“Sách hóa nông thôn” tác động lại thành thị
Chương trình Sách hóa nông thôn đang lan rộng, mang hàng nghìn tủ sách tới từng lớp học ở nhiều vùng quê. Tuy nhiên, tại các thành phố, khu vực đô thị, nơi tưởng như sách đã quá thừa, văn hóa đọc vẫn xa lạ với nhiều học sinh.
Cánh tay nối dài của thư viện
Nhận thấy rằng dù có thư viện khang trang, nhiều sách, nhưng học sinh vẫn ít đọc, TS. Lê Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm bộ môn Văn học và Nghệ thuật, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội đã nghiên cứu áp dụng mô hình Sách hóa nông thôn để xây dựng các tủ sách tại 155 lớp của cả 3 cấp học trong hệ thống giáo dục Vinschool, khi chị là chuyên gia tư vấn, Giám đốc Ngữ văn của hệ thống trường này. Sau nhiều lần TS. Lê Thị Thanh Tâm đề xuất thay đổi, thuyết phục, viết tâm thư… cuối cùng lãnh đạo trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh đã đồng ý xây dựng tủ sách trong từng lớp học, học sinh góp sách; đưa vào thời khóa biểu 2 tiết học đọc sách/tuần; có các hoạt động như viết nhật ký đọc, thuyết trình, tranh biện, làm theo sách, làm video sách, tuần lễ sách, ngày hội sách với 12.000 người tham dự... Việc đọc của học sinh được theo dõi, đánh giá theo các tiêu chí không gian, thời gian, nội dung, số lượng sách.
![]() Nguồn: ssggroup.com.vn |
“Lúc đầu khi tôi đề nghị trang bị tủ sách trong lớp học, đã có ý kiến cho rằng, ở thư viện đầy sách, học sinh không đọc, giờ lại bày đặt làm tủ sách trong lớp, tốn tiền. Nhưng tôi trò chuyện thì thấy các em rất thích đọc sách, có em nói từ khi có tủ sách, trong giờ nghỉ trưa kéo dài 2 tiếng, em đọc sách một lúc mới ngủ. Khi rảnh rỗi các em lại trao đổi về sách. Sau gần 2 năm phát động, tới nay ở tiểu học, tủ sách nhiều nhất lên tới 700 cuốn, còn trung học là 350 cuốn, với 7 thể loại. Đọc nhật ký sách của học sinh, tôi thấy các em mê đọc và viết rất tốt. Có em viết bài luận dài, có em vừa viết vừa vẽ, có em viết chỉ 1 - 2 câu về cuốn sách đã đọc, nhưng là ý rất đắt” - TS. Lê Thị Thanh Tâm cho biết.
Có thể thấy, khi học sinh chưa hình thành thói quen đọc sách, việc học cũng không đòi hỏi mở rộng nghiên cứu, tìm tòi, thư viện sẽ là nơi dễ bị bỏ quên nhất. Tủ sách trong lớp học được coi như cánh tay nối dài của thư viện, đưa các em đến với sách. Khi việc đọc trở thành tất yếu, chúng sẽ tìm đến thư viện mở rộng kiến thức. Giả dụ, vẫn có số ít học sinh được gia đình tạo thói quen đọc sách, nhưng không được trao đổi, bàn luận về sách, không đưa vào bài học, thì việc đọc sách không mang lại nhiều giá trị thực tiễn ngay tức thì. Từng lớp học có sách, có “hệ sinh thái đọc”, đọc phục vụ cho việc học sẽ kích thích trẻ tham gia tích cực nhất.
Hiệu ứng ngược
Từ nỗ lực của một cá nhân đã tạo ra chuyển biến về nhận thức cho một cộng đồng, hệ thống giáo dục. Chắc chắn sẽ có thêm nhiều cá nhân, cộng đồng như vậy, bởi xây dựng văn hóa đọc là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao chất lượng và góp phần tạo nên tiêu chuẩn mới trong giáo dục Việt Nam. Một số trường ở Hà Nội đã bắt đầu quan tâm triển khai xây dựng không gian, thời gian, nội dung đọc sách của học sinh: Xây dựng tủ sách trong lớp học, tổ chức giờ đọc sách, học sinh giới thiệu sách trong tiết chào cờ đầu tuần… Tuy nhiên, số trường làm được như vậy chưa nhiều. Mặc dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản về đổi mới thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường phổ thông, mầm non, nhưng việc thực hiện phụ thuộc vào sự chủ động của từng trường, sự tích cực của lãnh đạo, hoặc thầy cô trong trường, do đó nhiều trường chưa có chuyển biến.
Dù được cho là khá đầy đủ về sách, có hệ thống thư viện tốt hơn nhiều so với vùng nông thôn, vùng núi, nhưng tại 5 thành phố lớn, học sinh vẫn chưa tìm đến sách, đọc sách nhưng không ứng dụng được, gây tình trạng “đọc giả”. Nhiều trường vẫn chỉ quan tâm đào tạo học sinh giỏi, bởi đó là tiêu chí đánh giá nhà trường. Tiêu chí đánh giá của xã hội với từng cá nhân, là năng lực tự học để làm việc được, đòi hỏi học sinh bắt buộc phải thực đọc, lại chưa được chú ý đúng mức. Anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn, chia sẻ: “Nhận thấy sách hóa thành thị khó hơn, nên tôi làm sách hóa nông thôn nhằm tạo ra hiệu ứng ngược để khu vực thành thị thay đổi”.
Kinh nghiệm xây dựng tủ sách của Sách hóa nông thôn và một số trường trên địa bàn TP Hà Nội đang được tổng kết. Hy vọng đây sẽ là công cụ truyền cảm hứng, giúp các trường có điểm tựa, từ đó sáng tạo tùy theo khả năng, điều kiện để xây dựng văn hóa đọc cho học sinh.