Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Sẵn sàng cho ngày hội của toàn dân

- Thứ Tư, 19/05/2021, 14:32 - Chia sẻ
Đánh giá về công tác chuẩn bị bầu cử, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương PHẠM THỊ THANH TRÀ - thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, đến thời điểm hiện nay, mặc dù tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp tại một số địa phương, nhưng mọi công việc chuẩn bị của Trung ương và các địa phương đã hoàn tất để bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào ngày 23.5.2021 thành công tốt đẹp, là ngày hội của toàn dân.

Đi thẳng vào vùng dịch để kiểm tra bầu cử, xử lý kịp thời tình huống xảy ra

-Là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong công tác bầu cử, xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào?

-Thực hiện nhiệm vụ được Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Nội vụ đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc trực tiếp ban hành các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn về công tác bầu cử bảo đảm đúng tiến độ, thời gian quy định; tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử. Bộ Nội vụ tham gia cùng các địa phương tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho các thành viên tổ chức phụ trách bầu cử; thống kê, tổng hợp số liệu và báo cáo về công tác bầu cử cho Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trả lời, giải đáp kịp thời các ý kiến, kiến nghị của các địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong công tác bầu cử…

Để kịp thời hướng dẫn công tác bầu cử cho các địa phương trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Nội vụ đã ban hành Văn bản số 2135/BNV-CQĐP ngày 13.5.2021 hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Theo đó, đã hướng dẫn chi tiết về công tác chuẩn bị, trình tự tiến hành cuộc bỏ phiếu theo 4 kịch bản cụ thể: tổ chức bầu cử tại phòng bỏ phiếu (bảo đảm phòng chống dịch Covid-19); tổ chức bầu cử cho người đang thực hiện cách ly y tế tại nhà; tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội tại địa bàn bị phong tỏa; tổ chức bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho cử tri là bệnh nhân nghi ngờ hoặc mắc Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm việc với các đơn vị thuộc và  trực thuộc Bộ Nội vụ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Quan điểm của Bộ là đi thẳng vào vùng dịch để kiểm tra bầu cử, kịp thời, có phương án xử lý các tình huống xảy ra

Bên cạnh đó, trong những ngày gần đây, Bộ Nội vụ đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác bầu cử tại những địa phương có dịch Covid-19 bùng phát như: Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên để kịp thời nắm bắt tình hình nhằm cùng với các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuẩn bị cho công tác bầu cử…

Đến thời điểm hiện nay, mặc dù tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp tại một số địa phương, nhưng mọi công việc chuẩn bị của Trung ương và các địa phương đã hoàn tất để bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào ngày 23.5.2021 thành công tốt đẹp, trở thành là ngày hội của toàn dân.

-Như Bộ trưởng vừa chia sẻ, Bộ Nội vụ đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác bầu cử tại những địa phương có dịch Covid-19 bùng phát. Qua kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại các địa phương, vấn đề lớn nhất cần phải lưu ý trong thời gian từ nay đến ngày bầu cử là gì, thưa Bộ trưởng?

-Qua thực tế kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại một số địa phương, điều đáng ghi nhận đó là các địa phương đã có sự chuẩn bị rất tốt các công việc liên quan đến cuộc bầu cử, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ thời gian. Điều kiện vật chất, phương tiện, nhân lực, nguồn lực phục vụ cho cuộc bầu cử cơ bản đã được bảo đảm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi kiểm tra bầu cử ở Hòa Bình

Ảnh: Đăng Hải

Tuy vậy, trong thời gian từ nay đến ngày bầu cử, các địa phương cần tiếp tục chủ động, bám sát các văn bản chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đề phòng, ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các thiên tai, bão lũ, các tình huống dịch bệnh bùng phát trong quá trình triển khai các hoạt động bầu cử. Bộ đã hướng dẫn các địa phương rất kỹ lưỡng, từng bước, từng việc trong bối cảnh cụ thể như giãn cách xã hội, cách ly thế nào… Hội đồng Bầu cử quốc gia đã chỉ đạo rất sát, từng việc.

Song, điều khiến tôi lo ngại nhất là tác động từ dịch Covid-19 ở những địa bàn đang có dịch, sự biến động của cử tri liên tục thay đổi do cử tri phải đi cách ly, số lượng công nhân ở các khu công nghiệp được nghỉ việc, số lượng sinh viên các trường đại học, cao đẳng được nghỉ học về quê; sự thay đổi liên tục các thành viên tổ bầu cử (trường hợp bị nghi nhiễm Covid-19…). Trong khi đó, việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ bầu cử cho các thành viên mới bổ sung gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Điều này sẽ tác động, ảnh hưởng đến nhiệm vụ của Tổ bầu cử trong ngày bầu cử. Mặt khác, nếu địa phương không chuẩn bị kỹ phương án cho ngày bầu cử, sẽ có khoảng thời gian số lượng cử tri tập trung đông tại phòng bỏ phiếu. Do đó, việc bảo đảm an toàn tuyệt đối trong phòng ngừa sự lây lan của dịch Covid-19 tại các điểm bỏ phiếu cũng là vấn đề mà các địa phương có dịch phải chủ động xây dựng kịch bản, phương án rất kỹ lưỡng, cụ thể.

Để tiếp tục đồng hành cùng với các địa phương có dịch tổ chức tốt cuộc bầu cử, ngay trong ngày bầu cử 23.5.2021, Bộ Nội vụ sẽ cử các đoàn đi kiểm tra tại các điểm bỏ phiếu, nơi cử tri thực hiện quyền bầu cử. Quan điểm của Bộ là đi thẳng vào vùng dịch để kiểm tra cuộc bầu cử, có như vậy mới sát được và rút kinh nghiệm kịp thời, có phương án xử lý các tình huống xảy ra.

Tránh bầu hộ, bầu thay

-Vậy, làm thế nào nắm bắt được di biến động của cử tri để bảo đảm quyền và lợi ích của họ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nhiều sinh viên, người lao động ở thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị khác đã và đang trở về các địa phương? Việc giám sát cử tri trở về cần thực hiện như thế nào, nhất là những người về từ các vùng dịch, thưa Bộ trưởng?

-Bộ Nội vụ đã tổng hợp số lượng cử tri trong cả nước, cả nước có 69.198.594 cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử lần này. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện tạm dừng một số hoạt động, loại hình dịch vụ không thiết yếu. Nhiều trường đại học, cao đẳng đã chuyển sang học tập theo hình thức trực tuyến, dẫn đến có không ít người lao động và sinh viên, học viên đã rời các thành phố lớn để trở về quê. Điều này dẫn đến những biến động nhất định trong danh sách cử tri đã được niêm yết, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát thẻ cử tri và việc thực hiện quyền bầu cử của cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới.

Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này, hiện nay các địa phương đang rà soát, cập nhật từng ngày, từng giờ di biến động của cử tri; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa những địa phương nơi mà cử tri đã đăng ký tham gia bỏ phiếu với những địa phương nơi mà cử tri trở về quê hoặc phải đi cách ly tập trung… Vì vậy, chính quyền quyền địa phương cơ sở phải nắm bắt sát tình hình di biến động của các cử tri để trao đổi, thống nhất với cử tri trong việc gạch tên khỏi danh sách cử tri nơi đã đăng ký tham gia bỏ phiếu trước đây và bổ sung kịp thời vào danh sách cử tri nơi mới đến.

Việc khen thưởng thành tích trong công tác bầu cử phải căn cứ vào tiêu chí đã được quy định trong Luật Thi đua khen thưởng. Tuy nhiên, kỳ bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch, do vậy, không đặt nặng tiêu chí kết thúc bầu cử sớm. Điều quan trọng nhất đó là phải bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, tỷ lệ cử tri đi bầu cao, kết quả bầu đúng, bầu đủ, đúng quy định của pháp luật và an toàn tuyệt đối trong phòng chống dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Có một vấn đề phát sinh từ di biến động cử tri hiện nay mà chúng ta cần giải quyết, đó là số lượng cử tri ở các đơn vị bầu cử giảm, không bảo đảm đủ số cử tri đi bầu cử, nhất là khi các trường đại học đã cho sinh viên nghỉ học hoàn toàn. Các địa phương phải lường trước vấn đề này. Mới đây, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có hướng dẫn ghép các khu vực bỏ phiếu, chẳng hạn, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện chỉ còn cán bộ, giáo viên thì có thể ghép với khu vực bỏ phiếu dân cư ở đó và xóa tên trong danh sách cử tri đối với các sinh viên đã trở về quê.

Tuy nhiên, theo tôi, cũng cần linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục bằng việc nhắn tin, thông báo qua zalo… để địa bàn vùng đó chỉ đạo luôn, đừng cứng nhắc quá. Các trường đại học cần chủ động thông tin cho sinh viên, để sinh viên trở về địa phương được thực hiện quyền bầu cử. Lúc này máy móc quá sẽ rất khó, vì đây là tình huống phát sinh.

Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các Tổ bầu cử phối hợp chặt chẽ với cán bộ ở thôn, tổ dân phố khẩn trương rà soát danh sách cử tri trong quá trình phát thẻ cho cử tri trên địa bàn, trong đó lưu ý các trường hợp có yêu cầu đặc biệt, như cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật hoặc cử tri thuộc diện cách ly để phòng, chống dịch bệnh.

Các tổ chức phụ trách bầu cử cần có biện pháp chỉ đạo, theo dõi, kịp thời nắm bắt tình hình biến động của cử tri trong danh sách cử tri trên địa bàn để có phương án chuẩn bị số lượng phù hợp các hòm phiếu phụ, thẻ cử tri, phiếu bầu dự phòng và các điều kiện bảo đảm cần thiết khác cho công tác tổ chức bỏ phiếu trong ngày bầu cử, để bảo đảm tất cả cử tri đều thực hiện quyền bầu cử theo quy định của pháp luật.

-Thưa bà, việc kiểm phiếu được tiến hành như thế nào để đảm bảo khách quan, chính xác? Những ai được chứng kiến việc kiểm phiếu? Làm sao để tránh tình trạng bầu thay? Có cách nào kiểm soát tình trạng này và nếu phát hiện ra thì xử lý như thế nào, thưa Bộ trưởng?

-Theo quy định của pháp luật, việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi hết giờ bỏ phiếu (7 giờ tối ngày 23.5.2021, trường hợp Tổ bầu cử kéo dài thời gian bỏ phiếu thì kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9 giờ tối cùng ngày). Đối với các trường hợp thực hiện cuộc bầu cử tại các khu vực cách ly tập trung, cơ sở y tế, bệnh viện thì để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn về việc có thể tiến hành kiểm phiếu ngay tại cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế, bệnh viện mà không phải đưa hòm phiếu phụ về phòng bỏ phiếu.

Điểm mới trong đợt bầu cử lần này là trường hợp số cử tri trong danh sách đi bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu đạt 100% trước giờ quy định thì Tổ bầu cử không được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu và không được kiểm phiếu trước thời điểm 7 giờ tối ngày 23.5.2021. Việc này để đảm bảo tính khách quan trong công tác kiểm phiếu cũng như khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong việc hoàn thành bỏ phiếu sớm mà dẫn đến vi phạm pháp luật về bầu cử. Việc kiểm phiếu phải bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của người chứng kiến theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Ngoài ra, để tránh tình trạng đi bầu hộ, bầu thay, Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11.1.2021 của Bộ Nội vụ đã quy định rất cụ thể. Theo đó, cử tri phải tự mình đi bầu, không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay. Khi đến phòng bỏ phiếu, cử tri phải xuất trình Thẻ cử tri để được nhận phiếu bầu. Trường hợp cử tri không thể tự gạch phiều bầu thì nhờ người khác gạch phiếu hộ nhưng phải tự mình đi bỏ phiếu. Trường hợp người khuyết tật không thể bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu. Các thành viên tổ bầu cử đã được tập huấn kỹ nội dung này nên sẽ khắc phục được tình trạng đi bầu thay, bầu hộ.

-Ngày bầu cử 23.5.2021 đang đến gần, Bộ trưởng có lưu ý gì trong khâu tổ chức để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra thành công, không xảy ra vi phạm?

-Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là làm sao để niêm yết đầy đủ danh sách cử tri và nơi bỏ phiếu, tất cả các cử tri đều nhận được thẻ cử tri để thực hiện quyền bầu cử của mình, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tình trạng di biến động của cử tri diễn ra từng ngày, từng giờ. Đồng thời, phải làm sao đảm bảo công tác bầu cử diễn ra an toàn, không để lây lan dịch bệnh tại các điểm bầu cử.

Để đảm bảo ngày bầu cử diễn ra an toàn, thuận lợi, đúng pháp luật, các địa phương từ nay đến ngày bầu cử, cần thường xuyên kiểm tra, rà soát lại tất cả các công việc liên quan đến bầu cử; tăng cường công tác truyền thông để cử tri hăng hái tham gia bỏ phiếu; chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự; có phương án, kịch bản chi tiết bầu cử trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phù hợp với tình hình, diễn biến thực tế ở địa phương.

-Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Hà An