Sách hóa nông thôn Việt Nam

Nguyên Anh 31/08/2014 09:41

Với mong muốn tạo cơ hội tiếp cận tri thức để nông dân Việt Nam nắm tay bình đẳng với nông dân Nhật Bản, Mỹ, Israel...; và để học sinh nông thôn được đọc sách như học sinh thành thị và như trẻ em châu Âu (12.000 phút/năm), gần 8 năm qua, ông Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn - cùng hơn 70.000 người Việt Nam trong và ngoài nước, đã thành lập hơn 2.500 tủ sách trên khắp cả nước, góp phần giải quyết tình trạng thiếu sách ở nông thôn và khuyến đọc.


Ít sách, ít đọc sách

Theo ông Nguyễn Quang Thạch, cần nhìn nhận một thực tế rằng Việt Nam chưa bao giờ có văn hóa đọc. Trước năm 1945, cả nước có hơn 90% dân số mù chữ. Từ 1945 - 1975 chiến tranh liên miên, nên việc đọc sách chưa phải thói quen của toàn dân. Từ 1975 đến nay, đói nghèo, phát triển nóng và thiếu tư duy vĩ mô về thư viện, đã không thể tạo thói quen đọc cho số đông dân chúng trên bình diện quốc gia, làm lãng phí khoảng 20 nghìn tỷ trang sách không được đọc. Qua thực chứng cho thấy, hầu hết dân nông thôn ở độ tuổi 18 tuổi trở lên rất ít đọc sách, ngoại trừ giáo viên đọc sách phục vụ chuyên môn. Năm 2010, qua phỏng vấn 240 học sinh ở 6 trường học, kết quả chỉ có 20 em sở hữu 1 - 12 cuốn sách truyện, thơ, số còn lại không có cuốn nào.

Mặc dù các trường học đều có thư viện nhưng chủ yếu là sách phục vụ việc dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi, số lượng lại ít, không đủ phục vụ nhu cầu của tất cả học sinh, không gian đọc sách hạn hẹp nhưng khoảng cách hành chính giữa thủ thư và học sinh khá lớn... Chương trình Sách hóa nông thôn đã phỏng vấn ngẫu nhiên và lấy thông tin từ sổ mượn của thư viện tại 50 trường ở các huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương, Đông Hưng của tỉnh Thái Bình, kết quả cho thấy mỗi học sinh chỉ đọc 0,5 - 1 đầu sách/năm. Các trường học ở khu vực thị trấn có số đầu sách được mượn cao hơn, bình quân 5 đầu sách/học sinh/năm... Nói chung sự đọc ở nông thôn đang ở mức cận con số 0, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển đất nước - ông Nguyễn Quang Thạch nói. Thiếu sách trầm trọng, thiếu vắng hệ thống thư viện cấp xã và vận hành yếu kém của hệ thống thư viện trường học là nguyên nhân của sự ít đọc ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, thiếu vắng chiến lược xây dựng văn hóa cộng đồng lấy tri thức làm chủ đạo đã không kích thích tiềm năng đọc sách trong cộng đồng. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các tệ nạn xâm nhập đời sống.

Thay đổi nhận thức về đọc sách

Từ năm 2007, ông Nguyễn Quang Thạch tiến hành thí điểm tủ sách dòng họ và sau khi thành lập Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng (tháng 4.2010) để áp dụng các mô hình thư viện đã thiết kế, chương trình Sách hóa nông thôn ra đời với tham vọng đến năm 2020 tất cả lớp học, dòng họ, xứ đạo, gia đình có vợ là giáo viên, chồng là chiến sỹ có tủ sách. Ông Thạch cho rằng, giải quyết việc thiếu sách của học sinh ở nông thôn là một việc lớn, nhưng lớn hơn cả là thay đổi nhận thức về đọc sách của giáo viên và phụ huynh. Bởi đa số giáo viên vốn sinh ra ở nông thôn, từ nhỏ không có sách để đọc và cũng không có thói quen đọc sách, nên giờ họ thờ ơ với việc đọc của học trò. Sau khi khảo sát, nghiên cứu, chương trình Sách hóa nông thôn quyết định lấy trẻ em làm trung tâm cho sự thay đổi tình trạng đọc sách ở người nông thôn hiện nay, với hy vọng tri thức mà các em lĩnh hội được như nước chảy ngược tác động vào sự ít đọc của thầy cô giáo và cha mẹ mình. Hơn thế, đọc những cuốn sách giá trị cũng là một cách học hiệu quả, góp phần giáo dục toàn diện.

90% tủ sách trong chương trình Sách hóa nông thôn là tủ sách phụ huynh, do phụ huynh đóng góp, đặt ngay trong lớp học, giúp trẻ em hàng ngày đến trường được thấy sách và được đọc sách. Đây là mô hình tối ưu trong các mô hình đã áp dụng. Ở Mỹ có thư viện lớp học (classroom library) và ấn Độ cũng đang xây dựng các thư viện kiểu này. Tủ sách gắn trách nhiệm của phụ huynh đối với con cái, do con cái họ quản lý và khai thác, vì thế huy động được sự đóng góp của cộng đồng để phục vụ lợi ích của chính họ. Giờ đây, nhiều phụ huynh thậm chí nhờ con mượn sách về nhà để đọc. Ở Tây Nguyên, nhiều người dân tộc thiểu số góp 30.000 đồng để thành lập tủ sách cho con em mình...

Hiện chương trình Sách hóa nông thôn đã giúp xây dựng hơn 2.500 tủ sách trên khắp cả nước, chưa kể các tủ sách do cộng đồng tự làm. Tại những nơi có tủ sách, mỗi học sinh tối thiểu đã được đọc 10 đầu sách/năm. Mô hình tủ sách phụ huynh đang được nhân rộng, kể cả ở thành phố, như Trường PTDL Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã thành lập 50 tủ sách...

Bộ, ngành vào cuộc, cộng đồng chia sẻ

Từ hiệu ứng của tủ sách phụ huynh ở một số huyện, mới đây Sở GD - ĐT Thái Bình đã phát động xây dựng tủ sách phụ huynh ở tất cả trường, lớp học trên địa bàn, lồng ghép với xây dựng tủ sách lớp em, tủ sách thân thiện. Cũng từ chuỗi mô hình tủ sách ở Thái Bình, ngày càng nhiều cá nhân ở các tỉnh khác liên hệ nhờ Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng hướng dẫn xây dựng tủ sách cho lớp, trường, dòng họ, khu chung cư... Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trong 7 năm tới sẽ có thêm 200.000 tủ sách lớp học, 70.000 tủ sách dòng họ và 7.000 tủ sách giáo xứ đến với các miền quê Việt Nam, chương trình Sách hóa nông thôn rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương cũng như tiếp tục nhận được sự hưởng ứng, chia sẻ của cộng đồng. Chỉ cần 5 người sinh ra trong một xã, góp 200.000 đồng làm một tủ sách trong lớp học của trường cũ, thì việc thiếu sách ở trường đó sẽ được giải quyết, và từ lớp 1 - 12, học sinh sẽ được đọc ít nhất 500 đầu sách khác nhau. Tương tự, các dòng họ, xứ đạo cũng rất cần những thành viên tiến bộ hành động để đánh thức họ hàng, các giáo hữu cùng hành động vì sự đọc sách của con trẻ...

Ở cấp nhà nước, Bộ VH, TT và DL có thể đưa vào tiêu chí tủ sách khi công nhận danh hiệu làng văn hóa; Bộ GD - ĐT đưa tủ sách lớp học/tủ sách phụ huynh vào phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; Bộ Quốc phòng và Bộ Công an khuyến khích các gia đình có vợ là giáo viên ở nông thôn, chồng là chiến sỹ nhân rộng các tủ sách phục vụ cộng đồng. Hội Khuyến học cũng nên đưa tiêu chí tủ sách vào dòng họ khuyến học... Đây là điều kiện cần để kích thích cộng đồng xây dựng các tủ sách phục vụ chính họ, góp phần nâng cao văn hóa đọc và dân trí.

Để kêu gọi toàn xã hội tham gia tiến trình Sách hóa nông thôn, Tết năm 2015, ông Nguyễn Quang Thạch dự kiến sẽ đi bộ từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh để giới thiệu và vận động các sở giáo dục - đào tạo nhân rộng tủ sách phụ huynh, các gia đình chiến sỹ nhân rộng tủ sách hậu phương, quê hương chiến sỹ; cũng như kêu gọi người gốc nông thôn đưa sách về trường cũ, dòng họ, xứ đạo... của chính họ. Khi việc đọc sách và sáng tạo được khuyến khích ở khắp mọi nơi thì xã hội sẽ tự hình thành những tầng bậc tinh thần để công dân tiệm cận các giá trị tinh thần đó. Bất cứ quốc gia nào xây dựng được hệ thống thư viện rộng khắp đến từng người dân, kiến tạo thói quen đọc sách cho phần đông dân chúng để hình thành văn hóa đọc, song song với phát triển giáo dục chính thống trên nguyên tắc khai phóng tư tưởng công dân, thúc đẩy tự do cá nhân và sáng tạo, quốc gia đó sẽ tạo được đẳng cấp cho mình sau 20 - 50 năm - ông Nguyễn Quang Thạch khẳng định.

Tủ sách phụ huynh/Tủ sách lớp em gồm các loại sách khoa học thường thức, sách nói về giá trị sống, kỹ năng sống, sách văn học, lịch sử và sách nâng cao. Các tủ sách đặt ở cộng đồng như tủ sách dòng họ, tủ sách giáo xứ, tủ sách hậu phương, chiến sỹ thường gồm sách văn học, sách nông nghiệp và y học, sách đạo đức và pháp luật, sách lịch sử, tổng hợp, từ điển tiếng Anh...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sách hóa nông thôn Việt Nam
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO