Sáng tạo mới là của mình!

Cẩm Vân thực hiện 06/01/2017 08:52

Những năm qua, nhiều tranh cổ động bị đánh giá là trùng lặp ý tưởng, thậm chí có hiện tượng “đạo tranh”, từ chi tiết đến nhân vật… Họa sĩ Hà Huy Chương, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, người từng đoạt nhiều giải thưởng về sáng tác tranh cổ động cho rằng, “đạo tranh” sẽ tạo dư luận xấu cho giới hội họa. Bởi vậy, trước hết các họa sĩ cần nghiêm túc với tác phẩm của mình, không gì khác hơn là phải sáng tạo.

Tính thời sự và thẩm mỹ cao

- Nhiều người cho rằng tranh cổ động hiện nay khô khan, thiếu tính nghệ thuật. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- Thực sự không phải vậy. Thời chiến, tranh cổ động là một trong những vũ khí sắc bén để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chia sẻ và động viên con người kiên gan, bền chí. Đất nước hòa bình, thống nhất, ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, tranh cổ động còn là kênh thông tin phản ánh những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không chỉ là tác phẩm nghệ thuật thể hiện cái nhìn tỉ mỉ đến từng chi tiết của họa sĩ, tranh cổ động còn phải thanh thoát và phóng khoáng trong cấu trúc của hình và nét. Họa sĩ phải chắt lọc được hình ảnh tiêu biểu, vì tiêu chí của tranh cổ động là thể hiện được tính thời sự và mang ngôn ngữ nghệ thuật súc tích, dễ hiểu.

- Đã có nhiều năm sáng tác tranh cổ động và từng đạt nhiều giải thưởng cao cho thể loại này, theo ông, làm thế nào để tranh cổ động vừa thể hiện được tính thời sự, vừa tạo nên sự cuốn hút?

- Khi vẽ tranh cổ động tuyên truyền có những mô-típ không thể thay thế như búa liềm, bông lúa, lá cờ… Tuy nhiên, tôi luôn cố gắng tìm ra ý tưởng mới, thay đổi bố cục, màu sắc, cách điệu những hình tượng quen thuộc, hoặc đưa vào thông điệp mới, để tạo nên nét đặc sắc riêng trong từng tác phẩm, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Như vẽ tranh cổ động tuyên truyền cho bầu cử thì tôi đã tham gia nhiều, nhưng trong nhiệm kỳ này, tôi gửi gắm mong muốn của cử tri, của nhân dân với đại biểu trong tình hình hiện nay, đó là chọn người tài - đức - công - tâm để lo toan việc nước việc dân.

- Mỗi bức tranh cổ động là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật, sáng tạo, nhưng thông thường, kết thúc đợt tuyên truyền, tranh cổ động cũng hết nhiệm vụ...

- Không hẳn vậy. Tranh cổ động những năm vừa qua được làm tốt, in phóng lộng lẫy, gây ấn tượng trong tuyên truyền. Nhiều tác phẩm được lưu giữ để làm đẹp cho công sở, hoặc lồng khung kính để treo. Ví dụ, bức tranh cổ động tuyên truyền bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, tôi sử dụng hình ảnh cô gái quan họ, cô gái hát chèo và cô gái Tây Nguyên đánh cồng chiêng... cùng múa hát dưới hình rồng uốn lượn. Bức tranh được đánh giá cao về tính thẩm mỹ, nên dù cuộc bầu cử đã qua đi, nhiều người vẫn treo tranh ở nhà.

Họa sĩ Hà Huy Chương
Họa sĩ Hà Huy Chương

Nghiêm túc với tác phẩm

- Gần đây, sự phát triển của công nghệ dường như đã khiến hiện tượng “đạo” tranh cổ động trở nên phổ biến, thưa ông?

- Trước đây, tranh cổ động mặc định là được vẽ bằng tay, dù tấm bảng lớn hay nhỏ. Ngày nay, do nhu cầu tuyên truyền, nên tranh cổ động dần được thay thế bằng pano, áp phích in công nghệ. Vì thế, nhiều họa sĩ trẻ tận dụng công nghệ hiện đại mà sinh ra làm ẩu, cóp nhặt của người khác thành những chi tiết, bố cục của tranh mình. Thậm chí, nhiều họa sĩ không chịu tư duy sáng tạo mà sử dụng luôn nội dung, ý tưởng tranh của người khác, khiến người trong nghề rất khó chịu. Nội dung tuyên truyền đã có, nhưng hình tượng của bức tranh thì họa sĩ phải tự đi tìm. Không có gì khác hơn là họa sĩ phải sáng tạo. Sáng tạo mới là cái của mình.

- Ngoài ý thức tự giác của họa sĩ, theo ông, cần có thêm biện pháp gì để giảm thiểu việc “mượn ý tưởng” trong sáng tác tranh cổ động hiện nay?

- Tranh cổ động vẫn được cho là đơn đặt hàng của Nhà nước nên thường tác giả không ký tên vào tranh. Nhưng tôi cho rằng, khi ký tên vào các tác phẩm thì trách nhiệm của tác giả sẽ rõ hơn, tránh những tranh lập lờ, không rõ bản quyền, đồng thời cũng tránh sao chép tranh của nhau.

Bên cạnh đơn đặt hàng của Nhà nước đối với từng cá nhân họa sĩ thì với những sự kiện lớn, tranh cổ động thường được chọn thông qua các cuộc thi, như mới đây nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động thi vẽ tranh cổ động Năm APEC 2017. Tôi cho rằng, trong các cuộc thi, nhất là cuộc thi mang tầm khu vực hoặc quốc tế, “đạo tranh” sẽ tạo dư luận xấu đối với đất nước cũng như giới hội họa nói riêng. Bởi vậy, ngoài việc các họa sĩ cần nghiêm túc với tác phẩm của mình thì ban giám khảo cũng phải có sự tham gia của họa sĩ chuyên môn, để cập nhật được những mẫu tranh cổ động mới. Hiện nay, tại các cuộc thi vẽ tranh cổ động, thành phần ban giám khảo cũng có họa sĩ tham gia nhưng phần đông ở lĩnh vực khác, nên nhiều sáng tác tranh cổ động mới họ không thể biết hết được.

- Xin cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sáng tạo mới là của mình!
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO