khởi... đảm bảo thuận lợi cho điều hành và phục vụ người dân. Hạ tầng hành chính từng bước được đầu tư hiện đại hóa, hỗ trợ triển khai chính quyền điện tử, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công.

Sau khi sáp nhập, toàn tỉnh có 152 đơn vị hành chính cấp xã. Theo phương án đề xuất, sẽ tiến hành sáp nhập 50 đơn vị chưa đạt tiêu chí diện tích, dân số, giảm còn 102 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó Đắk Lắk có 68 đơn vị và Phú Yên còn 34. Việc tinh gọn bộ máy không chỉ giúp tiết kiệm chi phí hành chính, mà còn nâng cao hiệu lực quản lý, đảm bảo phục vụ người dân tốt hơn, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa. Quá trình thực hiện được đánh giá kỹ lưỡng để hạn chế tối đa xáo trộn địa bàn, giữ vững ổn định xã hội.

Bố trí cán bộ, nâng cấp hạ tầng giao thông
Không chỉ sắp xếp lại địa giới hành chính, công tác tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ sau sáp nhập cũng được triển khai đồng bộ. Trong thời gian qua, hai tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị liên tỉnh và khảo sát thực tế để bàn phương án bố trí, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức từ Phú Yên lên công tác tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Dự kiến sẽ có khoảng 1.000 cán bộ, công chức di chuyển từ Phú Yên. Đắk Lắk đã xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể: cán bộ chưa có nhà công vụ được hỗ trợ 3 triệu đồng/người/tháng trong 36 tháng; tổng kinh phí hỗ trợ tạm tính khoảng 1 tỷ đồng/tháng. Các chính sách đi kèm như hỗ trợ đi lại, điều chỉnh biên chế hợp lý, tạo môi trường làm việc công bằng cũng được đặt ra nhằm ổn định tâm lý và bảo đảm hiệu quả công tác.

Song song đó, việc đầu tư hạ tầng kết nối liên vùng được xác định là nhiệm vụ trọng điểm. Tuyến Quốc lộ 29 - tuyến huyết mạch nối từ cảng biển Phú Yên đến cao nguyên Buôn Ma Thuột đang được kiến nghị nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng lưu lượng vận chuyển hàng hóa, hành khách ngày càng tăng. Đây là trục giao thông chiến lược không chỉ phục vụ phát triển nội vùng mà còn kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, tăng cường sức cạnh tranh vùng Tây Nguyên.

Các công trình trọng điểm như: mở rộng Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, đầu tư tuyến đường nối Tây Nguyên - Phú Yên, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp (Tân An 1, Tân An 2, Hòa Phú…) cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, nhằm kiến tạo không gian phát triển bền vững cho toàn tỉnh mới.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung khẳng định: Việc sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Công tác tổ chức cán bộ, lấy ý kiến nhân dân và đảm bảo ổn định chính trị - xã hội phải được thực hiện một cách công khai, dân chủ và đúng tiến độ.