Sách lịch sử VN Hán – Nôm cuộc cách mạng giáo khoa lịch sử?

Lê Thủy 16/09/2013 08:36

Nghiên cứu sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm trong nền giáo dục Nho học Việt Nam, Ts Nguyễn Thị Hường, Viện Nghiên cứu Hán Nôm khẳng định: đây là tài liệu tham khảo quan trọng cho các nhà biên soạn sách giáo khoa môn lịch sử hiện nay.

Dạy lịch sử bằng truyện kể

Trong chuyên luận Nghiên cứu sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm vừa ra mắt độc giả, Ts Nguyễn Thị Hường (1981 - 2012) khẳng định: sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm là tài liệu thường thức và chuyên sâu về lịch sử nước nhà, cung cấp những kiến thức cơ bản, ngắn gọn nhất về lịch sử nước ta. Bên cạnh đó, chúng còn là những tài liệu có tính chất chuyên môn khi trình bày chuyên sâu về các vấn đề: cương vực, dân số, quốc hiệu, các danh nhân lịch sử, các sự kiện lịch sử trọng yếu của dân tộc. Tùy theo các đối tượng mà sách dạy lịch sử Việt Nam trang bị kiến thức ở mức độ khác nhau.

Khảo sát 20 cuốn sách dạy lịch sử Việt Nam (gồm 186 văn bản cổ) có niên đại từ năm 1880 - 1952 cho thấy: với đối tượng mới học, sách dạy lịch sử cung cấp những kiến thức khái quát về các thời đại, các vị anh hùng dân tộc, những danh nhân đất Việt… Đặc biệt, để trẻ nhỏ, người mới học dễ tiếp thu, người xưa dạy lịch sử bằng các câu chuyện. Phương pháp này được các nhà biên soạn giáo khoa áp dụng vào đầu thế kỷ XX, trong đó Ấu học lịch sử giáo khoa thư do tác giả Đoàn Triển biên soạn là tiêu biểu. Hình thức truyện kể cũng được các sỹ phu Đông Kinh nghĩa thục áp dụng trong khi dạy lịch sử Việt Nam. Với đối tượng người học đã có kiến thức cơ bản, các sách dạy lịch sử cung cấp những nội dung cụ thể trên nhiều mặt: diễn tiến lịch sử Việt Nam qua các triều đại, những khảo cứu về cương vực, quốc hiệu, dân cư, niên biểu, những biến động tiêu biểu của các đời. Ngoài ra còn cung cấp những thông tin cơ bản về chế độ, chính sách qua các triều đại. Trong đó, cương vực luôn là vấn đề được đặt ra hàng đầu trong các sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Tuy mức độ trình bày kỹ càng về cương vực giữa các sách không giống nhau, nhưng việc đặt cương vực lên vị trí đầu mỗi cuốn sách cho thấy tác giả coi đây là nội dung thiết yếu mà học sinh cần phải nắm được trước khi học lịch sử Việt Nam qua từng giai đoạn. Có thể thấy, những kiến thức này cũng giúp học sinh bước đầu có ý thức về chiều dài lịch sử, về lãnh thổ quốc gia, qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ lãnh thổ.

 1 trang trong cuốn Trung học Việt sử toát yếu
1 trang trong cuốn Trung học Việt sử toát yếu

Kinh nghiệm quý với việc dạy sử Việt hiện nay

Trước tình trạng hiện nay nhiều học sinh đạt điểm kém môn lịch sử trong các kỳ thi, không nắm được những kiến thức cơ bản nhất của lịch sử dân tộc, một số ý kiến cho rằng, sách giáo khoa là một nguyên nhân làm học sinh “quay lưng” với môn sử. NGƯT Vũ Thế Khôi nhận định: “Sách lịch sử có thể coi là mảng yếu nhất về sách giáo khoa hiện nay, đặc biệt là ở bậc phổ thông”.

Khảo sát sơ bộ đối với sách giáo khoa lịch sử hiện nay, theo Ts Nguyễn Thị Hường: về phương pháp trình bày sự kiện, các tác giả biên soạn sách giáo khoa lịch sử Việt Nam hiện nay vẫn chưa thoát khỏi phong cách biên niên, nặng về liệt kê số liệu, ngày tháng, khiến cho các sự kiện lịch sử chỉ là những con số khô khan. Thực trạng này từng được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu: “Tôi có đọc mấy cuốn sử các đồng chí viết là sách giáo khoa… Tôi rất kinh ngạc, vì nó là một chuỗi sự kiện, năm tháng, tên tuổi. Lịch sử đâu có phải là một chuỗi những sự kiện mà người viết ghi lại, rồi người giảng sử đọc lại, và người học sử lại học thuộc lòng. Lịch sử đâu có phải như vậy, nhất là lịch sử nước ta…”. Bên cạnh đó, việc áp dụng phương pháp luận biện chứng và duy vật lịch sử đối với sách học ở bậc tiểu học và THCS khiến cho các bài học trở nên “bác học”, trừu tượng, như “tóm tắt lịch sử của người lớn cho trẻ con học”, rất khó tiếp thu.

 1 trang trong cuốn âu học hán tự tân thư Nguồn: Nomfoudation.org
1 trang trong cuốn âu học hán tự tân thư          Nguồn:  Nomfoudation.org

Mặt khác, các sách giáo khoa lịch sử hiện nay còn chưa quán triệt được quan điểm lịch sử dân tộc là lịch sử tiến hóa, phải phản ánh đầy đủ các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục… trong đời sống xã hội con người nói chung và người Việt Nam nói riêng. Điều đó dẫn đến tình trạng nội dung sách giáo khoa lịch sử nặng về chính trị và quân sự. Mặc dù, sách giáo khoa lịch sử sau lần cải cách gần đây nhất đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn, cố gắng bổ sung những bài học về kinh tế, văn hóa, xã hội vào trong chương trình như sách giáo khoa lịch sử lớp 4, 6, 7. Tuy nhiên, những bổ sung đó chủ yếu thuộc giai đoạn lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XIX. Những vấn đề về văn hóa - xã hội đầu thế kỷ XX gần như không được đề cập…

Những hạn chế cơ bản như vậy đã dẫn đến chất lượng sách giáo khoa lịch sử chưa tốt, học sinh khó tiếp thu. Thực trạng đó rõ ràng đòi hỏi phải có một “cuộc cách mạng” sách giáo khoa lịch sử. Qua chuyên luận có thể thấy, các sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm có giá trị tham khảo đối với việc biên soạn sách giáo khoa lịch sử hiện nay. Cụ thể, 3 cuốn sách Ấu học Hán tự tân thư, Tiểu học quốc sử lược biên, Trung học Việt sử toát yếu có thể là 3 cuốn sách tiêu biểu, là tài liệu tham khảo cho việc biên soạn sách giáo khoa lịch sử ở ba cấp tiểu học, THCS và THPT.

Ts Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đồng tình: “Người xưa dạy sử Việt ra sao? Học sinh ngày xưa được giáo dục như thế nào về cương vực, lãnh thổ, về biển đảo, về Hoàng Sa, về Hồng Đàm? Rồi những vấn đề về quốc hiệu, dân cư, dân số, các danh nhân lịch sử? Những phương pháp biên soạn sách dạy lịch sử của người xưa cùng những trăn trở của họ về lịch sử đất nước sẽ là những kinh nghiệm quý báu đối với việc giảng dạy môn sử học trong nhà trường hiện nay”.     

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sách lịch sử VN Hán – Nôm cuộc cách mạng giáo khoa lịch sử?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO