“Sắc son” tại ngôi đình thờ ông tổ nghề sơn
Ngày 16/5, tại đình Hà Vĩ, 11 phố Hàng Hòm, Hà Nội, khai mạc triển lãm Sắc son, với các tác phẩm lấy cảm hứng từ nghệ thuật sơn mài truyền thống của Việt Nam.
Tiếp nối triển lãm Sắc lụa nối dài các hoạt động nghệ thuật tại đình Yên Thái, triển lãm Sắc son là nỗ lực phát huy sức sáng tạo của một không gian mang đậm tính nghệ thuật ngay trong ngôi đình gắn bó lâu đời với lịch sử nghề sơn trên phố Hàng Hòm.
Triển lãm lấy cảm hứng từ màu son đỏ trong sơn mài truyền thống của Việt Nam. Có thể nói son và then là 2 màu sắc chủ đạo trong sơn mài truyền thống bên cạnh những chất liệu khác như vàng và bạc, vỏ trai, vỏ trứng…

Màu son đỏ cũng được chia ra làm 4 sắc thái là Trai, Tươi, Thắm, Nhì, được sử dụng biến hóa khi kết hợp các sắc độ tạo nên bảng màu đa sắc trong tranh sơn mài truyền thống Việt Nam. Sắc son không chỉ là màu đỏ mà còn trở thành một sắc thái hồn cốt tạo nên âm hưởng hồn Việt rất đặc trưng của sơn ta.
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho biết: Trong không gian đặc biệt của đình Hà Vỹ thờ ông tổ nghề sơn Trần Lư, với một lịch sử lâu dài hàng trăm năm khi người dân làng Hà Vỹ, Thường Tín, Hà Tây lên Thăng Long lập nghiệp làm nghề đồ gỗ phủ sơn ta, những tác phẩm góp mặt trong triển lãm này đa dạng về hình thức và cách thức thể hiện, từ tranh sơn mài, tượng gỗ phủ sơn của các họa sĩ cho tới các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân sơn mài Hạ Thái.
Ngoài những tác phẩm sơn ta truyền thống thắm màu son đỏ trong các tác phẩm của họa sĩ Bùi Kim Hiền, Lại Minh Huyên…, sắc son còn ẩn hiện trong những tác phẩm hội họa mang tính thử nghiệm khi kết hợp màu son đỏ trong sơn mài truyền thống với những chất liệu công nghiệp như inox của họa sĩ Lolo Zazar.

Bên cạnh đó là tác phẩm thử nghiệm nhiếp ảnh với sơn mài của họa sĩ giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và sắp đặt ánh sáng của họa sĩ Vũ Xuân Đông khi thực hiện việc tương tác những đám mây đèn lồng tạo hình hình truyền thống mang sắc thái vàng son với hệ kiến trúc lầu gác mái rất tinh xảo của đình Hà Vỹ.
Các hiện vật trưng bày hỗ trợ trong triển lãm như 2 cây sơn ta được nghệ sĩ Ngô Thành Bắc trồng ngay tại sân đình cùng với hệ dụng cụ và quy trình nghề sơn, từ những dụng cụ thu sơn, đánh sơn cho tới các đồ nghề chuyên dụng để vẽ tranh và làm đồ sơn mài của họa sĩ Trương Hoàng Hải cũng biến không gian triển lãm như một “bảo tàng” nghề sơn thu nhỏ giúp người xem có thể phần nào hình dung toàn bộ quy trình của nghề sơn ta.
Qua đó, khách tham quan cũng như thấy được tính ứng dụng đa dạng trong thực tế đời sống được thể hiện qua các sản phẩm, tác phẩm được dẫn dắt bởi một Sắc son gắn kết bản sắc truyền thống văn hóa Việt.