"Sang sông mà ngại qua cầu"

Thái Cường 21/06/2016 15:04

(ĐBNDO) – Chia sẻ với PV Báo ĐBND, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho rằng: “Báo chí là cầu nối đại biểu dân cử với dân. Phát ngôn với báo chí vừa là nhiệm vụ của đại biểu, vừa là cơ hội tiếp xúc với đông đảo cử tri. Đại biểu né báo chí không khác gì muốn sang sông mà ngại qua cầu.”

Báo chí là phương tiện làm việc quan trọng của ĐBQH

Chúng tôi hẹn gặp GS Nguyễn Minh Thuyết vào một buổi chiều thứ bảy. Dù là ngày nghỉ, nhưng cánh cửa của nhà ông, cũng như bản thân ông, chưa bao giờ từ chối tiếp xúc với báo chí. Phải nói thêm, cứ mỗi kỳ thảo luận hay chất vấn tại nghị trường Quốc hội, cánh nhà báo theo dõi đưa tin nghị trường chúng tôi luôn chờ đợi những ý kiến tâm huyết, gan ruột, dám nói thẳng những bức xúc của xã hội, chất vấn thẳng những vấn đề đang tồn tại, vượt qua những đường biên nhạy cảm, những barie của quan hệ và những mối ràng buộc của lợi quyền. GS Nguyễn Minh Thuyết là một trong những đại biểu được chờ đợi như thế.

Nói về thuở ban đầu tiếp xúc với báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ, khi còn công tác ở trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, ông cũng không ít lần gặp gỡ báo chí. Nhưng khi trở thành ĐBQH, ông mới có dịp tiếp xúc với báo chí thường xuyên. Thoạt đầu, chỉ ở mức báo chí trích dẫn một số ý kiến của ông trên diễn đàn Quốc hội. Sau một thời gian, anh em phóng viên bắt đầu tìm gặp ông để phỏng vấn; và rồi các ý kiến phát biểu, bài trả lời phỏng vấn của ông xuất hiện trên đài, báo ngày càng nhiều hơn.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, phát ngôn với báo chí vừa là nhiệm vụ của đại biểu, vừa là cơ hội tiếp xúc với đông đảo cử tri.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, phát ngôn với báo chí vừa là nhiệm vụ của đại biểu, vừa là cơ hội tiếp xúc với đông đảo cử tri.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, báo chí chính là phương tiện làm việc quan trọng của ĐBQH. Một mặt, báo chí cung cấp cho ĐBQH tin tức, quan điểm của rất nhiều giới trong xã hội về các vấn đề mà QH phải quan tâm. Mặt khác, báo chí cũng là kênh để ĐBQH bày tỏ quan điểm của mình nhằm tác động vào dư luận xã hội, tác động vào các đại biểu khác để họ ủng hộ quan điểm của mình. Báo chí là cầu nối giữa đại biểu với dân. Thông qua báo chí, ĐBQH báo cáo với cử tri về hoạt động của mình, đồng thời cử tri cũng có điều kiện theo dõi, giám sát hoạt động của đại biểu. Thực tế, cử tri biết đến hoạt động của các đại biểu do mình bầu ra cũng như hoạt động của Quốc hội phần lớn cũng nhờ truyền thông, báo chí. “Là đại biểu Quốc hội mà né báo chí thì không khác gì muốn sang sông mà ngại qua cầu” – GS Thuyết hóm hỉnh nhận xét.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, sự cộng tác, giao tiếp thường xuyên với báo chí sẽ giúp ĐBQH hoàn thiện hiểu biết, kỹ năng và bản lĩnh của người đại biểu. Báo chí là nguồn dữ liệu cung cấp các thông tin cho đại biểu, góp phần quan trọng khỏa lấp những khoảng trống về thông tin của đại biểu. Báo chí quan tâm đến nhiều lĩnh vực rất khác nhau, và khi anh em báo chí đặt câu hỏi với đại biểu về các lĩnh vực đó, đại biểu cũng có cơ hội để bộc lộ suy nghĩ của mình, hoàn thiện năng lực nắm bắt vấn đề, sự phản ứng nhanh nhạy trước các vấn đề của cuộc sống và năng lực diễn đạt, lập luận.

Chủ động tìm đến báo chí

GS Nguyễn Minh Thuyết giải thích vì sao ĐBQH cần sẵn sàng trao đổi với báo chí về các vấn đề cử tri quan tâm: “Mình là ĐBQH, khi Quốc hội thảo luận, quyết nghị một vấn đề, một dự án luật hay dự án kinh tế mà báo chí hỏi đến, mình lại bảo vấn đề này mình không có chuyên môn, mình không biết thì không được! Bởi vì mình là một trong những người thay mặt cử tri bấm nút quyết định, mình nói không biết thì làm sao cử tri có thể yên tâm và tin tưởng vào những quyết sách của Quốc hội? Do đó, trước các vấn đề kinh tế, y tế, giáo dục, ngoại giao, chính sách đối với các đối tượng khác nhau trong xã hội, những vụ việc cụ thể,... ĐBQH đều phải bày tỏ được quan điểm, chính kiến của mình”.

Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh những đại biểu mà cánh cửa phòng luôn mở đối với các nhà báo, thì thực tế tại các kỳ họp Quốc hội, cũng như trong nhiệm kỳ Quốc hội, nhiều ĐBQH rất ngại, thậm chí né tránh trả lời phỏng vấn của báo chí. Nhiều khi, có những đại biểu am hiểu về lĩnh vực, vấn đề mà báo chí quan tâm nhưng vẫn từ chối chia sẻ với phóng viên, báo chí.

Lý giải về thực tế này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, trước hết, có những đại biểu mới tham gia hoạt động chính trị, còn ít kinh nghiệm chính trị, ít kinh nghiệm kỹ năng giao tiếp báo chí nên ngại giao tiếp với báo chí. Bên cạnh đó, có những đại biểu rất am hiểu lĩnh vực mà báo chí hỏi nhưng nói ra sợ đụng chạm nên họ ngại.

Là người từng ở trong cuộc, hiểu rõ những lo ngại của một số ĐBQH khi tiếp xúc với báo chí cho nên trong những buổi tham gia tập huấn cho ĐHQH mới được bầu, khi trao đổi về kỹ năng giao tiếp với báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết thường tâm sự rất thật: “Người ta chỉ ngại tiếp xúc với báo chí khi cơ quan người ta có sự cố gì mà báo chí hỏi đến thôi. Chứ đã là ĐBQH thì đừng ngại trả lời báo chí. Bởi giả sử đại biểu có nói điều gì sai thì phóng viên sẽ không viết, mà dù phóng viên có viết thì Tổng biên tập cũng không cho đăng tải đâu. Thường mọi người hay tránh nói về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng chính lúc mà vấn đề còn những ý kiến khác nhau, thì đại biểu cần phải bộc lộ chính kiến để thuyết phục các đại biểu khác đồng tình với mình.”

Theo GS Thuyết, thậm chí, để tác động vào dư luận, vào các đại biểu khác, nhiều khi đại biểu còn phải chủ động tìm đến báo chí chia sẻ quan điểm, thông tin của mình. Đối với các nghị sĩ nước ngoài, việc này diễn ra thường xuyên. Ở Quốc hội Việt Nam, tôi thấy một số ĐBQH như GS Nguyễn Lân Dũng hay ông Lê Như Tiến cũng thường chủ động tìm tới các nhà báo để bày tỏ quan điểm về những vấn đề Quốc hội đang thảo luận, tranh luận, những vấn đề nổi cộm mà cử tri đang hết sức quan tâm.

Báo chí tác nghiệp tại hành lang Hội trường Quốc hội. (Nguồn: ITN)
Báo chí tác nghiệp tại hành lang Hội trường Quốc hội.  (Nguồn: ITN) 

Được Chủ tịch QH chất vấn tại Hội trường

Chúng tôi cảm nhận rằng, những tâm sự chân thành của GS Nguyễn Minh Thuyết dành cho các đại biểu mới được bầu được rút ra từ chính những trải nghiệm đầy quý giá sau thời gian dài ông giao tiếp thân thiết, thường xuyên với báo chí. Từ thời ông đương làm đại biểu đến nay, khi đã nghỉ hưu, anh em báo chí vẫn không ngừng gõ cửa, không ngừng tìm đến. Anh em phóng viên quý mến sự cởi mở, trân trọng những phát ngôn thẳng thắn, sâu sắc, khách quan và rất đúng mực của ông. Những phát ngôn nói đúng tiếng lòng của cử tri.

Nhắc đến kỷ niệm với báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết nói vui: “Mình được tiếng là người chịu khó chất vấn ở Quốc hội. Nhưng chính mình có lần bị Chủ tịch Quốc hội chất vấn giữa hội trường.”

Đó là lần ông chất vấn Bộ trưởng Công an. Giờ giải lao, ở ngoài hành lang, anh em báo chí xúm lại hỏi: “Ông chất vấn đang hay. Sao không truy vấn tiếp?” Trong không khí thân tình, GS Thuyết cười: “Cũng giống như đi chấm luận án tiến sĩ, mình hỏi đủ để chấm điểm thì thôi chứ? Vả lại, sau lượt mình, còn nhiều đại biểu đang phải chờ.” Sáng hôm sau, báo Lao động đăng ý kiến của GS Thuyết. Bài báo giật tít: “Là nhà giáo, tôi chỉ hỏi đủ để chấm điểm.”

Không ngờ bài báo ấy gây chú ý của một cán bộ cấp rất cao. Có lẽ vị cán bộ này đặt vấn đề thế nào đó, cuối phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An ngồi trên đoàn chủ tọa, giơ tờ báo lên, hỏi: “Hôm nay, báo Lao động đăng ý kiến đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: Là nhà giáo, tôi chỉ hỏi đủ để chấm điểm. Không rõ đại biểu Nguyễn Minh Thuyết có nói như vậy không. Chất vấn là để xây dựng, thúc đẩy công việc, tại sao đại biểu lại nói chất vấn là để chấm điểm?”

Ở thời điểm ấy, chưa ai nói đến chuyện “chấm điểm Bộ trưởng”, nhất là một Bộ trưởng có cương vị Ủy viên Bộ Chính trị. Trước “chất vấn” của Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đứng lên khẳng định: Báo trích đăng đúng phát ngôn của mình. Theo đại biểu, chất vấn là để xây dựng, thúc đẩy công việc; đồng thời cũng là để qua đó đại biểu và người dân đánh giá, chấm điểm Bộ trưởng của mình. Sau trả lời của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, không thấy Chủ tịch Nguyễn Văn An nói thêm gì nữa.

Nhưng cũng khoảnh khắc ấy, tại tòa soạn Báo Lao động, trước màn hình tivi truyền hình trực tiếp phiên chất vấn, người phóng viên trích đăng ý kiến đại biểu Nguyễn Minh Thuyết và lãnh đạo tòa soạn được một phen thót tim. Bởi nếu như GS Thuyết sợ “lôi thôi” mà phủ nhận, chắc phóng viên và tờ báo phải chịu nhiều hệ lụy. Có lẽ, anh em phóng viên liên tục “khai thác” GS Nguyễn Minh Thuyết cũng là bởi ông là người có bản lĩnh, sẵn sàng bảo vệ ý kiến của mình, bảo vệ anh em nhà báo.

Thường xuyên trả lời báo chí nước ngoài

GS Nguyễn Minh Thuyết là một trong rất ít ĐBQH thường xuyên trả lời báo chí nước ngoài. Ông kể, lần đầu trả lời báo chí nước ngoài là trả lời phỏng vấn của hãng BBC. Với nhiều người, trả lời báo chí nước ngoài rất dễ dẫn đến phiền toái, bởi các câu hỏi thường liên quan đến những vấn đề “nhạy cảm” và nhiều khi hóc hiểm. Hôm đó, vừa ngồi lên xe rời hội trường thì GS Nguyễn Minh Thuyết nhận được điện thoại. Người bên kia đầu giây tự giới thiệu là phóng viên BBC muốn hỏi ông một vài câu. Đối với GS Thuyết, đây là lần đầu được phóng viên nước ngoài phỏng vấn. Ông suy nghĩ rất nhanh rồi quyết định nhận lời. Bởi ông nghĩ rằng, nếu mình từ chối trả lời, ngày mai họ có thể đăng lên BBC là về vấn đề này chúng tôi có hỏi ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết nhưng ông từ chối trả lời. Nếu vậy, ông e là người dân Việt Nam sống ở nước ngoài và người nước ngoài sẽ đánh giá rất thấp ĐBQH Việt Nam, đánh giá thấp nền dân chủ của Việt Nam.

Từ đó, các cơ quan báo chí nước ngoài thường xuyên hỏi ý kiến, quan điểm, bình luận của ông về nhiều vấn đề khác nhau của Việt Nam. Những câu trả lời của ông thường được độc giả, thính giả, khán giả hoan nghênh vì nội dung thẳng thắn, khách quan, mang tính xây dựng và cách nói gần gũi, dễ hiểu.

Trong hai nhiệm kỳ làm đại biểu dân cử, ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết đã thực hiện lời hứa trước cử tri là luôn đi sâu đi sát, tích cực tìm hiểu và truyền đạt ý kiến của cử tri Lạng Sơn nơi ông ứng cử và của cử tri cả nước đến với Quốc hội; tích cực bày tỏ quan điểm trên báo chí; từ đó góp phần khắc phục những bất cập, tồn tại trong quản lý và đời sống xã hội, phát triển đất nước. Mỗi lần về tiếp xúc cử tri ở Lạng Sơn, ông đều được người dân tay bắt mặt mừng. Có cử tri còn bảo, mỗi khi thấy trên truyền hình giới thiệu đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đoàn Lạng Sơn chuẩn bị phát biểu, bà con gọi nhau dừng công việc, ngồi trước tivi theo dõi đại biểu tỉnh nhà phát biểu. Sự hài lòng, tình cảm yêu mến, tín nhiệm của cử tri đối với ông chính là tài sản lớn mà GS Nguyễn Minh Thuyết nhận được khi đảm nhiệm cương vị ĐBQH. Và báo chí, đã làm tốt vai trò cầu nối đôi bờ tin yêu này.

    Nổi bật
        Mới nhất
        "Sang sông mà ngại qua cầu"
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO