Sáng tạo để tái sinh

- Thứ Sáu, 20/11/2020, 08:11 - Chia sẻ
“Tái sinh”, “tái chế” giờ không còn là khái niệm xa lạ trong thiết kế, nhất là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường. Sự mong mỏi về một tương lai phát triển bền vững đã trở thành nguồn cảm hứng và động lực để các nhà thiết kế cho ra đời nhiều sản phẩm trong các lĩnh vực.

Hướng phát triển bền vững

Trong xã hội hiện đại, ngành thời trang rất phát triển, tuy nhiên, điều này cũng gây ra những tác động lớn đến môi trường sống. Nhà thiết kế Vũ Thảo, sáng lập nhãn hiệu thời trang Kilomet 109 chia sẻ: “Các nhà sản xuất phải mất 120 lít nước để sản xuất 1 chiếc áo phông, nhuộm mất khoảng 20 lít nước nữa. Khi nhuộm màu, khoảng 80% thuốc nhuộm ngấm vào vải, còn lại thải ra môi trường…”. Đó là chưa nói tới trong các sản phẩm 65% sợi của quần áo là sợi tổng hợp (có cùng họ với nhựa); tình trạng hàng may mặc được sản xuất hàng loạt gây dư thừa, xu hướng mua sắm và thay đổi liên tục. Kết quả là những bãi rác thời trang khổng lồ, khó xử lý, gây ô nhiễm môi trường, và nạn nhân chính là con người…

Thời trang tái sinh có lẽ là hướng đi hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng này. Trên thế giới, đã có nhiều thương hiệu nổi tiếng đi theo hướng bền vững. Chẳng hạn, biến sản phẩm cũ thành trang phục mới mang tính nghệ thuật; tái sáng tạo các sản phẩm để tạo thương hiệu thời trang đương đại. Bên cạnh đó, theo nhà thiết kế Vũ Thảo, vải vụn thời trang chiếm khoảng 15 - 30% trong ngành sản xuất may mặc và đã có nhiều ý tưởng tái chế, biến vải vụn thành các trang phục khá thành công. Nhiều ý tưởng tái chế cũng được thực hiện dựa trên sự phối hợp của công nghệ cao, tận dụng được các vật liệu có sẵn, như sản xuất vải lụa từ vỏ cam, túi xách từ sách bò, sản phẩm từ rác thải nhựa…

Khi sử dụng sản phẩm thời trang bền vững, tái sinh, thì sẽ tiết kiệm được hàng trăm triệu gallon nước, hàng trăm triệu tấn chất liệu hóa học, điện, tránh rác thải nhựa ra môi trường… “Tôi hy vọng thời gian không lâu nữa, Việt Nam sẽ có nhiều thương hiệu đi theo hướng bền vững, tái sinh, tái chế” - nhà thiết kế Vũ Thảo kỳ vọng.

Không chỉ trong thời trang, với lĩnh vực thiết kế kiến trúc, sản xuất sản phẩm tiêu dùng, KTS Phạm Thành Huy (282 design) cho rằng: Nhu cầu của con người về đồ gỗ nội thất ngày càng tăng, nhưng nếu cứ chặt phá rừng sẽ ảnh hưởng tới cân bằng sinh thái. Do đó, cần bảo vệ môi trường bằng các giải pháp tái sinh: Trồng rừng, lấy sản phẩm từ gỗ vụn, tái chế gỗ vụn để làm ra sản phẩm; tiết chế trong cách sử dụng sản phẩm từ gỗ, dùng tiết kiệm, cho ra sản phẩm tinh tế hơn…

Nhiều thiết kế sáng tạo hướng tới phát triển bền vững  

Ảnh: Vietnam Design Week 

Thông điệp của sáng tạo và cái đẹp

​​​​​​Cùng trong nỗ lực phát triển thời trang bền vững, trong chuỗi sự kiện của triển lãm dự án Công dân Trái đất 2020, Six Space tổ chức workshop “Chỉ thừa, tay và kim: Sáng tạo từ rác thải thời trang”, vào 15h ngày 28.11. Nghệ sĩ Trần Thảo Miên sẽ trò chuyện và hướng dẫn người tham gia cùng thêu tay bằng cước không màu với “fashion waste” - rác thải thời trang. Sử dụng nguyên liệu chính là những sợi len được thu thập từ một nhà máy dệt trước khi chúng bị đem đi đốt, những người yêu thích và quan tâm đến việc sử dụng nguyên liệu tái chế có thể tự sáng tạo nên thành phẩm…

Đứng trước nhu cầu thay đổi nhằm tạo cuộc sống xanh, cuộc thi Designed by Vietnam với chủ đề “Tái sinh” đã được phát động trong các lĩnh vực: Ăn, Ở, Mặc, Quà tặng, Nghệ thuật công cộng. 20 tác phẩm có mặt trong vòng chung kết của Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2020 đã cho thấy mơ ước có thể làm mới lại, làm tốt đẹp hơn những giá trị đã cũ, và thúc đẩy quá trình phát triển bền vững trong mọi ngành nghề của các nhà thiết kế trẻ.

Các tác phẩm tham dự là những ý tưởng về sản phẩm sử dụng vật liệu ở mức độ tiết kiệm và tối ưu, dựa trên các vật liệu có sẵn để cho ra đời những sản phẩm mới sử dụng trong đời sống hàng ngày một cách bền vững. Đó cũng có thể là những sản phẩm mới mang câu chuyện văn hóa, truyền thống của người Việt, với diện mạo tươi trẻ nhưng đậm tính Việt. Chẳng hạn, tác giả Phạm Hoàng Linh giới thiệu “Rẻo” - những mảnh ghép từ vải vụn nơi rẻo cao của vùng núi phía Bắc. Từ miếng vải đay, vải bông dệt khung cửi, nhuộm cây lá vụn nhỏ được cắt dư ra từ những thiết kế trước, từ những miếng vải tưởng chừng bỏ đi đã được nối, ghép lại tỉ mỉ và thiết kế nên sản phẩm có tính ứng dụng như túi xách, ví, khẩu trang, áo khoác, mũ, đồ décor…

Trong khi đó, tác giả Kiều Thắng tạo ra “Đèn Giang”, nhằm gìn giữ sự đa dạng và dung hợp của văn hóa truyền thống các dân tộc tại Việt Nam qua việc kết hợp nhiều kỹ thuật chế tác thủ công “giấy bản”, “khắc bản” từ nhiều cộng đồng và tộc người khác nhau, sử dụng nguyên liệu tự nhiên, kỹ thuật và trang trí truyền thống để tạo ra vật liệu và thiết kế phù hợp với đời sống hiện đại. Tác giả Nguyễn Thế Hùng lại tái sinh “mành trúc” thông qua thiết kế “Mành lamp” - tạo ra những chiếc đèn thả lấy cảm hứng từ vẻ đẹp đậm chất Việt Nam: Nón của người Mông vùng Tây Bắc, đèn lồng phố cổ hay hình ảnh ngọn lửa thân thuộc…

Theo Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn: “Việc tái chế vô cùng quan trọng trong xã hội hôm nay, khi chúng ta đang gặp nhiều vấn đề về rác thải, ô nhiễm môi trường. Nghệ thuật có thể biến những thứ bình thường, bỏ đi, trở thành cái đẹp tô điểm cho cuộc sống. Qua tác phẩm của nghệ sĩ, mọi người sẽ cảm nhận rõ hơn thông điệp mà cái đẹp và sáng tạo đem lại”.

Các tác phẩm tham dự cuộc thi cũng cho thấy, năng lượng dựa trên nguồn lực truyền thống và tiềm năng khai thác nguồn lực ấy trở thành nguyên liệu đầu vào vô cùng quan trọng cho các ngành thiết kế sáng tạo của Việt Nam.

Thảo Nguyên