Sa mạc (Phần 1)
Truyện ngắn của Huy Phương (1926 - 2009)

11/03/2015 08:29

>> Sa mạc (Phần cuối)

Anh vừa ngồi vào bàn, viết được mấy dòng thì điện tắt. Cơ sự sẽ ra sao nếu sáng hôm nay anh không nộp được bài bình luận thời sự cho ông thư ký tòa soạn? Từ cửa miệng anh bật ra một tiếng nguyền rủa. Căn buồng bỗng tối như bưng. Anh rủa ai. Rủa cái anh nhà máy điện tùy tiện cửa quyền hay rủa số phận đã đem nhốt anh vào cái căn buồng không có cửa sổ này? Dẫu chỉ là viết một bản tin, việc đó cũng cần đến lòng say mê và cảm hứng. Nhưng có ai cần đến cảm hứng của anh kia chứ. Hai bàn tay anh sờ soạng trên cái mặt bàn ram ráp những vết mọt nhấm, giống như bàn tay một pháp sư lần tìm phép lạ. Cái bao diêm đây rồi. Một tia lửa bật lên vừa đủ hắt ánh sáng lên một cái thông phong đèn ám khói. Nhưng anh chưa kịp mừng rỡ vì cái điều may mắn đầu tiên trong một ngày thì từ phía ngoài sân đã nghe những chiếc xô sắt loảng xoảng va vào nhau và có tiếng hét bai bải của chị hàng xóm: Đứa nào trút xô nước của tao? Tiên sư cái con đĩ nào? Anh thở dài, ném que diêm xuống đất. Làm sao anh còn có thể quan tâm đến cuộc chiến tranh bên cái vịnh Ba Tư xa lắc ấy, một khi những cuộc chiến tranh vẫn cứ diễn ra hàng ngày, trong cái sân nhỏ kia, ngay trước cửa buồng anh.

Minh họa của Đặng Hồng Quân
Minh họa của Đặng Hồng Quân

Xứ Mêdôpôtami ở vùng Trung Á xưa kia vốn là một vùng đất phì nhiêu. Vậy mà do nạn phá rừng và khô kiệt nguồn nước, chỉ trong vòng mấy trăm năm, quá nửa đã trở nên một miền sỏi đá cằn cỗi. Hai hôm nay, kể từ lúc đi thăm ông bạn họa sỹ ấy trở về, không biết vì sao cái ý nghĩ về những vùng sa mạc xa xôi cứ luôn ám ảnh anh. Đã đến lúc, ngoài Đức ra, anh không có một người bạn nào khác trong cái thành phố này. Anh yêu Đức, chẳng phải vì những bức tranh của anh ta mà chỉ vì những gì anh trông thấy đằng sau những bức tranh ấy: một tài năng, một tâm hồn nghệ sỹ bẩm sinh. Chỉ có điều, luôn trong hàng chục năm trời này, Đức đã ra công cắt xén, nhào nặn tài năng ấy vào trong một cái khuôn tưởng tượng nào đó. Và tâm hồn anh, anh đã chà xát, vắt kiệt nó như một người thợ giặt tận tụy với nghề. Là bạn của Đức từ ngày còn trên ghế nhà trường phổ thông, từ những buổi đầu, khi Đức đang là một họa sỹ không có tên tuổi gì, anh biết rõ như thế. Nhưng thoạt tiên, điều ấy đối với anh mới đang là một linh cảm, một nỗi lo ngại mơ hồ. Hai ngàn năm trước Công nguyên, trên vùng đất Mêdôpôtami đúng là đã có một vương triều hùng mạnh, và năm trăm năm sau Công nguyên là cả một đế quốc cường thịnh. Sự suy sụp có thể là do một thái độ khinh suất đối với thiên nhiên, hoặc giả là lòng ham mê võ công và danh vọng đã làm hỏng tất cả. Còn đối với Đức, thì mọi biến đổi đã bắt đầu theo một lối khác. Những bạn bè gần gũi nhất của anh ở cái thành phố này hồi ấy hẳn vẫn chưa quên ba bức tranh sơn dầu ký tên Hoàng Đức, trưng bày ngay ở lối ra vào của phòng triển lãm tranh toàn quốc. Bức thứ nhất là một bức tĩnh vật và hai bức sau là hình ảnh của ngõ phố Hà Nội một chiều mưa với lối đi lầy lội, những gốc bàng già cỗi, những em bé nép bên vỉa hè ngước đôi mắt thơ ngây nhìn lên bầu trời, cả hai cùng một đề tài nhưng ở hai khung cảnh và sắc độ khác nhau. Báo chí nghệ thuật bình luận nghiêm khắc về ba bức tranh đó mà họ cho là đen tối về nội dung và suy đồi về phong cách. Thời kỳ đó, mỗi tác phẩm nghệ thuật, dẫu thuộc thể loại nào đều được xem như là một tuyên ngôn về chính kiến của tác giả. Hai bức “mưa chiều” mang ẩn ý bi quan của tác giả điều đó là khó chối cãi. Còn bức tranh tĩnh vật, chính vì nó từ chối không nói điều gì, nên ắt là một lời nói che giấu và đáng ngờ… Hoàng Đức thấy choáng váng vì bất ngờ khi đọc mấy bài báo ấy. Nhưng một con người như anh không chịu thất bại dễ dàng, sau một lần va vấp. Mình sẽ làm lại từ bước đầu tiên, Đức nói với anh như thế. Và quả thực anh đã làm, như anh nói. Anh mang giá vẽ lên Tây Bắc, lặn lội vào các tỉnh miền Trung, đến những nơi có chiến sự gay go nhất. Hai năm liền, gần như anh bặt tin, chỉ có vợ anh là thỉnh thoảng nhận được một lá thư, không có địa chỉ rõ ràng gửi về từ một nơi nào đó. Trên một trang giấy xé từ sổ tay ra, Đức nhắn anh một dòng ngắn ngủi: “Mình đang làm lại tất cả. Cuộc sống thật là lớn lao và đó là cái nguồn vô tận của nghệ thuật. Cậu hãy chờ xem những tác phẩm của mình”. Quả nhiên, cuối năm ấy, áp Tết, Đức đã trở về với những cuộn tranh bột màu, những phác thảo và ký họa, xếp đầy trong hai chiếc ba lô lớn. Căn nhà của Đức trở nên một phòng trưng bày suốt ngày nườm nượp khách ra vào, trong đó có đại diện quan trọng của các ngành văn hóa, những giáo sư mỹ thuật lão thành. Mọi người kinh ngạc trước hình ảnh mới mẻ và sống động mà tác giả đã ghi lại trên những tờ giấy như còn phảng phất mùi khói súng và cái màu nắng gió rực rỡ từ những dốc núi, bến sông, những công trường dã chiến trong hang đá. Anh cũng ngạc nhiên, nhưng với cái cảm giác bỡ ngỡ như chợt bắt gặp trên những bức tranh của bạn một con người khác hẳn, sắc sảo, tinh tường trên từng nét bút thật là khác lạ với người bạn họa sỹ mà anh từng biết lâu nay. Cũng không hẳn là như thế. Ở những ký họa chép lại một gương mặt thiếu nữ, một lối mòn gập ghềnh ven đồi, ánh đèn trong đêm hắt lên đôi mắt người lính trẻ, đây đó anh vẫn còn nhận ra cái sức rung cảm bí ẩn bắt nguồn từ một bản năng cảm nhận tinh tế và bộc trực nó vốn là cái nét tài hoa riêng biệt của Đức. Nhưng khi được bố cục thành những bức tranh thì tất cả đều mất đi, mà chỉ còn lại là những hình khối, mảng màu hướng về một ý định nào đó vừa chung chung mà lại vừa quá lộ liễu, làm tan biến hết những ấn tượng mạnh mẽ mà người xem vừa thấy nhóm lên khi nhìn vào tranh. Cảm giác ấy anh không thể nói với Đức. Vả chăng điều ấy phỏng có ý nghĩa gì? Sa mạc cũng có cái nét hùng vĩ riêng của nó. Và sỏi cát là cái gì, nếu không phải cũng chỉ là đất bị phong hóa, bị xói mòn mặt trời nung đốt hàng trăm, hàng ngàn năm mà hóa thân. Ai biết được xung quanh những thành cổ Babylon, một trong bảy kỳ quan thế giới, xưa kia đã từng có cuộc sống rực rỡ đến thế nào? Đức đã tìm thấy nghệ thuật trong lòng cuộc sống. Nhưng cuộc sống chỉ riêng nó phải chăng đã là cái khuôn của nghệ thuật? Đức không cần đặt câu hỏi đó vì anh tin vào tay nghề tài hoa của anh. Những năm sau đó, Đức vẽ tranh ngày một nhiều hơn, liên tiếp đi từ thành công này đến thành công khác. Bức sơn dầu “Bình minh rực rỡ” của anh, vẽ về nông trường chăn nuôi Tam Đảo được giải nhất trong cuộc triển lãm liên tỉnh. Bộ tranh thuốc nước “Ráng hồng” lấy đề tài từ một hợp tác xã đánh cá miền Trung được in lại trên các họa báo. Nhiều câu lạc bộ và cơ quan nhà nước đặt mua tranh của Đức. Các tờ báo hàng tuần và hàng ngày của thành phố coi như là một vinh dự được in tranh của Đức trên trang đầu vào những ngày lễ lớn. Anh hiểu Đức và mừng cho bạn. Người viết Thánh Kinh vẫn có thể là một nhà thơ lớn. Sự tích Phật tổ trên những bức phù điêu Ăngkovát là tác phẩm của những nghệ sĩ thực sự. Và Maia đã từng làm thơ về những chiếc đinh và thanh củi lò. Chỉ có điều, Hoàng Đức cứ mỗi ngày càng đi xa hơn. Anh sợ hãi cái lãnh đạm của dư luận. Anh sợ nỗi cô đơn và cái vắng lặng nhiều khi chính là dòng sữa thầm kín nuôi dưỡng những thai nhi nghệ thuật. Có nhà sử học nói những người Khơme xưa kia phải rời bỏ Ăngko vì nạn hạn hán đe dọa. Nhưng cũng có người nói đó chỉ là vì một nỗi sợ hãi bí ẩn, trong bước phát triển tột cùng của vương quốc. Để có những bức tranh tươi đẹp, Đức đã chưng cất tâm hồn anh thành một tinh dầu, một thứ nước thánh chỉ cần dùng cho các lễ hội. Cuộc sống rời bỏ dần những họa phẩm của anh, nơi đó hình ảnh cuộc đời và con người chỉ còn là đồ trang sức. Những năm về sau, hình như Đức cũng cảm thấy điều đó. Nhưng anh đã quá mệt mỏi để thay đổi. Cái công việc tự chưng cất mình đã làm anh kiệt sức. Và ở dưới đáy chiếc bình cất, qua năm tháng đã đọng lại nhiều tạp chất đục khoét cái cơ thể vốn không phải là khỏe mạnh của anh. Anh trở nên hoang tưởng. Anh đọc các bài nghiên cứu mỹ thuật và nổi giận khi người ta quên nhắc tới một bức tranh của anh. Anh mất ngủ nhiều đêm khi nghe một lời nói đùa vô tình của bè bạn. Anh nổi gai lên như một con nhím khi thấy báo chí tâng bốc có phần quá lời đối với một họa sỹ trẻ tuổi mà anh cho là bất tài. Rồi để khuây khỏa, anh lại vác ba lô lên đường. Nhưng những chuyến đi của anh cứ ngắn dần. Đức than thở là anh không vẽ được dễ dàng như trước nữa. Bởi vì, mình không thể lặp lại mình, anh nói thế. Chiếc bút vẽ của mình thì có hạn mà cuộc đời thì biến đổi quá nhanh. Đức đã gặp lại cô du kích năm xưa nay trở nên một cô mậu dịch viên đanh đá và tham lam. Người anh hùng lái xe hồi nào từng làm mẫu cho nhiều ký họa của Đức thì nay đang là một anh phó ty Giao thông trưởng giả và xảo quyệt. Thần thoại chỉ là vĩnh cửu trên những bức phù điêu, còn bên cạnh các kim tự tháp từ mấy ngàn năm con người đã tàn phá thiên nhiên, biến đất màu thành sỏi đá. Đức muốn con đà điểu rúc đầu trong cát. Anh cấm ngặt vợ con không nói đến chuyện giá rau, giá thịt trong bữa ăn. Mà không biết mỗi quả trứng, lá rau trên mâm cơm gia đình, vợ anh đấy thôi cũng phải xoay xở lo liệu bằng bao mưu tính. Mùa đông năm ấy bàn tay tài hoa của Hoàng Đức đã không thể giữ vững được bút vẽ. Anh là người đầu tiên nhận thấy triệu chứng căn bệnh của Đức mỗi lần đến chơi khi thấy Đức nâng chén mời nước anh mà run rẩy đến mức để nước sánh ra, lênh láng trên mặt bàn.

*

Cát còn có sức chảy dữ dội hơn nước nhiều lần. Người ta nói ở Ai Cập đã từng có nhiều thành phố cổ bị chôn vùi trong cát. Còn anh, hồi còn bé anh đã thấy ở bờ biển quê anh những đụn cát cao như núi mỗi ngày đêm có thể xê dịch hàng trăm mét và đã có những làng mạc bị quét đi dưới bước chân khổng lồ của cát. Nay thì cái ngôi nhà anh đang ở đây, giữa lòng thành phố, cũng đang có nguy cơ trở thành sa mạc. Khuôn sân vuông vắn xưa kia có hòn giả sơn, có chậu cảnh kê một dãy dài bên tường hoa nay chỉ còn là một mặt đất lát gạch, trơn nhão những rêu và rác rưởi mục nát trộn lẫn với nước xà phòng, nước gạo. Những viên gạch cũng chẳng còn nguyên vẹn. Từ hai tháng nay, những người sống quanh sân đã đào bới chúng lên để vét cống và tìm nguồn nước. Cái vòi nước công cộng bị bẻ cụt dần và nay thì người ta đang moi xuống mãi lòng đất để cưa, để cắt, để đục, hy vọng có thể làm bật lên cái dòng chất lỏng, thiếu nó thì cuộc sống không tồn tại trên trái đất. Sa mạc làm gì có chim muông và cá. Thậm chí cũng hiếm thấy có loài động vật nào ngoài lạc đà, các con vật thuộc bộ gặm nhấm và giống kỳ nhông mình đầy gai nhọn. Riêng ở Xahara, gần các ốc đảo, thỉnh thoảng người ta cũng nghe thấy tiếng rú của loài linh cẩu còn hung tợn hơn chó sói. Chiến tranh hàng ngày xảy ra trên cái sân con này. Và khi anh nhóm được lửa, nấu xong ấm nước thì tiếng la hét đã dậy lên bốn phía, tiếng tru tréo của đàn bà lẫn với tiếng giẫm chân thình thịch. Trên hành lang, không một ai động cựa. Trời đã đủ sáng để soi rõ những chuồng gà, chuồng vịt, những chạn ăn, những tủ bếp dầu kê ngổn ngang bên lối đi. Chị bác sỹ vừa đi xuất khẩu lao động ở Ăngôla về nửa năm nay, như thường lệ, vẫn ngồi đeo kính, trang trọng nhặt từng hạt thóc trong cái rá gạo nấu cơm sáng của chị. Xa hơn một chút, ông hàng xóm làm nghề phê bình văn học, gầy như một chiếc giá áo ở hiệu may, đang bình thản múa bài nhu quyền theo phép dưỡng sinh. Chị bác sỹ đã đủ giàu để trở nên keo kiệt và ích kỷ chẳng thiết để ý gì đến các bệnh tật của người đời. Còn nhà phê bình chuyên nghiệp kia, ông đã đủ thấm thía cái nghèo khó của nghề văn để chẳng thừa hơi quan tâm đến cái đúng cái sai trong những vụ tranh giành vì một xô nước trên cái sân gạch nhão này. Cũng như ở vịnh Ba Tư và nhiều nơi trên thế giới, chiến tranh cứ việc diễn ra và tự kết thúc, dẫu có ý kiến của Hội đồng Bảo an hay là không có. Vả chăng, ai mà can thiệp nổi vào một cuộc chiến tranh khi mỗi người đều có mang một cuộc nội chiến ở trong lòng. Giây lát đó, choáng váng vì những la lối, chính anh cũng đang bàng hoàng như trong một giấc mơ. Anh chỉ sực tỉnh, khi từ căn phòng ngay phía trước mặt, anh thấy nhao ra cái thân hình nhỏ nhắn của một người con gái. Trong chùm ánh nắng rọi chếch từ góc tường hoa sạt lở, anh thấy gương mặt tái nhợt của cô với đôi mắt đỏ ngầu bên dưới một mái tóc bù rối. Huệ! Anh chỉ kịp kêu to lên một tiếng thì cô gái đã lao vào giữa đám đông, chiếc gậy lớn trong tay vung lên. Chị hàng xóm to béo đứng ở góc sân trượt chân, ngã xoài về phía sau cũng là lúc cây gậy nện choang vào chiếc xô sắt, nước tung tóe lên giữa những tiếng hò la, chửi rủa. Ba bước chân, anh đã ở bên cạnh cô gái, tay níu chặt lấy hai vai cô. Huệ ngước lên, mắt đã dại đi, trắng dã, không còn nhận ra anh nữa. Bỏ tôi ra, giời ơi, ông có bỏ tôi ra không nào? Tiếng hét líu lại trên đôi môi tím ngắt, sít chặt thành một vạch rúm ró. Giống như tiếng gió rít qua một khe đá.

*

Anh dắt xe đạp ra sân, buồn bã. Một người nào đó cưỡi chiếc Honda đỏ chói vút qua bên cạnh anh, chiếc mũ lưỡi trai quay ngoắt lại; một tiếng quát chát chúa hắt vào mặt anh: Thằng già kia mù à? Mày đi thế hả? Không, anh không mù. Anh chỉ đang điếc và câm. Anh như đi trong một đám sương mờ dày đặc, giống như thứ ảo giác mà những kẻ lữ hành thường gặp trên sa mạc. Ừ, không biết Huệ, cô giáo nhỏ nhắn ấy có bao giờ xem tranh của Hoàng Đức không? Cô có bao giờ mơ ước đến một “Bình minh rực rỡ” hoặc trông thấy “Ráng hồng” giữa bầu trời? Cô chưa có người yêu và vẫn sống một mình trong căn phòng nhỏ ấy kể từ ngày ông bố góa vợ của cô trở về miền Nam. Cô ham đọc sách, bởi vì không đủ tiền mua sách, thỉnh thoảng cô vẫn sang hỏi mượn anh những cuốn mới nhất: Con tàu trắng, Trăm năm cô đơn và Cõi người ta. Cô đọc ngấu nghiến những cuốn tiểu thuyết đó, và khi anh dò hỏi cảm tưởng của cô, Huệ chỉ đỏ bừng mặt, đôi mắt long lanh. Một chiếc tàu lênh đênh ở chân trời, góc biển, những con người thân phận mỏng manh trong một làng xa Nam Mỹ, cánh bay giữa những vì sao và sa mạc: những chuyện đó đã đem gì đến trong cái tâm hồn đang khép kín của một cô giáo cấp hai? Anh biết sao được nơi cái khung trời chật chội phía trên mảnh sân lầy lội này, mỗi đêm ngồi bên chiếc bàn ghép bằng gỗ thùng, bê bết những vết mực xanh, mực đỏ, cô gái kia đã trông thấy những gì? Gương mặt của một kẻ tử vì đạo còn chưa tự hiểu mình kia có thể được ghi lại trong những bức ký họa nào của Đức. Và đó là gương mặt thật của Huệ hay là gương mặt của cô khi ngước lên nhìn anh với tiếng la hét và chiếc gậy trong tay? Con chó bông hiền lành nằm ở thềm nhà phải chăng có tổ tiên là chó sói. Con linh cẩu hung dữ vì bản tính hay chỉ vì nó sống lưu đày trên sỏi đá?

(Số sau đăng hết)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sa mạc (Phần 1)<br><i>Truyện ngắn của</i> Huy Phương <i>(1926 - 2009)</i>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO