Kinh tế

Sàn thương mại điện tử lo ngại bị giao trách nhiệm vượt thẩm quyền

Vy Hương 15/05/2025 16:14

Với yêu cầu sàn thương mại điện tử phải xác minh và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang đẩy các sàn đứng trước những nhiệm vụ “bất khả thi” cả về kỹ thuật và pháp lý. Quy định này còn có nguy cơ chồng chéo với các luật chuyên ngành và làm suy yếu năng lực cạnh tranh số quốc gia.

Sàn thương mại điện tử không phải là cơ quan điều tra, kiểm định

Trong những phiên bản gần đây, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa "bất ngờ" bổ sung Khoản 35 Điều 1 liên quan đến trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa được giao dịch trên nền tảng.

Theo đó, trước khi cho phép niêm yết sản phẩm, các sàn thương mại điện tử sẽ phải thiết lập cơ chế xác minh và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm. Sản phẩm có thông tin không đầy đủ, sai lệch hoặc không đáp ứng quy định pháp luật sẽ bị các sàn từ chối niêm yết hoặc gỡ bỏ.

Trong quá trình vận hành, các sàn còn phải ứng dụng công nghệ, công cụ kỹ thuật để giám sát, phát hiện và hậu kiểm thông tin sản phẩm; đồng thời phải chủ động ngăn chặn việc giao dịch hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc hoặc hàng hóa vi phạm quy định về chất lượng.

Theo phản ánh từ các sàn thương mại điện tử, việc dự thảo Luật yêu cầu các sàn phải thực hiện những yêu cầu nói trên đang đặt ra những yêu cầu vượt quá vai trò trung gian của họ, cả về mặt pháp lý lẫn kỹ thuật.

Đại diện nhiều sàn cho biết, họ không có đủ công cụ, năng lực kỹ thuật và thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ này. “Chúng tôi không phải là cơ quan điều tra, kiểm định hay có quyền can thiệp vào quy trình sản xuất, lưu thông hàng hóa để xác thực nguồn gốc, chất lượng. Thực tế, sàn chỉ có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin và lưu trữ, chuyển giao cho cơ quan chức năng khi cần thiết,” một đại diện sàn thương mại điện tử chia sẻ.

Vì vậy, yêu cầu sàn “xác minh nguồn gốc” và “giám sát chất lượng” một cách chủ động là bất hợp lý, đẩy doanh nghiệp vào vai trò mà cả về pháp lý lẫn kỹ thuật đều không đảm bảo, và tiềm ẩn nguy cơ bị quy trách nhiệm đối với các hành vi nằm ngoài tầm kiểm soát.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia pháp lý, hiện chưa có cơ sở pháp lý và thực tiễn để giao nghĩa vụ xác minh, truy xuất nguồn gốc cho các nền tảng thương mại điện tử. Theo pháp luật hiện hành như Luật Hải quan, Luật Quản lý ngoại thương hay Nghị định 43/2017/NĐ-CP, trách nhiệm này thuộc về nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, hoặc cơ quan chức năng chứ không phải doanh nghiệp nền tảng.

Một số ý kiến cũng cảnh báo, việc “xã hội hóa trách nhiệm quản lý” bằng cách giao nhiệm vụ vốn thuộc về nhà nước cho doanh nghiệp tư nhân là xu hướng đáng lo ngại. Điều này không chỉ làm tăng gánh nặng tuân thủ mà còn gây bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, vốn thường ít bị kiểm soát hơn.

mua_sam_truc_tuyen_la_gi_luanvan99.jpg
Đại diện nhiều sàn cho biết, họ không có đủ công cụ, năng lực kỹ thuật và thẩm quyền để xác minh và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm

Chồng chéo với luật chuyên ngành

Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng song cách tiếp cận lại thiếu sự phân định rõ ràng giữa các lĩnh vực quản lý nhà nước. Điều này dẫn đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ra ngoài chức năng cốt lõi của nó, gây chồng chéo với các luật chuyên ngành khác.

Ví dụ, hiện nay, các nghĩa vụ như xác thực thông tin người bán, giám sát giao dịch, ngăn chặn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc... đã được quy định rõ trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Nghị định 85/2021/NĐ-CP, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và sắp tới là Luật Thương mại điện tử.

Việc dự thảo Luật tiếp tục điều chỉnh các nội dung này không chỉ gây trùng lặp mà còn tiềm ẩn nguy cơ xung đột pháp lý trong quá trình áp dụng, làm tăng gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp và gây khó khăn trong thực thi đối với cơ quan quản lý.

Các chuyên gia nhấn mạnh, mặc dù các đạo luật có thể cùng hướng đến mục tiêu chung là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng mỗi đạo luật cần tiếp cận mục tiêu đó từ góc độ phù hợp với chức năng điều chỉnh riêng.

Theo đó, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nên tập trung vào việc bảo đảm hàng hóa tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật – đúng với phạm vi điều chỉnh chuyên biệt của luật này. Việc đưa vào dự thảo Luật các yêu cầu điều chỉnh thuộc các lĩnh vực khác như thương mại điện tử hay bảo vệ người tiêu dùng không chỉ làm suy yếu hiệu lực nội tại của từng đạo luật, mà còn tạo ra sự thiếu nhất quán trong hệ thống pháp luật, làm gia tăng rủi ro pháp lý và gánh nặng tuân thủ cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan thực thi.

Nguy cơ “bảo hộ ngược” và suy yếu năng lực cạnh tranh số

Không dừng lại ở gánh nặng tuân thủ, nhiều chuyên gia cảnh báo quy định tại Khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có thể làm suy yếu năng lực cạnh tranh của cả hệ sinh thái thương mại điện tử trong nước.

Trước hết, quy định này tạo ra sự bất bình đẳng rõ rệt giữa doanh nghiệp nội địa và các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Do có pháp nhân tại Việt Nam, các sàn nội địa sẽ bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ mới, trong khi các nền tảng nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam nhưng không có hiện diện pháp lý lại không bị ràng buộc tương tự. Sự bất đối xứng này dẫn đến tình trạng “bảo hộ ngược”, làm suy yếu vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước ngay trên sân nhà.

Cùng với đó, nguy cơ dịch chuyển đầu tư và né tránh pháp luật cũng được đặt ra. Trong dài hạn, các doanh nghiệp nội có thể cân nhắc đăng ký hoạt động tại nước ngoài, nơi có môi trường pháp lý cởi mở hơn để tiếp tục kinh doanh xuyên biên giới mà không bị ràng buộc bởi các quy định khắt khe. Ngược lại, chính sự phức tạp và chi phí tuân thủ cao cũng khiến các doanh nghiệp quốc tế càng không có động lực thành lập pháp nhân tại Việt Nam.

Đáng chú ý, các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc hay Liên minh châu Âu đều không đặt ra nghĩa vụ xác minh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với các nền tảng thương mại điện tử. Thay vào đó, các sàn chỉ có trách nhiệm tiếp nhận, lưu trữ thông tin và cung cấp cho cơ quan quản lý khi cần thiết. Cách tiếp cận này được đánh giá là phù hợp với vai trò trung gian, hiệu quả trong thực thi và không cản trở phát triển thị trường.

Các chuyên gia lưu ý rằng việc Việt Nam đơn phương thiết lập những quy định vượt khỏi thông lệ quốc tế không chỉ làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh quốc gia và môi trường đầu tư trong lĩnh vực thương mại điện tử, lĩnh vực vốn được xem là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế số.

5749_10-meo-tiet-kiem-tien-cho-hoi-nghien-mua-sam-online-202110051118550007.jpg

Cần thận trọng và nhất quán trong xây dựng chính sách

Theo phản ánh của các sàn thương mại điện tử, quy định về nghĩa vụ xác minh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với sàn thương mại điện tử mới chỉ được bổ sung vào dự thảo Luật trong giai đoạn gần đây (khoảng tháng 4/2025). Vì vậy, các doanh nghiệp và hiệp hội chưa có cơ hội đóng góp ý kiến một cách đầy đủ.

Trước thực tế này, cùng với những bất cập đã được chỉ ra, các sàn thương mại điện tử kiến nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát và loại bỏ quy định này.

Trong trường hợp vẫn cần quy định trách nhiệm về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong môi trường số, các chuyên gia cho rằng, chỉ nên thiết kế ở mức độ nguyên tắc, dẫn chiếu đến các quy định hiện hành trong Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương hay các nghị định liên quan đến thương mại điện tử.

Cách làm này sẽ giúp hệ thống pháp luật rõ ràng hơn, tránh chồng chéo, đồng thời phù hợp với năng lực thực tế của các nền tảng thương mại điện tử, vốn đang đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sàn thương mại điện tử lo ngại bị giao trách nhiệm vượt thẩm quyền
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO