“Sách không bao giờ phản bội bạn”
“Có một thứ tài sản duy nhất trên thế gian này ta cho đi mà không bị mất, lại được thêm. Đó là tri thức. Tôi đã tuyên bố nhiều lần rồi và muốn nhắc lại rằng, sách là tri thức. Bạn đọc nên chọn những cuốn sách bổ ích, có tri thức nuôi dưỡng bộ não và tâm hồn bạn. Sách không bao giờ phản bội bạn” – TS NGUYỄN MẠNH HÙNG, CHỦ TỊCH HĐQT, CEO THÁI HÀ BOOKS, chia sẻ.
Độc giả cần tỉnh táo bảo vệ mình
Ông đánh giá thế nào về thị trường sách tại Việt Nam hiện nay?
Tôi không có thống kê về số lượng công ty sách và nhà sách. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp sách thực sự tâm huyết, vì nền tri thức nước nhà, thực tâm cống hiến cho bạn đọc không nhiều. Vẫn còn có những nhà xuất bản, doanh nghiệp sách làm sách lậu, sách kém chất lượng, lao theo lợi nhuận. Mà sách là tri thức, là giáo dục, nếu chúng ta kiếm tiền bằng mọi cách qua việc xuất bản sách thì rất nguy hiểm. Tôi nói ví dụ như sách bán chạy hiện nay là liên quan đến sex, đến vụ án và chém giết, đến mê tín dị đoan. Nếu làm sách này ta có thể làm suy đồi đạo đức xã hội, làm hỏng cả thế hệ người Việt.
Năm 2009, Việt Nam xuất bản 24.589 đầu sách với 273.583.000 cuốn sách. Để tưởng tượng ra bạn có thể lấy con số sách xuất bản trước năm 1975 là 4.000 đầu sách và năm 2005 là 20.000 bản với 250 triệu cuốn. Tuy nhiên, mỗi năm một người Việt mua 3,3 cuốn sách, trong đó trên 80% là sách giáo khoa, bắt buộc phải mua, tức thực ra chỉ mua có 0,6 cuốn sách tham khảo và trung bình mỗi người Việt đọc 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo. Quá ít! Tiếc thay!
![]() |
Còn về người đọc thì sao?
Bạn đọc hiện nay lười đọc sách. Rất lười đọc sách. Doanh nhân cũng lười đọc sách. Hơn nữa họ chưa biết cách đọc, chưa biết cách khai thác tri thức vô tận của thế gian này.
Theo ông, việc có quá nhiều sách như hiện nay, người đọc có thể gặp phải những nguy cơ gì?
Loạn thông tin. Nhiễu thông tin. Lẽ ra các nhà xuất bản và các công ty sách và nhà sách phải CHỌN sách giúp bạn đọc. Đằng này, nhiều trong số họ chỉ lo kiếm tiền. Ai muốn kiếm tiền thì hãy tránh xa ngành xuất bản. Bởi nếu xuất bản sách một cách tùy tiện là gây nguy hại cho xã hội. Tôi nhiều ngày đi lang thang các phố bán sách lậu ở Hà Nội và thấy lo ngại thực sự. Sách bát nháo đến mức, là chuyên gia trong ngành sách mà tôi còn thấy ngộp. Tôi tự nghĩ: mỗi độc giả cần tỉnh táo bảo vệ mình. Hãy tự chọn cho mình những cuốn sách đáng đọc và cần đọc. Hãy chọn những công ty sách có uy tín và thật sự vì bạn đọc.
Đúng là hiện người đọc bị hỗn loạn bởi có quá nhiều sách, mà cuốn nào cũng được giới thiệu rầm rộ. Để đọc hết thì không thể, nhưng nếu không đọc làm sao biết sách nào hay sách nào dở? Lẽ nào cứ phải bắt chước nhân vật Nagasawa trong Rừng Nauy, chỉ đọc sách của tác giả nào đã khuất núi sau 30 năm, để “không phí ngày giờ quý báu đọc những thứ chưa được thời gian chấp nhận”?
Bạn có thể tìm hiểu trên các website hay tư vấn trực tiếp từ các bậc thiện tri thức để mua những cuốn sách đáng đọc. Người biết đọc sách là người biết loại sách, tức phân loại sách để đọc và loại bớt những cuốn sách chưa cần đọc hay không cần đọc. Khi chọn mua sách hãy nghiên cứu tác giả, nhà xuất bản, số lần tái bản, số ngôn ngữ đã được dịch. Hãy đọc những lời nhận xét, lời giới thiệu, mục lục. Nếu có thể hãy tìm trên google về tác giả và cuốn sách đó. Bạn có biết có những cuốn sách tác giả phải đầu tư khủng khiếp mới cho ra đời không? Ví dụ, Napoleon Hill đầu tư 30 năm, nghiên cứu 500 tập đoàn lớn nhất nước Mỹ mới chắt lọc ra mấy trăm trang của Think and grow rich - 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu. Hay Giám đốc của Accenture Tad Waddington phải viết và bỏ đi trên 40.000 trang giấy trong cả chục năm mới cho ra được cuốn Cống hiến trường cửu. Đấy, những cuốn như vậy phải đọc.
Hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ
Có thể nói ông là một trong những người tích cực xây dựng một văn hóa đọc lành mạnh. Theo ông, văn hóa đọc dựa trên nền tảng nào?
Văn hóa đọc đứng trên 3 đỉnh của tam giác: Thói quen đọc sách + Sở thích đọc sách + Kỹ năng đọc. Tôi từng tuyên bố, nếu 30 tuổi bạn không có thói quen đọc sách là hết cách. Thói quen đọc sách phải được hình thành từ nhỏ! Sở thích đọc sách liên quan đến cách chọn sách và loại tri thức cung cấp vào cơ thể bạn, nuôi thân và tâm bạn. Nếu bạn suốt ngày đọc sách vụ án, chém giết, bạn có nguy cơ trở thành tội phạm. Ngược lại bạn đọc những sách dạy làm người, sống thiện, bạn sẽ thành người tốt. Và cuối cùng là kỹ năng đọc. Đáng tiếc rằng ở Việt Nam ta chưa có các khóa dạy kỹ năng đọc.
Như thế nào được gọi là một người đọc “văn minh”?
Người văn minh là người có tri thức. Người có văn hóa là người biết đối nhân xử thế. Còn người đọc “văn minh” theo tôi là người biết chọn cái để đọc, biết chắt lọc những gì tinh túy nhất CHO MÌNH từ những cuốn sách đã được in ra. Và quan trọng hơn là ứng dụng nó vào cuộc sống hàng ngày. Có bạn đọc sách mà chẳng để làm gì cả, hỏi nội dung cũng không biết, hỏi cái hay cái dở của cuốn sách cũng ậm ừ. Đó hình như chưa phải là người biết đọc sách.
Người lớn có thể đủ nhận thức để biết có nên đọc tiếp một cuốn sách hay không, nhưng với trẻ em thì khác. Chọn sai một cuốn sách có thể ảnh hưởng đến nhận thức của các em sau này, thưa ông?
Đúng vậy. Chúng ta cần hướng dẫn các em nhỏ đọc sách. Trong các buổi nói chuyện với phụ huynh, tôi mong muốn các bậc cha mẹ đi mua sách cùng con, đọc sách cùng con, kể chuyện sách cùng con. Đây là cách tạo hứng thú cho con, hướng dẫn con văn hóa đọc. Trẻ con chưa biết chọn sách. Nếu cha mẹ không mua cùng, chọn cùng và đọc cùng thì có thể không tốt.
Xin cám ơn ông!