Sáp nhập đơn vị hành chính - nhìn đúng, làm đúng, đồng thuận cao
.
Lời Tòa soạn: Chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và giải thể đơn vị hành chính cấp huyện là bước đi chiến lược trong tiến trình cải cách bộ máy nhà nước. Đây không chỉ là yêu cầu khách quan của giai đoạn phát triển mới mà còn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị và phục vụ nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, quá trình triển khai chủ trương này cũng đối mặt một số nhận thức lệch lạc, thậm chí bị lợi dụng để xuyên tạc, kích động dư luận.
Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài nhận diện, phản bác các luận điệu sai trái, đồng thời đề xuất giải pháp truyền thông và nâng cao đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương chiến lược này.

Bài 1: Bước đi tất yếu trong cải cách tổ chức bộ máy
Sáp nhập đơn vị hành chính là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển. Việc thực hiện chủ trương này không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực, giảm đầu mối, mà còn tạo điều kiện để tổ chức lại không gian phát triển, thu hút đầu tư và phục vụ nhân dân tốt hơn. Đây là bước đi được Đảng xác định từ nhiều nhiệm kỳ và đang được triển khai theo đúng lộ trình.
Chính quyền số - lời giải cho những lo ngại sau sáp nhập
Tuy nhiên, như bất kỳ cải cách lớn nào, quá trình này cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là những lo ngại về ảnh hưởng đến đời sống dân cư và tính ổn định của hệ thống chính trị tại địa phương.
Một số ý kiến cho rằng, việc thay đổi tên gọi đơn vị hành chính sẽ làm mất bản sắc văn hóa địa phương. Đây là sự đánh đồng giữa tên gọi hành chính và giá trị văn hóa, dẫn đến cách hiểu sai lệch. Thực tế cho thấy bản sắc văn hóa được lưu giữ trong thiết chế, tập quán, nghi lễ, tín ngưỡng và ký ức cộng đồng chứ không phụ thuộc vào danh xưng hành chính. Nhiều địa phương sau sáp nhập vẫn tiếp tục duy trì tên gọi cũ tại các trường học, nhà văn hóa, khu dân cư để gìn giữ ký ức văn hóa. Bên cạnh đó, nhờ quy mô và nguồn lực lớn hơn, việc đầu tư cho không gian văn hóa, phục dựng lễ hội và phát triển du lịch cũng trở nên bài bản, hiệu quả hơn, giúp lan tỏa giá trị văn hóa ra phạm vi rộng lớn hơn.
Không thể phủ nhận rằng trong giai đoạn đầu sau sáp nhập, người dân có thể gặp bất tiện khi phải di chuyển xa hơn hoặc làm lại một số giấy tờ, hồ sơ hành chính. Tuy nhiên, những khó khăn này chỉ mang tính kỹ thuật và tạm thời. Thực tiễn từ các quốc gia đã triển khai tái cấu trúc hành chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch cho thấy sau một thời gian, hệ thống mới vận hành ổn định, người dân được phục vụ hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn nhờ đầu tư đồng bộ về công nghệ và hạ tầng dịch vụ. Điều quan trọng là nhận thức rõ rằng sáp nhập là hành trình cần có sự chuyển đổi, nhưng lợi ích lâu dài mang lại là thiết thực và rõ ràng.
Sáp nhập địa giới hành chính cần được tích hợp đồng bộ với chuyển đổi số và xây dựng chính quyền số. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, cổng hành chính một cửa điện tử, chính quyền phục vụ lưu động sẽ giúp xóa bỏ rào cản khoảng cách và nâng cao hiệu quả phục vụ. Thay vì phải đến trụ sở chính quyền, người dân có thể xử lý thủ tục qua mạng, tra cứu thông tin chính sách nhanh chóng và tiện lợi. Khi dữ liệu dân cư được số hóa, quản lý tập trung, việc giải quyết hồ sơ cũng trở nên minh bạch, chính xác và tiết kiệm thời gian. Đây chính là điều kiện để chính quyền ngày càng gần dân, phục vụ tốt hơn trong một môi trường hiện đại.
Sự đồng thuận của nhân dân - nền tảng bảo đảm thành công
Cải cách chỉ thành công khi có sự đồng thuận thực chất từ phía người dân. Việc lấy ý kiến cộng đồng không chỉ là quy trình pháp lý mà còn là kênh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, góp phần điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn từng địa phương. Đồng thuận xã hội không hình thành bằng mệnh lệnh mà bằng quá trình truyền thông chính sách rõ ràng, đối thoại cởi mở và cam kết giải trình trách nhiệm. Nơi nào có sự vào cuộc đồng bộ của Mặt trận Tổ quốc, chính quyền và các đoàn thể thì nơi đó sự ủng hộ cao hơn, phản ứng tiêu cực được kiểm soát, quá trình thực hiện trôi chảy và hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh thông tin đa chiều, vai trò của báo chí và hệ thống truyền thông càng trở nên quan trọng. Việc tuyên truyền về chủ trương sáp nhập cần được tiến hành chủ động, khoa học, tránh để khoảng trống thông tin bị các đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội cần phát huy vai trò trung gian, kết nối chính sách với người dân, đồng thời là kênh phản hồi hiệu quả từ cơ sở lên cơ quan hoạch định. Báo chí không chỉ phản bác luận điệu sai trái, mà còn phải khẳng định những kết quả tích cực của cải cách, góp phần củng cố lòng tin và tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Chính quyền cơ sở - yếu tố quyết định hiệu quả thực thi chính sách
Một yếu tố quan trọng nhưng đôi khi bị xem nhẹ trong quá trình sáp nhập chính là vai trò của chính quyền cơ sở và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là lực lượng trực tiếp triển khai, tiếp xúc hàng ngày với người dân, xử lý các thủ tục hành chính và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng tới cấp trên. Do đó, năng lực chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của đội ngũ này có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả thực thi chính sách.
Thực tiễn tại nhiều địa phương cho thấy, nơi nào chính quyền cơ sở chủ động rà soát quy trình, tổ chức lại đầu mối khoa học, kết nối hạ tầng hành chính và đào tạo bồi dưỡng cán bộ tốt thì nơi đó người dân ít gặp vướng mắc, thậm chí hài lòng hơn với dịch vụ hành chính mới sau sáp nhập. Ngược lại, nếu để cán bộ tâm lý buông lỏng, ngại thay đổi, thiếu tinh thần trách nhiệm thì dù chủ trương đúng, vẫn có thể phát sinh chậm trễ và phản ứng tiêu cực. Chính vì vậy, cùng với việc hoàn thiện thể chế, truyền thông chính sách, cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã, phường sau sáp nhập. Việc đánh giá năng lực, tinh giản bộ máy phải song hành với sắp xếp lại vị trí việc làm, bồi dưỡng kỹ năng công vụ và đạo đức công vụ, xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp, tận tâm. Đây là điểm tựa vững chắc để chuyển hóa các chủ trương cải cách hành chính thành kết quả thực chất, được xã hội ghi nhận và đồng thuận.
Sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ là điều chỉnh về ranh giới địa lý, mà là một bước đi quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa nền hành chính, tinh gọn bộ máy, phục vụ nhân dân tốt hơn. Thành công của chủ trương này không thể tách rời sự đồng thuận thực chất của nhân dân và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Khi được triển khai minh bạch, có sự tham gia rộng rãi, được truyền thông hiệu quả và có cam kết trách nhiệm, cải cách sẽ không chỉ mang lại hiệu quả về tổ chức hành chính mà còn góp phần củng cố niềm tin xã hội, thúc đẩy phát triển bền vững và xây dựng một nền hành chính phục vụ trong kỷ nguyên mới.