Sáng kiến SALPIE - vành đai mới của Mỹ

- Thứ Tư, 31/03/2021, 06:20 - Chia sẻ
Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), Mỹ dường như đang thiếu khả năng ứng phó sức ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc. Để khắc phục, ngoài củng cố nhóm Bộ Tứ (cùng với Nhật, Ấn Độ và Australia), Washington còn tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc đảo nhỏ ở Caribe, Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương - các quốc gia có chung mối quan tâm về biến đổi khí hậu và Covid-19, thông qua sáng kiến SALPIE.

Nỗi lo trước “vành đai Trung Quốc”

Trong báo cáo công bố hôm 23.3, cựu quan chức thương mại Jennifer Hillman xác nhận Trung Quốc nhờ vào sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” (BRI) đã mở rộng quyền lực trên toàn cầu, thậm chí có phần vượt Mỹ tại châu Phi và châu Á. Về phần mình, các thế lực bảo thủ xứ cờ hoa có xu hướng giải thích BRI là “công cụ địa chiến lược” và “mối đe dọa” đối với an ninh quốc gia Mỹ. Washington hiện cũng ưu tiên xây dựng mạng lưới kết nối khắp châu Á nhưng dường như chưa đáp ứng được nhu cầu vốn có của khu vực. So với một Bắc Kinh ngày càng quyết đoán, bà Hillman cho rằng việc Mỹ không có hành động cụ thể, thậm chí rút lui khỏi sân khấu toàn cầu là nguyên nhân chính làm giảm sức mạnh của nước này về kinh tế lẫn chiến lược. “Chúng ta phải quay trở lại cuộc chơi” - bà Hillman khẳng định tại diễn đàn trực tuyến của CFR.

Theo giới quan sát, các quốc đảo Thái Bình Dương từ lâu đã duy trì quan hệ tốt với Mỹ và Australia. Nhưng gần đây, nhiều nước bắt đầu quay sang củng cố quan hệ với Trung Quốc khi Bắc Kinh thúc đẩy chiến lược “quyến rũ” bằng ngoại giao và kinh tế. Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc thậm chí bắt đầu len lỏi vào “sân sau” của Mỹ với cam kết cung cấp vaccine và tăng cường hỗ trợ các quốc gia vùng Caribe thông qua nhiều khoản vay ưu đãi. Với vị thế quan trọng của Mỹ Latin và Caribe như trung tâm logistics, ngân hàng và thương mại ở khu vực, Giáo sư quan hệ quốc tế Yu Nanping tại Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc) cho rằng Mỹ chắc chắn phải cảnh giác trước bất kỳ động thái nào của Bắc Kinh ở đây.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ từng thông qua các biện pháp chiến lược, kinh tế và chính trị như xây dựng cơ chế, ký kết thỏa thuận đối tác, định hướng tài chính, triển khai các dự án hợp tác xây dựng và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm đối phó tác động toàn diện của BRI. Cùng mục tiêu trên, đương kim Tổng thống Joe Biden lại tập trung tăng cường liên kết thương mại tự do giữa các quốc gia đồng minh và đối tác, đặc biệt là cộng đồng nước nhỏ dễ chịu sức ép từ Trung Quốc.

Hiện thực hóa chiến lược này, tuần trước Nhà Trắng đã công bố sáng kiến ​​Các nền kinh tế đảo nhỏ và ít dân cư (SALPIE). Trong thông cáo báo chí, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Emily Horne nói rõ SALPIE quy tụ 29 cơ quan ban, ngành chịu trách nhiệm điều phối tiến trình hợp tác với các quốc đảo và vùng lãnh thổ ở khu vực Caribe, Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Mục tiêu là giải quyết hậu quả khủng hoảng nhân đạo và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác trong hệ thống tổ chức quốc tế, chống lại hoạt động đầu tư của những “kẻ săn mồi”, thúc đẩy lợi ích chung dài hạn.

Tại sao SALPIE?

Về mặt tổng thể, ba khu vực này dường như không có nhiều điểm chung, với các nền kinh tế tiên tiến như Iceland và quần đảo Faroe cùng các nền kinh tế đang phát triển ở Thái Bình Dương và Caribe. Ba khu vực trên còn có nền văn hóa đa dạng và khác biệt giữa và trong mỗi khu vực.

Tuy nhiên, các quốc đảo có xu hướng tự xác định mối quan hệ thống trị của họ với biển, tạo cho họ bản đồ tinh thần chung trong văn hóa và quan hệ đối ngoại. Đặc biệt, các quốc đảo Thái Bình Dương đã tìm cách biến mối quan hệ này trở thành trung tâm cho bản sắc của họ thông qua khuôn khổ “Thái Bình Dương xanh”. Thậm chí, các quốc đảo nhỏ đã cố gắng đổi thương hiệu thành “các quốc gia đại dương lớn” để khẳng định quyền giám hộ của họ đối với các vùng biển rộng lớn ở Thái Bình Dương.

Kể từ khi Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) có hiệu lực năm 1994 - thiết lập các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và lãnh hải, các quốc gia này đã có được công cụ tài phán quan trọng để củng cố sự gắn bó với đại dương. UNCLOS đã trao cho các quốc đảo nhỏ này quyền hạn lớn hơn để phát huy cả di sản đại dương và ảnh hưởng đối với các sự kiện trong khu vực hải lý của họ.

Chính quyền ông Biden đang tìm cách tăng cường hợp tác với các quốc đảo để tận dụng ảnh hưởng này cho các ưu tiên chiến lược của mình. Nhưng điều này có nghĩa là phải tạo ra sự cân bằng giữa việc làm cho các quốc đảo nhỏ không cảm thấy như thể họ bị gạt ra ngoài lề, đồng thời lại không gây áp lực với họ thông qua sức mạnh thô.

Để làm được điều đó, SALPIE đưa ra hai hướng hợp tác thiết thực là chống Covid-19 và chống biến đổi khí hậu. Sáng kiến ​​SALPIE nhấn mạnh rằng các quốc đảo đã phải gánh chịu hậu quả đặc biệt từ đại dịch Covid-19, đặc biệt là hoạt động kinh tế liên quan đến du lịch. Iceland, cũng như các khu nghỉ mát bãi biển ở Thái Bình Dương và Caribe trở nên vắng vẻ hơn bao giờ hết do các biện pháp đóng cửa biên giới.

Nhánh chính thứ hai của sáng kiến ​​này là sự công nhận các quốc đảo nhỏ đang đi đầu trong cuộc chiến chống lại tác động của biến đổi khí hậu. Đây là những quốc gia thải ra lượng khí thải carbon không đáng kể, nhưng lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Mực nước biển dâng cao và các điều kiện thời tiết bất ổn tác động ngay lập tức đến nguồn tài nguyên ít ỏi cũng như là mối đe dọa hiện hữu đối với diện tích lãnh thổ hạn chế của họ.

Việc Mỹ đưa biến đổi khí hậu trở lại như một vấn đề trọng tâm sẽ được các nước Thái Bình Dương đặc biệt hoan nghênh. Và nếu mối quan tâm đó có thể được khuếch đại hơn nữa bằng kinh nghiệm và sự ủng hộ của các quốc gia khác ở Caribe và Bắc Đại Tây Dương thì sẽ là một bước đi khôn ngoan. Là những người theo chủ nghĩa đa phương, người dân các đảo ở Thái Bình Dương từ lâu đã quan tâm đến việc tìm ra những nguyên nhân chung và sẽ hoan nghênh sự hiểu biết sâu sắc hơn về những thách thức mà các quốc đảo phải đối mặt, bất kể họ ở khu vực nào trên thế giới.

Tuy nhiên, một khía cạnh gây tò mò của ​​SALPIE là các đảo ở Ấn Độ Dương không được đưa vào Sáng kiến. Những hòn đảo này cũng phải đối mặt với những thách thức về môi trường, kinh tế và chiến lược tương tự như những quốc gia trong sáng kiến. Một lý do hợp lý cho sự loại trừ này là Mỹ không muốn làm mếch lòng Ấn Độ - quốc gia luôn coi Ấn Độ Dương là vùng ảnh hưởng chiến lược hợp pháp của mình. Washington có thể đã quyết định sẽ thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn với New Delhi bằng cách loại bỏ những hòn đảo ở khu vực ảnh hưởng của Ấn Độ ra khỏi cân nhắc của mình.

Ngoài yếu tố trên, SALPIE thực sự cho thấy sự thay đổi đáng chú ý trong mối quan tâm của Nhà Trắng đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong khi cựu Tổng thống Donald Trump coi các liên minh và quan hệ đối tác là gánh nặng đối với Mỹ (hoặc bản thân ông), Tổng thống Joe Biden từ lâu đã hiểu các quan hệ đối tác này là tài sản chiến lược. Rõ ràng là Washington có lợi trong việc thừa nhận những thách thức hàng hải và chiến lược đang đặt ra bởi tham vọng hải quân của Trung Quốc, nhưng nếu điều này tạo động lực để các quốc đảo Thái Bình Dương giành được nhiều sự quan tâm của Washington thì đây sẽ là một bước đi tích cực.

Quốc Đạt