Sảnh vàng của Hitler

Tri Sơ lược dịch
Theo DW
02/07/2014 08:35

Gắn với nhiều tội ác của chủ nghĩa Quốc xã, thành phố Nuremberg (Nürnberg) không cố gắng che giấu quá khứ đen tối.

Bảo tồn hay tôn vinh?

“Không phải chuyên gia xây dựng, nhưng tôi có thể nói, di tích này sẽ không nổi bật lâu nữa”, Alexander Schmidt, nhà sử học thuộc trung tâm Tài liệu nói tại nơi diễn ra các cuộc biểu dương lực lượng khét tiếng ở Nuremberg. Schmidt sờ bề mặt đổ nát của những bậc đá trắng trên khán đài được thiết kế bởi Albert Speer, kiến trúc sư yêu thích của Hitler.

Du khách đến Nuremberg để nhìn thấy một thứ không bao giờ nên có và bây giờ cần cứu giúp: khán đài ở Zeppelinfeld, một không gian ngoài trời khổng lồ, nơi Đức Quốc xã tổ chức các cuộc biểu dương lực lượng hàng năm từ 1933 đến 1938. Đây là công trình điểm, hoàn chỉnh, duy nhất còn sót lại của Speer, và hầu như đã hoang phế. Mặt tiền đổ nát, cỏ và rêu mọc từ các vết nứt ngày càng nhiều hơn. Các khu khác nhau phải có rào chắn để bảo đảm an toàn cho du khách.

Hitler chưa từng sử dụng Sảnh vàng
Hitler chưa từng sử dụng Sảnh vàng
Cấu trúc đã được tính toán để sử dụng lâu dài, nhưng không tránh được lỗi nghiêm trọng cơ bản. Háo hức sao chép các công trình kiến trúc cổ đại vĩ đại, Speer sử dụng khung sườn bằng đá vôi, một loại vật liệu bền ở môi trường Hy Lạp nhưng không phù hợp với mùa đông ở Trung Âu. Đã có những vết đá nứt vào lần cuối cùng Hitler đứng trên khán đài này phát biểu trước đại chúng cuồng nhiệt năm 1938.

Khôi phục cấu trúc này tốn khoảng 70 triệu euro, không phải khoản tiền quá lớn nếu chính phủ liên bang và bang cùng làm. Vấn đề là liệu có đáng chi tiền bảo tồn một công trình xây dựng với mục đích chính là tôn vinh Hitler?

Mơ ước của một kiến trúc sư

Khoảng 200.000 người ghé thăm mỗi năm khiến nơi này trở thành một trong những điểm du lịch chính của Nuremberg, và hầu như tất cả du khách leo lên khán đài. Tổng diện tích 140.000 mét vuông, tường rộng từ 270 đến 380 mét.

Đức Quốc xã biểu dương lực lượng ở Nuremberg
Đức Quốc xã biểu dương lực lượng ở Nuremberg
Ở đây, du khách được trải nghiệm cảm giác đứng ở nơi Hitler từng trừng mắt nhìn đám thuộc hạ. Đây là một cảm giác kỳ lạ và vô lý. Nếu đã xem phim về các cuộc biểu dương lực lượng của Đức Quốc xã ở Nuremberg, rồi được đứng ở vị trí này, du khách dễ dàng tưởng tượng được sức mạnh của những sự kiện tuyên truyền. Dường như có thể nghe thấy tiếng gào thét cuồng loạn của Hitler và tôn vinh Hitler.

Mặt khác, đây từng là nơi lính Mỹ trưng dụng để chơi bóng chày, từ năm 1945 đến năm 1990. Giấc mơ Đế chế Đức bền vững thiên thu của Quốc trưởng đã kết thúc bằng hàng loạt cú ném bóng của người Mỹ.

Biểu tượng vô ích

Bên dưới lễ đài của Hitler là một tiền sảnh lộng lẫy tên là Tòa vinh danh, hoặc Sảnh vàng, với trần nhà cao sáu mét và khảm vàng tinh vi. Ý tưởng là để Hitler từ đây bước lên khán đài như một vị cứu tinh xuất hiện thần bí. Nhưng Hitler thích thể hiện khác. Trùm phát xít luôn đến các cuộc biểu dương lực lượng ở Nuremberg bằng xe hơi và thể hiện là một “con người của nhân dân” băng qua đám đông thuộc hạ lên đến khán đài. Quốc trưởng chưa bao giờ ở trong Sảnh vàng. 

Sau chiến tranh, Speer từng nói rằng Hitler là bạn tốt nhất của một kiến trúc sư, bởi vì đối với trùm phát xít, tiền bạc không thành vấn đề. Như hai đứa trẻ thách thức nhau xem ai tiến xa hơn. Rốt cuộc, chính họ không biết đâu là giới hạn.

Trung tâm Tư liệu là bảo tàng mở cửa vào năm 2001, thuộc nửa phía bắc của tòa nhà đảng Đức Quốc xã. Gây ấn tượng nhất là sự dở dang. Công trình bị dừng lại ở chiều cao 39 mét vào năm 1939 do Thế chiến II bắt đầu. Nếu được hoàn thành, nó đủ chứa 50.000 người, nhưng sẽ chỉ được sử dụng mỗi năm một lần vào đại hội đảng viên Đức Quốc xã. Có một bục quan sát bên ngoài bảo tàng, du khách có thể đứng nhìn tòa nhà khổng lồ. Hiếm khi cuồng vọng của Hitler ở gần đến thế.

Mặt kia của đồng xu

Cách vài giờ đi xe, đầu kia của thành phố có một công trình trái ngược: tòa án, nơi quân Đồng minh đưa kiến trúc sư Speer và tướng lĩnh Đức Quốc xã ra xét xử sau chiến tranh thế giới II. Đối với nhiều người Đức, cuộc xét xử ở Nuremberg từ năm 1945 đến năm 1949 là ví dụ về “thắng làm vua thua làm giặc”. Nhưng đối với hầu hết nhân loại, đây là sự kiện chính thức hạ bệ Đệ tam Quốc xã và nỗ lực xét xử những kẻ phạm tội ác kinh khủng.

Henrike Zentgraf, phụ trách bảo tàng nói: “Triển lãm này, theo nghĩa nào đó, đối lập với trung tâm Tài liệu. Tương đối ít hiện vật, nhưng có rất nhiều phim ảnh và tài liệu bằng văn bản. Một phiên tòa hợp pháp, xét cho cùng, chủ yếu là ngôn từ”.

Sự hấp dẫn chính, nếu có, là băng ghế nhân vật số hai của Đức Quốc xã Hermann Göring ngồi thẩm vấn và bị kết án tử. Ngoài ra, bảo tàng có đầy đủ luận chứng và video đa chiều làm rõ những khía cạnh khác nhau của các phiên tòa Nuremberg. Không phải bằng tay, du khách phải sử dụng bộ não để học hỏi ở bảo tàng này.

Phòng cuối cùng của triển lãm dành cho những nỗ lực ban đầu của cộng đồng quốc tế trừng phạt các nhà lãnh đạo chính trị có tội ác chống nhân loại, ví dụ ở Rwanda và Nam Tư cũ. Thật khó tưởng tượng sự kết nối giữa phiên tòa Nuremberg lịch sử với những nỗ lực về sau để công lý được thực hiện.

Với các cuộc biểu dương lực lượng động trời và luật phân biệt chủng tộc, thành phố phía bắc Bavaria sẽ mãi mãi gắn với một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử nhân loại. Hoặc, Nuremberg đóng vai trò làm cho thế giới nhân đạo hơn một chút?

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sảnh vàng của Hitler
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO