Sáng kiến về loại thị thực mới này được đưa ra nhằm thiết lập chương trình thị thực chung cho 6 nước Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar. Theo đó, cho phép công dân nước ngoài đến thăm 6 quốc gia bằng một thị thực duy nhất và di chuyển giữa các quốc gia này trong thời hạn thị thực.
Những lợi ích trước mắt
Theo ông Srettha Thavisin, chương trình thị thực chung này có tiềm năng tăng cường đáng kể nền kinh tế của Thái Lan.
Du lịch là một ngành quan trọng đối với Thái Lan, đóng góp khoảng 12% vào GDP hàng năm của đất nước và cung cấp khoảng 20% việc làm. Song, khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến ngành này và quá trình phục hồi diễn ra chậm, khiến Thái Lan không thể bù đắp được sự suy giảm đồng thời trong sản xuất và xuất khẩu. Sáng kiến này được xem là yếu tố quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy du lịch của Thái Lan, với mục tiêu thu hút 80 triệu khách du lịch hàng năm vào năm 2027.
Với chương trình mới này, trước tiên khách du lịch phải đi qua Thái Lan như một trung tâm trung chuyển, qua đó giúp thu hút khách du lịch tới Thái Lan. Chương trình được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chi tiêu của khách du lịch, mang lại lợi ích cho các ngành như dịch vụ lưu trú, bán lẻ và vận tải. Hơn nữa, sự gia tăng du lịch cũng có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn và kích thích tăng trưởng kinh tế ở những khu vực phụ thuộc nhiều vào du lịch.
Thêm vào đó, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng du lịch Thái Lan đã giúp nước này hưởng lợi rất nhiều từ lượng khách du lịch đổ về. Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe đang phát triển mạnh mẽ, bao gồm massage Thái truyền thống, liệu pháp spa và các phương pháp chữa bệnh toàn diện, đặc biệt hấp dẫn đối với khách du lịch muốn thư giãn và trẻ hóa. Sáng kiến thị thực có thể tăng cường khả năng tiếp cận cho khách du lịch quan tâm đến trải nghiệm chăm sóc sức khỏe và giúp Thái Lan tận dụng ngành du lịch chăm sóc sức khỏe toàn cầu đang phát triển mạnh.
Các chuyên gia nhận định, đề xuất cấp thị thực giống như chương trình Schegen cũng có thể đa dạng hóa thị trường du lịch của Thái Lan. Thái Lan theo truyền thống phụ thuộc vào khách du lịch từ các khu vực Đông Nam Á và Đông Á, đặc biệt từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, tuy nhiên hiện Thái Lan đang tìm cách thu hút khách du lịch từ các thị trường xa hơn như châu Âu, châu Mỹ và châu Phi. Chiến lược này có thể tăng cường khả năng phục hồi của ngành du lịch Thái Lan trong bối cảnh những biến động kinh tế toàn cầu.
Rủi ro đằng sau
Một trong những thách thức đầu tiên phải kể tới đó là rất khó để các quốc gia thành viên ASEAN đạt được sự đồng thuận về chính sách thị thực. Mỗi quốc gia đều duy trì luật nhập cư, mối quan ngại về an ninh và lợi ích kinh tế riêng. Việc hài hòa các yếu tố khác biệt này thành một chính sách thị thực gắn kết đòi hỏi phải đàm phán và thỏa hiệp sâu rộng.
Những nỗ lực nhằm tạo ra một hệ thống thị thực thống nhất ở Đông Nam Á không phải là điều mới mẻ. Vào những năm 2000, một đề xuất thị thực chung theo Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong - một tổ chức của Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia và Myanmar, nhưng duy chỉ có Campuchia hợp tác với Thái Lan. Năm 2019, một kế hoạch “Thị thực ASEAN” cũng không thành hiện thực.
Thêm vào đó, giữa các quốc gia trong khu vực còn tồn tại cơ sở hạ tầng và mức độ sẵn sàng khác nhau. Việc triển khai một hệ thống thị thực thống nhất đòi hỏi mức độ đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng kiểm soát biên giới, cơ chế chia sẻ dữ liệu và giao thức bảo mật. Các quốc gia có cơ sở hạ tầng kém phát triển hơn có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu này, có khả năng làm chậm quá trình triển khai chương trình.
Dù có thể thấy được những lợi ích kinh tế mà chương trình có thể mang lại, các chuyên gia bày tỏ nhiều lo ngại về tính khả thi, cũng như những rủi ro liên quan đến tình trạng du lịch quá mức và lạm phát.
Mặc dù chương trình thị thực chung chắc chắn sẽ tăng cường sự thuận tiện khi đi lại cho khách du lịch quốc tế, nhưng nó lại gây ra lo ngại về tình trạng du lịch quá mức. Thái Lan đã trải qua những tác động tiêu cực của tình trạng du lịch quá mức ở các điểm đến phổ biến như Pattaya, Bangkok, Phuket và Chiang Mai. Việc triển khai chương trình thị thực như vậy mà không giải quyết các thách thức hiện có về tình trạng du lịch quá mức có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề này, có khả năng dẫn đến suy thoái môi trường, cơ sở hạ tầng căng thẳng và giảm chất lượng cuộc sống của thường trú nhân.
Hơn nữa, tình trạng du lịch quá mức cũng có thể làm “loãng” trải nghiệm của khách du lịch, khiến các địa điểm nổi tiếng trở nên quá đông đúc, đắt đỏ hơn và kém thú vị hơn. Điều này cuối cùng có thể gây tổn hại đến danh tiếng của Thái Lan như một điểm đến du lịch và làm giảm tính bền vững lâu dài của ngành du lịch nước này.
Một hậu quả có khả năng gây bất lợi khác là áp lực lạm phát phát sinh từ dòng du khách giàu có không bền vững. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu về thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày và nhà ở, từ đó làm tăng giá cả và tăng chi phí sinh hoạt cho người dân.
Để giảm thiểu những rủi ro này, Thái Lan cần áp dụng các hoạt động du lịch bền vững. Điều này bao gồm việc thực hiện các biện pháp quản lý luồng khách du lịch, quảng bá các điểm đến ít được biết đến và đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng lượng khách du lịch tăng lên mà không gây ảnh hưởng đến môi trường hoặc cộng đồng địa phương. Hợp tác khu vực cũng rất quan trọng để bảo đảm lợi ích và gánh nặng của việc tăng du lịch được phân bổ công bằng giữa các quốc gia tham gia.
Đề xuất của ông Srettha về chương trình cấp thị thực theo kiểu Schengen ở Đông Nam Á là một ý tưởng đầy tham vọng và sáng tạo với tiềm năng thúc đẩy du lịch và tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Nhưng để triển khai thành công, cần phải vượt qua những thách thức đáng kể về chính trị, hậu cần và cơ sở hạ tầng. Thái Lan có thể đạt được lợi ích về mặt kinh tế, nhưng cũng có nguy cơ đáng kể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng du lịch quá mức.
Các chuyên gia nhận định rằng, sự thành công của chương trình thị thực này sẽ phụ thuộc vào việc áp dụng các hoạt động du lịch bền vững và hợp tác khu vực hiệu quả. Nếu những thách thức kể trên được giải quyết, sáng kiến này sẽ đánh dấu bước chuyển đổi lớn cho ngành du lịch Đông Nam Á, mang lại lợi ích cho cả Thái Lan nói riêng và khu vực nói chung.