San sẻ trách nhiệm phải trở thành yêu cầu

- Thứ Ba, 30/11/2021, 05:38 - Chia sẻ
Tại Tọa đàm "San sẻ trách nhiệm vượt khó mùa dịch", do Báo Đầu tư tổ chức sáng 29.11, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng: Sự san sẻ trách nhiệm của doanh nghiệp thời gian qua mang tính tình thế, song tới đây phải trở thành đòi hỏi, yêu cầu để cùng tồn tại, phát triển...

Nói “không” với lợi nhuận ngắn hạn

Đề xuất gói cấp bù lãi suất khoảng 2%/năm

Tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bùi Thu Thủy cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế với 5 dự án lớn. Đối với doanh nghiệp, dự kiến sẽ có một số hỗ trợ như: dùng ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho vay, dự kiến khoảng 2%/năm; dành ngân sách có tính chất “vốn mồi” hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tham gia chuỗi liên kết…

“Chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp khó khăn như thế! Không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà cả doanh nghiệp vừa cũng lao đao”, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thu Thủy đúc kết. Song cũng trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy mạnh mẽ tinh thần san sẻ trách nhiệm với nhau cũng như với xã hội.

Theo đó, không ít doanh nghiệp đã hỗ trợ đối tác thông qua giảm chi phí mặt bằng, cho phép chậm trả… Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đã thể hiện trách nhiệm với Nhà nước và xã hội, như đóng góp nguồn lực vào công tác phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội thông qua duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động…

Đơn cử, đại diện AEON Việt Nam cho biết, ngay trong thời điểm hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn sẵn sàng nói “không” với lợi nhuận ngắn hạn để kiên trì theo đuổi sứ mệnh của một nhà bán lẻ và trách nhiệm công dân doanh nghiệp. AEON bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân ở mọi cấp độ dịch bệnh với hơn 400 chuyến xe bán hàng lưu động, cung cấp 800 tấn hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh bán hàng đa kênh. Bên cạnh đó, bảo đảm việc làm và thu nhập cho gần 4.000 nhân viên suốt 1,5 năm qua…

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nguyễn Hải Minh bổ sung, để chung tay cùng Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19, EuroCham đã phát động chương trình “Breathe Again Vietnam” vào tháng 8.2021 nhằm gây quỹ mua thiết bị y tế thiết yếu để hỗ trợ các bệnh viện và nhân viên y tế tuyến đầu. Đến nay, chiến dịch đã kêu gọi được hơn 670.000 Euro và tặng nhiều thiết bị y tế với tổng trị giá 450.000 Euro cho các bệnh viện trên cả nước…

Ở chiều ngược lại, Nhà nước cũng san sẻ kịp thời với cộng đồng doanh nghiệp. Theo bà Bùi Thu Thủy, đã có hàng trăm nghị quyết, quyết định, văn bản từ Quốc hội, Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 và Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Đáng chú ý, việc cho phép doanh nghiệp tự mua bộ kit về xét nghiệm thay vì phải xếp hàng tại các cơ sở y tế đã san sẻ rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp…

Toàn cảnh tọa đàm

Đối thoại, hòa giải thay vì ra tòa

Nhìn nhận sự san sẻ trách nhiệm giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với Nhà nước thời gian qua “trước hết là vì tình thế”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, tới đây sẽ phải trở thành một đòi hỏi, yêu cầu để cùng tồn tại, phát triển.

Ông Hiếu chỉ rõ, có những thứ chúng ta không mong muốn nhưng vẫn xảy ra, như tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh thương mại do tác động của dịch. Thực tế đã có những tranh chấp liên quan đến thuê mặt bằng giữa các doanh nghiệp. Trong trường hợp này, nếu phát huy được tinh thần hợp tác, đối thoại với nhau thì thiệt hại sẽ thấp hơn nhiều, nhất là về hình ảnh. Do vậy doanh nghiệp nên chọn cách hòa giải thay vì ra tòa.

Mặt khác cũng cần có sự can thiệp của Nhà nước. Hiện, thế giới có hai sự can thiệp về mặt chính sách. Một là, có cơ chế giải quyết tranh chấp phi chính thức trong bối cảnh dịch bệnh. Chẳng hạn Australia hay Singapore ngay lập tức đưa ra cơ chế giải quyết nhanh cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phá sản. Việt Nam cũng cần nghĩ đến việc này. Hai là, doanh nghiệp rất quan ngại trong việc chậm nộp tiền phạt của một số nghĩa vụ. Nhà nước cần rà soát và tuyên bố rõ về pháp lý là có nên phạt hay không để cán bộ thực thi thống nhất thực hiện, ông Hiếu đề xuất.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia tư vấn kinh tế tài chính bổ sung, quá trình phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế rất cần các gói hỗ trợ từ ngân sách hoặc có nguồn gốc ngân sách. Ngoài ra, trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2022 nên tập trung toàn lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan, hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh cả về vật chất, tài chính lẫn tinh thần.

Minh Châu