Sắp có quy định mới về dự trữ bắt buộc của ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến vào dự thảo Thông tư về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là dự thảo). Một điểm đáng lưu ý trong dự thảo là, các tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ những ngân hàng được kiểm soát đặc biệt sẽ được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Dự thảo này nhằm hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (Luật số 17/2017/QH14) được QH thông qua vào tháng 11.2017.
Tổ chức tín dụng hỗ trợ được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Về đối tượng được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, dự thảo quy định: Tổ chức tín dụng hỗ trợ (là tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt) sẽ được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt theo quy định tại Khoản 7, Điều 148đ, Luật Các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 17/2017/QH14.
![]() |
Công ty Chứng khoán SSI trong Báo cáo thị trường tiền tệ Việt Nam tháng 1.2019 cho biết, hiện tại, các tổ chức tín dụng hỗ trợ gồm có BIDV (hỗ trợ DongABank), Vietcombank (hỗ trợ CB) và Vietinbank (hỗ trợ Oceanbank, GPBank). Ba ngân hàng này có tổng số dư tiền gửi khách hàng chiếm trên 40% tiền gửi toàn hệ thống. “Thực chất, đây chỉ quy định phù hợp với Khoản 7, Điều 148đ của Luật số 17/2017/QH14, không phải là nội dung mới”, SSI bình luận.
SSI cũng cho rằng, thông tin này sẽ không có nhiều tác động đến chính sách tiền tệ vì 3 lý do. Thứ nhất, từ dự thảo đến thực tế có độ trễ thời gian khá lớn và ngay cả trong trường hợp được ban hành, tỷ lệ dự trữ bắt buộc được giảm của từng ngân hàng sẽ còn phụ thuộc vào khoản hỗ trợ thực tế. Khoản hỗ trợ thực tế sẽ được xem xét và chấp thuận rất chặt chẽ và có thể thấp hơn nhiều con số 50%. Thứ hai, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện tại đã ở mức rất thấp (3% với tiền gửi VND dưới 12 tháng và 1% với tiền gửi VND từ 12 tháng trở lên). Thứ ba, tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo quy định là mức tối thiểu, thực tế các ngân hàng thương mại có thể gửi NHNN vượt con số này và được hưởng lãi trên phần vượt, vì vậy việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tối thiểu không đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng tiền tương ứng được bơm ra thị trường.
Tiền gửi huy động phải tính dự trữ bắt buộc
Dự thảo yêu cầu các tổ chức tín dụng duy trì đầy đủ dự trữ bắt buộc tại NHNN theo nguyên tắc: Số dư tài khoản thanh toán của tổ chức tín dụng tại NHNN bình quân trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc (sau đây gọi là dự trữ thực tế) không thấp hơn dự trữ bắt buộc trong kỳ đó; số dư tài khoản thanh toán của tổ chức tín dụng tại NHNN hàng ngày trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc có thể thấp hơn hoặc cao hơn tiền dự trữ bắt buộc của kỳ đó.
Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định loại trừ một số đối tượng tổ chức tín dụng không áp dụng Thông tư gồm: Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; tổ chức tín dụng chưa khai trương hoạt động; tổ chức tín dụng có quyết định thanh lý tài sản, hoặc giải thể, hoặc chấm dứt hoạt động hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của cấp có thẩm quyền.
Về tiền gửi, dự thảo quy định theo hướng thống nhất Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, cơ sở tiền gửi huy động phải tính dự trữ bắt buộc là các loại tiền gửi bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ của tổ chức tín dụng theo quy định tại Khoản 13, Điều 4, Luật Các tổ chức tín dụng gồm: Tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận, trừ tiền gửi của tổ chức tín dụng khác thành lập và hoạt động tại Việt Nam; tiền thu được từ phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu.
Để phù hợp với hệ thống chương trình, công nghệ thông tin quản lý dự trữ bắt buộc theo hướng tập trung hiện nay, dự thảo quy định Sở Giao dịch NHNN là đơn vị quản lý dự trữ bắt buộc đối với tất cả tổ chức tín dụng, bao gồm tiền gửi VND và ngoại tệ. Theo đó, Sở Giao dịch NHNN xác định, thông báo dự trữ bắt buộc cho tổ chức tín dụng; xác định vượt, thiếu dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng; trả lãi tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ cho tổ chức tín dụng.