NÔNG SẢN THỰC PHẨM CHẤT LƯỢNG AN TOÀN:

Sản xuất chè theo hướng hữu cơ

- Thứ Hai, 19/10/2020, 17:39 - Chia sẻ
​​​​​​​Phát huy vị thế “Đệ nhất danh chè”, tỉnh Thái Nguyên đang phấn đấu quy hoạch 100% diện tích chè đạt chất lượng an toàn - sản xuất chè hữu cơ. Từ đó, tạo ra các sản phẩm trà chất lượng cao, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, chinh phục thị trường quốc tế.

Hơn 17 nghìn ha chè giống mới

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng, phát huy tiềm năng lợi thế đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, ba năm qua Thái Nguyên đã tập trung đầu tư, hỗ trợ nhân dân tăng diện tích, thay thế các nương chè cũ bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng, bên cạnh đó công nghệ chế biến, đóng gói sản phẩm cũng được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt để nghề chè ngày càng phát triển theo hướng bền vững, Thái Nguyên đã chỉ đạo quy hoạch tăng diện tích trồng và nâng cao chất lượng chè đạt chất lượng an toàn. Đến nay toàn tỉnh có 17.300 ha chè giống mới, chiếm 77,5% diện tích chè toàn tỉnh, năng suất chè búp tươi đạt bình quân 118,3 tạ/ ha. Diện tích sản xuất tập trung được đầu tư thâm canh và sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ tăng nhanh, đạt 6.000 ha. 100% cơ sở áp dụng kỹ thuật, cơ giới hóa vào các khâu sao, vò chè bảo đảm an toàn thực phẩm; sản lượng chè chế biến đạt 47.693 tấn, trong đó sản phẩm chè xanh, chè chất lượng cao đạt hơn 80%; hơn 80% HTX, doanh nghiệp đầu tư công nghệ đóng gói tự động, sử dụng tem điện tử để truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất sứ sản phẩm.

Hộ gia đình ông Đặng Xuân Kình, xã Tân Linh, huyện Đại Từ chia sẻ: Sau khi thực hiện mô hình, các hộ dân đã thật sự thay đổi tư duy, nhận thức về sản xuất chè an toàn, nắm vững và thực hiện thuần thục quy trình VietGap, các tổ liên kết sản xuất chè vệ sinh an toàn thực phẩm hoạt động có hiệu quả, mẫu mã đóng gói được cải thiện, qua đó nâng cao năng suất và giá trị chè. “Trước đây, thu nhập bình quân của gia đình tôi vào khoảng 2 triệu đồng/người/tháng, nay tăng lên khoảng 5 triệu đồng, ông Kình nói”.

Là hộ gia đình có thâm niên trồng chè hơn 20 năm, ông Nguyễn Quốc Trưởng đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng chè theo hướng VietGAP sang trồng chè hữu cơ cho biết: Thực hiện mô hình trồng chè hữu cơ, năng suất chè bình quân đạt 112 tạ/ha, tăng 2,6 tấn, thu nhập đạt 249 triệu đồng/ha, cao hơn trước khi thực hiện mô hình là 106 triệu đồng, nếu chế biến thì mang lại giá trị đạt 336 triệu đồng/ha. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên Lê Cẩm Long cho hay, nghề chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thật sự phát triển cả về phương thức sản xuất và tổ chức sản xuất với việc ra đời hàng loạt HTX, làng nghể liên kết sản xuất ở các địa phương, làm cho giá trị của chè tăng lên. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chè Khe Cốc Tô Văn Khiêm cho biết, hiện nay HTX đang thực hiện dự án 35 ha chè an toàn, hữu cơ và đã được Nhà nước hỗ trợ từ 25- 35 triệu đồng/ha/năm kéo dài từ 3 - 5 năm. Đây là sự hỗ trợ kịp thời cho bà con nhân dân chuyển đổi từ chè VietGAP, chè sản xuất thông thường sang sản xuất an toàn, hữu cơ Organic.

Thu hái chè sản xuất theo hướng hữu cơ  

Giá trị sản xuất đạt 400 - 650 triệu đồng/ha

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Văn Sỹ vui mừng cho biết: Cả nước hiện có hơn 120 nghìn ha chè, trong đó tỉnh Thái Nguyên có 22,5 nghìn ha, là địa phương có diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên 1 ha lớn nhất cả nước. Hiện giá trị chè sau chế biến đạt bình quân từ 250- 300 triệu đồng/ha, một số vùng chè đặc sản như Tân Cương, La Bằng, Đại Từ, Tức Tranh đạt giá trị từ 400 đến 650 triệu đồng/ha. Sản lượng chè búp tươi đạt gần 240 nghìn tấn, tăng 14% so với năm 2016, giá trị ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khá trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn. “Để khuyến khích người dân sản xuất chè sạch an toàn VietGap, chè an toàn hữu cơ,…tỉnh Thái Nguyên xây dựng nhiều cơ chế hỗ trợ người dân như: hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP và GAP khác. Cùng đó, hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nâng cao kỹ thuật chế biến chè đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất hữu cơ; hỗ trợ 40% vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, biển báo cho tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề chè sản xuất theo chè theo quy trình VietGAP, GAP khác, sản xuất chè hữu cơ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Văn Sỹ cho biết thêm.

(Chuyên mục có sự phối hợp của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản).

Nhật Anh