Sáng tạo độc đáo của những “nghệ sĩ - nông dân” Tày

Ngọc Phương 25/09/2023 15:16

Xuất phát từ đời sống gắn với nghề nông, đồng bào Tày đã tạo ra nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo gắn với tín ngưỡng nông nghiệp, trong đó có rối cạn. Ở đó đời sống, bản sắc văn hóa của dân tộc được phản ánh, gìn giữ, bảo lưu cho tới ngày nay.

Duy trì qua nhiều đời

Sinh sống chủ yếu ở miền núi phía Bắc, trải qua hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, người Tày đã sáng tạo nên một nền văn hóa phong phú, có sức hấp dẫn riêng. Trong đó nghệ thuật khá đa dạng với nhiều loại hình như: lượn, khắp coọi, then, hát ru con... đặc biệt là rối cạn (hay còn gọi là rối que).

Các nghệ nhân tập luyện tập điều khiển con rối tại phường rối Thẩm Rộc. Ảnh: vnbusiness.vn
Các nghệ nhân luyện tập điều khiển con rối tại phường rối Thẩm Rộc. Nguồn: vnbusiness.vn

Theo PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, rối cạn là một loại hình nghệ thuật gắn với tộc người. Trước đây nghệ thuật này phổ biến ở các bản làng người Tày tại vùng thung lũng dưới chân núi, nhưng cùng với thời gian, không gian của rối cạn thu hẹp dần. Hiện nay chỉ còn một vài nơi có hoạt động rối cạn như Cao Bằng, Thái Nguyên…

Rối cạn thường được người Tày biểu diễn vào dịp đầu năm, trong ngày lễ Lồng tồng (lễ xuống đồng), thể hiện ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống yên bình. Thông qua các vở rối để thần linh, tổ tiên có thể chứng dám, phù hộ cho cộng đồng, làng bản. Các tiết mục rối cũng nhằm thể hiện câu chuyện của cộng đồng, vinh danh sự đỗ đạt. Mỗi sân khấu múa rối cạn còn là không gian văn hóa để cộng đồng thư giãn, tạo niềm vui trong cuộc sống sau những ngày lao động mệt nhọc. Các màn trò rối cạn luôn tạo nên bất ngờ, thu hút đông đảo người xem, thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc Tày.

Múa rối cạn của người Tày hiện còn lưu giữ ở một số bản làng, tuy nhiên được biết tới nhiều nhất là múa rối cạn ở thôn Thẩm Rộc, xã Bình Yên, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Theo lưu truyền của các cụ cao niên, rối cạn đã có từ hơn hai trăm năm trước và đến nay vẫn được dòng họ Ma Quang gìn giữ và tiếp nối.

Ông Ma Quang Tiêu, xã Bình Yên, chia sẻ: “Rối cạn duy trì đến đời chúng tôi đã là đời thứ 14 - 15. Các bậc cha chú chúng tôi nói lại rằng nghệ thuật này đã tồn tại cùng với dòng họ. Qua thời gian, vinh dự là chúng tôi vẫn lưu giữ được”. Hiện tại, phường rối lưu giữ được hàng chục con rối, nhiều sách quý ghi chép tích truyện, các bài hát giáo, hát kể, tích nối bằng chữ Nôm Tày… 

Tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn

Những tích trò rối cạn của đồng bào Tày thường không gắn với ông bụt, bà tiên hay huyền tích, mà thường phản ánh sinh hoạt của người xưa, về quá trình lao động, học hành, thi cử gắn với tầng lớp sỹ, nông, công thương trong xã hội cổ truyền. Ông Ma Quang Nhanh, xã Bình Yên, cho biết: Rối cày bừa thể hiện người dân Việt Nam gắn với lúa nước và con trâu, cái cày tượng trưng cho nền nông nghiệp lúa nước. Bên cạnh đó, rối cạn còn có các nhân vật gắn với muông thú, vua quan, lão nông.

Bộ rối gỗ của người Tày được tạo hình khá đẹp và sinh động. Những “nghệ sĩ - nông dân” đã khéo léo kết hợp nghề thủ công của tộc người và nguyên liệu tại địa phương để tạo nên những con rối có hồn. Tạo ra một con rối cỡ trung bình, các nghệ nhân cần thời gian từ 3 - 5 ngày, qua nhiều công đoạn: dùng cưa để cắt các đoạn gỗ theo kích thước phù hợp, và dùng dao để đẽo gọt, tạo hình; trước khi sơn, vẽ, trang trí rối bằng các loại màu sắc tự nhiên…

PGS.TS. Lâm Bá Nam nhận định, con rối như tác phẩm nghệ thuật, được sản xuất theo các tích trò, với những nội dung cụ thể. Với rối cạn, tính biểu cảm, đồng cảm rất cao, người xem có thể dễ dàng nhận biết được nội dung phản ánh, thể hiện giai tầng nào trong xã hội. Ngoài việc tái hiện chân thực đời sống, truyền tải kinh nghiệm sản xuất từ xa xưa, các vở rối còn có tiếng trống chiêng, các lời giáo - ca từ làm tích trò trở nên sinh động, khiến người xem hiểu nhanh hơn. Các lời giáo sử dụng ngôn ngữ tộc người, có vai trò quan trọng với đời sống. Vì thế, đây cũng là dạng thức để bảo tồn ngôn ngữ.

Rối cạn là nghệ thuật độc đáo của dân tộc Tày. Ảnh: vnbusiness.vn
Rối cạn là nghệ thuật độc đáo của dân tộc Tày. Nguồn: vnbusiness.vn

“Rối Tày xuất hiện trong khung cảnh văn hóa truyền thống, vì thế phản ánh chủ yếu là các hoạt động mang tính truyền thống của tộc người (tất nhiên trong tương lai không loại trừ phản ánh các hoạt động mang tính hiện đại). Đây là cách để cộng đồng nhớ về truyền thống, qua các hoạt động từ xa xưa ánh xạ trong các con rối và câu chuyện mang tới ngày hôm nay” - PGS.TS. Lâm Bá Nam nói.

Trong nền văn hóa của dân tộc Tày, múa rối nước đã trở thành viên ngọc quý được mài giũa từ sáng tạo và kinh nghiệm sống nơi non cao của những chủ nhân của nền văn minh lúa nước. Dẫu có nhiều nỗ lực phục hồi, song thực tế rối cạn vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhà nghiên cứu Bùi Lưu Phi Khanh cho biết, một chương trình bảo tồn rối cạn của người Tày đã được thực hiện từ năm 2011 - 2015 ở Thái Nguyên và bản thân múa rối cạn của người Tày cũng trở thành di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia từ năm 2015. Múa rối cạn của người Tày cũng đã được biểu diễn ở phố đi bộ Hà Nội hay Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam... Tuy nhiên, nguy cơ mai một và thất truyền vẫn hiện diện do tính chất truyền nối và nhiều nghệ nhân ngày càng già trong khi lớp trẻ không có điều kiện hay không mặn mà loại hình nghệ thuật này.

Hiện nay, việc tập hợp đủ mọi người trong phường rối để tập luyện, biểu diễn cũng khó vì thiếu kinh phí; "đất" diễn hạn hẹp, chủ yếu trong ngày lễ, Tết tại địa phương... Ông Ma Quang Nhanh cho biết, vì loại hình múa rối gắn liền với tâm linh của gia đình nên dù không có nhiều cơ hội được đem ra phô diễn cho công chúng, gia đình vẫn tự duy trì, để thế hệ mai sau kế nghiệp.

Dù vậy, để nghệ thuật rối Tày được duy trì, bên cạnh nỗ lực của những nghệ nhân, cần sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc, góp phần tạo "đặc sản" văn hóa hấp dẫn du khách đến các bản làng người Tày.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sáng tạo độc đáo của những “nghệ sĩ - nông dân” Tày
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO