Cà phê phin

Sàng khôn

- Chủ Nhật, 24/05/2020, 07:19 - Chia sẻ
Mỗi người chúng ta gặp trong đời, đi cùng ta một quãng dài ngắn khác nhau, có vui có buồn, nhưng đều là những bài học trân quí. Có thể có những điều ta chưa thể nhận ra ngay giá trị của nó, nhưng theo năm tháng, chúng như những khối trầm tích, làm nên một nền tảng, làm cho ta vững chãi hơn...

Nhiều năm trước, tôi mới từ nước ngoài về, đứng trước quá nhiều cơ hội và lựa chọn, tôi thì còn trẻ, lúc thì ham hố muốn làm đủ mọi thứ, lúc thì lại sợ hãi muốn yên phận, không dám bước ra ngoài vùng an toàn. Nên khá là mông lung.

Một lần, tôi đi ăn cưới, ngồi cùng bàn một doanh nhân vui tính, hay kể chuyện cười. Nhưng câu chuyện làm tôi nhớ thì lại chẳng buồn cười cho lắm. Chuyện là, có ông kia đi vào rạp xem phim hài, cả rạp cười lăn lộn, mỗi ông ấy ngồi ôm mặt khóc. Hỏi vì sao thì ông bảo, hồi trẻ ông nghĩ ông có khiếu trở thành diễn viên hài nhưng vì người thân chẳng ai tin ông làm được nên ông đã chọn con đường khác. Giờ thì quá muộn. 

Câu chuyện sau đó cứ đeo đẳng tôi mãi. Tôi quyết định dấn thân làm nhiều việc, bất chấp rủi ro và định kiến từ bên ngoài, phần nhiều cũng vì cái ý nghĩa từ câu chuyện: đừng để sau này phải hối tiếc vì những gì mình không dám làm. 

Mười năm sau, tôi gặp lại người kể chuyện kia, lúc này tôi đã thành chủ doanh nghiệp có hơn trăm nhân viên, nhiều cơ sở, chi nhánh, có tiếng trong giới doanh nghiệp trẻ. Tôi kể anh nghe về câu chuyện của anh năm nào đã giúp tôi ra sao. Anh cười bảo: Vậy thì từ giờ mỗi tuần anh sẽ ăn tối với một nhân vật, từ đủ mọi thành phần, anh sẽ chỉ ngồi nghe họ nói. Anh phải học cách lắng nghe. Chẳng hiểu từ đó đến giờ anh có thực hiện được cái kế hoạch đó không, lắng nghe và tích luỹ được bao nhiêu câu chuyện rồi, còn về tài sản thì anh giờ thành đại gia rồi.

Sau này, khi tôi đóng cửa các cơ sở kinh doanh và tạm lùi lại một hai năm, tôi gần như không giao lưu với ai nữa. Một phần vì tôi muốn chuẩn bị cho một tâm thế mới, một phần vì tôi không muốn và không thích những sự thương cảm, quan tâm hỏi han của người ngoài. Một hôm, tôi nhận được một tin nhắn của một người tự giới thiệu là khách hàng lâu năm của spa của tôi, cũng là một người kinh doanh nên anh rất trân trọng những gì tôi đã làm và anh tin vì lý do nào khác chứ không phải vì làm ăn thua lỗ mà tôi phải đóng cửa. Anh đề nghị được giúp đỡ tôi về vốn để tôi gây dựng lại sự nghiệp. 

Ra là lần đấy anh đang ngồi ở sảnh uống trà, sau khi làm dịch vụ, thì thấy tôi đi từ đâu về. Tôi bước từ ngoài vào, chào nhân viên, quan sát và chỉ ba mươi giây sau khi ở trong spa, tôi đi ra gần anh, cười chào anh rồi cúi xuống nhặt một vụn giấy nhỏ xíu rơi trên sàn, trong khi anh ngồi đó cả chục phút, gần một chục nhân viên đi qua đi lại quanh đó suốt bao lâu không hề nhận thấy. Sau lần đó, anh bảo anh về đào tạo cho tất cả đốc công của anh phải học cách quan sát trong ca trực của họ. 

Những năm 2012 - 2013, những lúc buồn buồn, tôi hay ra quán cafe ngồi đọc sách. Đang ngồi thì có cậu thanh niên ra khoanh tay chào và tự giới thiệu là quản lý của quán. Cậu bảo anh em cậu ngày xưa là trẻ lang thang đánh giày được tôi giúp đỡ tiền nuôi ăn học. Giờ cả cậu và anh trai cậu đều có gia đình đề huề, có việc làm. Tôi ngớ người ra, chẳng biết nói gì. 

Tôi chẳng nói được gì vì thực ra tôi không phải là người giúp mà là bố của con trai tôi. Hồi đó tôi còn trẻ và mắc tính nhỏ mọn đàn bà, tôi còn suốt ngày chì chiết bảo: “Anh nuôi báo cô cái lũ ấy, chúng nó chỉ lợi dụng anh thôi!”. Không chỉ cậu thanh niên quản lý quán đó, mà sau này, rất nhiều lần tôi đang đi ngoài đường lại có ông già hoặc ai đó gọi tên tôi và cảm ơn vì ngày xưa tôi đã từng giúp đỡ họ mà tôi chẳng hề biết. 

Mỗi người chúng ta gặp trong đời, đi cùng ta một quãng dài ngắn khác nhau, có vui có buồn, nhưng đều là những bài học trân quí. Có thể có những điều ta chưa thể nhận ra ngay giá trị của nó, nhưng theo năm tháng, chúng như những khối trầm tích, làm nên một nền tảng, làm cho ta vững chãi hơn và hiểu rằng cần yêu thương nhiều hơn.

Nguyễn Thu Thủy