Sài Gòn nay đã khác xưa

Minh Tường 28/04/2019 00:07

“Nhớ Sài Gòn với góc phố Huỳnh Thúc Kháng - Võ Di Nguy (nay là Hồ Tùng Mậu), nơi tôi sinh ra và lớn lên từ những năm 60. Tôi rất thích ai đó gọi tôi là dân Sài Gòn". Ông Nguyễn Văn Duy, một tiểu thương kinh doanh khu chợ Dân Sinh, quận 1, tâm sự. Sau bao nhiêu năm, Sài Gòn khoác lên mình chiếc áo mới, thay đổi từ con đường, góc phố. Với rất nhiều người, Sài Gòn nay đã khác xưa...

Sài Gòn thay màu áo mới

Khi xưa hai tiếng Sài Gòn chỉ gói gọn ở trung tâm quận 1, sự tân kỳ tiến bộ ít nhiều đã làm phai nhạt những di tích thủa khai phá vùng đất này. Nhớ đến Sài Gòn là nhớ đến hình ảnh những chiếc xích lô chạy dài trên phố “ngày xưa muốn đi đâu thường đi xích lô chứ không như bây giờ, xe cộ thuận tiện muốn đi đâu chỉ cần ngồi tại chỗ điện thoại là có xe đến đón tận nơi”, bà Nguyễn Thị Tâm, cư trú tại hẻm 284, phường 12, quận Phú Nhuận so sánh.

Là một người con sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Duy tiểu thương kinh doanh khu chợ Dân Sinh, quận 1, chia sẻ: “Có thể nói, Sài Gòn thay đổi nhanh đến “chếnh choáng”, chỉ nhắm mắt ngủ một giấc sáng thức dậy mọi thứ điều thay đổi. Đường Tôn Đức Thắng ngày xưa như miền quê, những cây Dầu cao chót vót đứng lặng lẽ bên đường, con đường Duy Tân cây dài bóng mát, hay con đường Đồng Khởi 9h đêm ra đường đã vắng tanh thì giờ đây đường xe cộ tấp nập…”

Sài Gòn nay đã khác xưa ảnh 1
Ảnh: Phạm Duy

“Sài Gòn nay cái gì cũng đổi mới, ngày xưa nhà cửa lụp xụp bây giờ nhiều tòa nhà cao ốc, biệt thự, chung cư cao tầng mọc lên như nấm sau mưa. Đã qua rồi cái thời đường xá chật hẹp, một số ngõ ngách, con đường lầy lội thì nay đường nhựa trải dài”, bà Dương Thị Minh, ngụ tại hẻm 82, đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, một người con của đất Sài Gòn đã gắn bó và chứng kiến biết bao đổi thay của “ Hòn ngọc Viễn đông” trong suốt 60 năm qua bồi hồi nhớ lại.

Sau nhiều năm xa quê trở về, không ít người ngạc nhiên, lạ lẫm trước những đổi thay của thành phố. “Trong một lần tôi đón khách từ sân bay về Thủ Đức, lưu thông trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, vị khách việt kiều Đức luôn miệng trầm trồ khen đường đẹp, hiện đại. Suốt quãng đường vị khách cứ ngó qua ngó lại 2 bên đường tấm tắc khen. 20 năm xa quê, Sài Gòn trong ký ức của ông khác xa với Sài Gòn hiện tại…” anh Nguyễn Văn Tiến, tài xế taxi grab tại Thủ Đức, kể.

Không chỉ tuyến đường Phạm Văn Đồng, hàng loạt những tuyến đường mới đã làm thay đổi bộ mặt Sài Gòn như: đường Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội, Đường Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hữu Cảnh… Những con đường không chỉ mang lại tiện ích giao thông mà còn là điểm nhấn, tạo nên vẻ hiện đại, sang trọng cho Sài Gòn.

Với anh Nguyễn Văn Tiến, trong những ngày tháng mưu sinh, đã không it lần nghe những lời bộc bạch của khách là những người con xa quê, khi trở về họ thật sự ngạc nhiên về những đổi thay của Sài Gòn. “Tôi sinh ra lớn lên ở Thủ Đức, nhiều khi lo chuyện cơm áo nên ít khi để tâm đến những thay đổi, nhưng đôi lúc nhìn lại mới thấy giật mình trước những điều đó nói chi đến những người xa quê…” anh Tiến chia sẻ.

Sài Gòn nay đã khác xưa ảnh 2
Ảnh: Phạm Duy

Sống trong niềm tin và hy vọng

Sài Gòn qua cái nhìn của một người cựu chiến binh Nguyễn Viết Quản, Chi hội Cựu chiến binh Khu phố 1, phường 2, quận 6, ở một khía cạnh hoàn toàn khác, “Đã qua rồi cái thời mưa bom bão đạn, trở về thời bình với những tiện nghi, sự phát triển của kinh tế, ông cảm thấy rất hài lòng về điều đó. Là người cựu chiến binh, ông có niềm tự hào và tin tưởng vào lớp trẻ với trình độ dân trí ngày càng cao sẽ xây dựng Sài Gòn ngày càng vững mạnh hơn nữa”.

Đi gần hết đời người với bao vui buồn, khó khăn, gian khổ nhưng ông Quản vẫn luôn lạc quan, tự hào, miệng tươi cười đọc một đoạn thơ của cố nhà thơ Tố Hữu:

“Yêu biết mấy, những con người đi tới
Hai cánh tay như hai cánh bay lên
Ngực dám đón những phong ba dữ dội
Chân đạp bùn không sợ các loài sên!”

Bên cạnh sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt, thì Sài Gòn vẫn còn nhiều bất cập, vẫn còn đó những băn khoăn, những nỗi lo mà người dân phải đối mặt mỗi ngày. Trong con mắt cánh tài xế, những người chọn đường phố làm công việc mưu sinh thì vấn nạn kẹt xe, một bộ phận người tham gia giao thông đi sai luật, ý thức tham gia giao thông cộng đồng vẫn còn chưa tốt.

“Đa số người dân tham gia giao thông theo thói quen, không chú ý đến luật pháp. Nhất là những người đi xe hai bánh gắn máy, họ sẵn sàng leo lề, tràn qua làn đường xe ô tô, cần là quay đầu xe giữa đường, bất chấp nguy hiểm. Lực lượng Cảnh sát giao thông thì mỏng, xử lý không xuể những trường hợp vi phạm. tành phố giờ đã đẹp, hiện đại rồi, thêm con người sống văn minh nữa là ổn, mong sao mọi người sẽ ý thức hơn…” anh Phạm Anh Dũng, tài xế grab bike, ngụ tại đường Tân Quý, quận Tân Phú mong muốn. Cũng theo anh Dũng, nạn đua xe đã giảm hẳn là một thành công, tạo được niềm tin cho người dân, mong sao Cảnh sát giao thông sẽ mạnh tay hơn để tạo ý thức cộng đồng trong giao thông.

Mong muốn của anh cũng là ước mong của nhiều người Sài Gòn trước thực trạng giao thông hiện nay. Theo số liệu của Cảnh sát Giao thông Công an thành phố, trong 2 tháng đầu năm 2019, thành phố xảy ra 568 vụ tai nạn giao thông, làm chết 110 người, bị thương 385 người. Năm 2018, có 58.955 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ qua hình ảnh; trong đó chỉ có 20% thực hiện việc đóng phạt. Hơn bao giờ hết, ý thức tham gia giao thông là điều trăn trở của nhiều người dân Sài Gòn.

Sài Gòn nay đã khác xưa ảnh 3
Ảnh: Phạm Duy

Bình yên luôn hiện hữu

Đứng trước những hệ lụy kéo theo sau sự phát triển, hàng loạt những chương trình, phong trào an ninh trật tự được đề ra. Hiệu quả của nó đã tạo được niềm tin của người dân vào luật pháp.

Được nhiều người quan tâm, tin tưởng nhất vẫn là mô hình Tổ công tác 363 của Công an thành phố (Tổ công tác). Việc bố trí, tổ chức lại hoạt động của các lực lượng tham gia. Tổ chức công tác tuần tra, kiểm soát, chốt chặn trên đường giao thông… đã giúp lực lượng Công an chủ động phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên đường phố, nơi công cộng. Hình ảnh những chiến sĩ tổ công tác không chỉ tạo niềm tin cho người dân mà còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Từ khi Tổ công tác đi vào hoạt động, phạm pháp hình sự trên địa bàn thành phố đã giảm nhiều. Trong 4 tháng đầu 2019, các loại án xâm phạm sở hữu tài sản kéo giảm so với cùng kỳ năm 2018 (án cướp giật xảy ra 200 vụ, giảm 36 vụ; án cướp tài sản xảy ra 23 vụ, giảm 19 vụ; án trộm cắp tài sản xảy ra 552 vụ, giảm 72 vụ). Tai nạn giao thông cũng được kéo giảm, không xảy ra đua xe trái phép, tình trạng tụ tập chạy xe thành đoàn, gây rối trật tự công cộng được hạn chế đáng kể. Các Tổ công tác đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 8.342 vụ vi phạm pháp luật và vi phạm trật tự an toàn giao thông

Mới đây, phương tiện thông tin truyền thông đăng tải chuyên án bắt 1,1 tấn ma túy khiến người Sài Gòn xôn xao, nhiều người tỏ vẻ lo lắng trước thực trạng ma túy đang bắt đầu tràn vào thanh phố, hậu quả ma túy gây ra là không thể lường trước. ông Trần Văn Việt, ngụ tại đường số 2, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, lo lắng: “Dạo gần đây, thấy các chuyên án bắt ma túy số lượng lớn ngày càng nhiều tôi thấy bất an, thanh thiếu niên cái tuổi ham chơi dễ bị dẫn dụ, chỉ sợ các cháu đua đòi thì hậu quả là gia đình và xã hội phải gánh là điều không ai mong muốn…”.

Nghe, thấy và lo lắng là điều dễ hiểu, tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến lạc quan, không ít người nhận xét, “Công an giỏi thật… đối đầu với những tổ chức tội phạm quốc tế, bắt giữ số lượng ma túy lớn như vậy đâu có dễ, nghiệp vụ của ngành công an mình giỏi đâu thua các nước khác trên thế giới. Việc phá những chuyên án lớn hiệu quả như vậy chắc chắn sẽ làm chùn bước những kẻ đang manh nha buôn bán những thứ hàng giết người thế này. Phá được án là lời khẳng định đanh thép đối với bọn buôn bán ma túy…” ông Trần Văn Công, ngụ tại Trương Văn Hải quận 9, hào hứng cho biết.

Không chỉ phá án ma túy, việc đưa ra xét xử hàng loạt băng nhóm xã hội đen cho vay nặng lãi, giúp nhiều người dân lao động thoát khỏi cảnh khốn cùng, đã tạo được niềm tin cho người dân, mang lại hình ảnh đẹp về lực lượng gìn giữ pháp luật. “Thời gian gần đây, lực lượng chuyên trách liên tục phá nhiều vụ án lớn đã tạo được niềm tin, cái nhìn thiện cảm của người dân. Qua những vụ phá án, tôi tin là lực lượng chuyên trách có đủ năng lực để phanh phui những điều khuất tất, mang lại binh yên cho người dân, cho xã hội. Nhiều vụ án tưởng chừng bế tắc, nhưng chỉ thời gian ngắn là mọi chuyện được minh bạch rõ ràng dưới ánh sáng công lý. Tốc độ phá án thật là đáng nể, nên tôi tin người dân, xã hội nói chung và Sài Gòn nói riêng sẽ phát triển trong bình yên…” anh Phan Thế Nam, ngụ tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức bộc bạch.

Vẫn biết xã hội phát triển sẽ kéo theo những hệ lụy của nó, nhưng với người dân Sài Gòn, vẫn còn nhiều nỗi lo đấy, nhưng họ vẫn tin rồi lại bình yên. Cách ứng phó với mặt trái của xã hội, với những diễn biến phức tạp về an ninh trật tự đã và đang tạo được niềm tin đối với hơn 10 triệu người dân thành phố. Với họ, bình yên luôn hiện hữu nơi đây!

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sài Gòn nay đã khác xưa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO