Diễn đàn Quốc hội

Rút ngắn thời gian trong đấu thầu

Anh Thảo 07/07/2025 14:54

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã cắt giảm, đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian đấu thầu theo hướng lược bỏ thủ tục thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu; không bắt buộc thủ tục thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu đối với một số gói thầu quy mô nhỏ, quy trình đơn giản.

Không bắt buộc đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu tham dự gói thầu chào hàng cạnh tranh

Thông tin về những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật), Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng cho biết, luật đã xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh do sắp xếp bộ máy liên quan đến chính quyền địa phương 2 cấp; tăng cường phân cấp, phân quyền; quyết liệt đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính.

img_7737.jpeg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng phát biểu. Ảnh: H.Ngọc

Luật sửa đổi, bổ sung 44 điều của Luật Đấu thầu. Trong đó sửa đổi một số quy định nhằm bảo đảm quyền tự chủ, tự quyết định hoạt động lựa chọn nhà thầu của tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ; ưu đãi đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức khoa học công nghệ, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; trao quyền cho doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu, mua sắm không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Luật bổ sung một số quy định về đấu thầu trong nước, đấu thầu quốc tế để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tiếp cận công nghệ tiên tiến nước ngoài; sửa đổi quy định để cho phép không bắt buộc đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu tham dự gói thầu chào hàng cạnh tranh. Mở rộng các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư, đặt hàng, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Bổ sung quy định để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động đấu thầu; cho phép áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá, phương pháp đánh giá theo các tiêu chí kỹ thuật đối với một số gói thầu thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.

Sửa đổi quy định về kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu theo các tiêu chí: đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng; kết quả thực hiện gói thầu; dự án đầu tư kinh doanh của nhà thầu, nhà đầu tư.

Theo Thứ trưởng, “luật đã cắt giảm, đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian trong đấu thầu theo hướng lược bỏ thủ tục thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, không bắt buộc thủ tục thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu đối với một số gói thầu quy mô nhỏ, quy trình đơn giản; lược bỏ một số thủ tục, thao tác đấu thầu qua mạng và một số tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu; bãi bỏ vai trò bên mời thầu; không áp dụng bảo đảm cạnh tranh đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp có cùng cơ quan quản lý”.

Luật phân cấp cho Chính phủ quy định chi tiết hình thức chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh; trao quyền cho chủ đầu tư, người có thẩm quyền quyết định áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu (đấu thầu, chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đặt hàng hoặc các hình thức khác); phân cấp trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, sửa đổi hợp đồng của người có thẩm quyền cho chủ đầu tư.

Chính sách ưu đãi vượt trội cho dự án PPP khoa học, công nghệ

Luật cũng sửa đổi, bổ sung 33 điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Cụ thể, phân cấp tối đa thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ, ngành, địa phương trong việc quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án PPP; trao quyền cho Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với dự án, trong đó có cả hình thức chỉ định nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn đặc biệt...

Quy định về việc UBND cấp tỉnh được phân cấp cho chính quyền địa phương cấp xã để thực hiện các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý, phù hợp với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy.

Luật bỏ thủ tục bắt buộc phải thành lập Hội đồng thẩm định dự án PPP, trao quyền cho các cơ quan tự quyết định việc thành lập hoặc không thành lập Hội đồng thẩm định; bỏ thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với một số nhóm dự án như dự án PPP không sử dụng vốn Nhà nước, dự án PPP khoa học công nghệ; bỏ quy định yêu cầu nhà đầu tư phải có kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự; mở rộng trường hợp được áp dụng chỉ định nhà đầu tư, lựa chọn đặc biệt, đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với dự án PPP

Luật bổ sung nhiều chính sách ưu đãi vượt trội cho dự án PPP khoa học, công nghệ để đáp ứng chủ trương thúc đẩy hợp tác công tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết số 57- NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo đó, quy định quy trình thực hiện riêng cho dự án PPP khoa học công nghệ; được áp dụng chỉ định nhà đầu tư, lựa chọn đặc biệt đối với doanh nghiệp khoa học, công nghệ có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng công nghệ chiến lược; doanh nghiệp khi tham gia dự án PPP được hưởng các ưu đãi về thuế, được hỗ trợ 70% vốn nhà nước để đầu tư xây dựng công trình khoa học công nghệ; được Nhà nước chia sẻ rủi ro giảm doanh thu trong 3 năm đầu sau thời điểm vận hành, kinh doanh và nhiều chính sách ưu đãi khác.

Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, “luật tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc triển khai dự án PPP thời gian qua, bảo đảm nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", như: không bắt buộc thành lập doanh nghiệp dự án PPP; doanh nghiệp dự án PPP được kinh doanh các ngành nghề ngoài phạm vi hợp đồng dự án PPP; xử lý vướng mắc giảm doanh thu của các dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ”.

Tăng thời hạn hoạt động của các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao

Luật sửa đổi, bổ sung 17 điều của Luật Đầu tư và sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo đó, bổ sung cơ chế, chính sách để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số như: bổ sung đối tượng ưu đãi đầu tư gồm các ngành, nghề trong lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ chiến lược, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cho phép áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt và thủ tục đầu tư đặc biệt đối với một số dự án đầu tư thuộc lĩnh vực này.

Cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư trước khi thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với một số dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ chiến lược, đổi mới sáng tạo; tăng thời hạn hoạt động của các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao, khu công nghệ số tập trung, khu công nghiệp công nghệ cao, dự án thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư đặc biệt từ 50 năm lên 70 năm.

Đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng cho UBND cấp tỉnh đối với 7 nhóm dự án: Dự án đầu tư có yêu cầu di dân, tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác; Dự án đầu tư xây dựng mới là cảng hàng không, sân bay, đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay, nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế, nhà ga hàng hóa của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 1 triệu tấn/năm trở lên; Dự án đầu tư mới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không…

Đẩy nhanh quá trình thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án

Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều của Luật Đầu tư công. Bổ sung quy định dự án đầu tư công đặc biệt là dự án thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Chính phủ, được áp dụng cơ chế đặc thù và ưu tiên bố trí vốn; bổ sung quy định về hạn mức vốn để các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các chương trình, dự án và phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bãi bỏ đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và thẩm quyền quản lý đầu tư công của cấp huyện.

Cắt giảm các trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án. Trường hợp tăng tổng mức đầu tư từ các nguồn vốn hợp pháp khác hoặc tăng vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, không cần điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Đẩy nhanh quá trình thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án theo hướng: Thành lập hội đồng thẩm định đồng thời với quá trình chuẩn bị đầu tư; Thủ tướng có thể giao Bộ, cơ quan ngang bộ thành lập hội đồng thẩm định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, ngành, lĩnh vực; Bỏ nội dung về phương án lựa chọn công nghệ chính trong thẩm định chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.

Phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan, địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Chính phủ; Phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch hằng năm vốn ngân sách địa phương giữa các đơn vị sử dụng ngân sách từ HĐND các cấp cho UBND các cấp.

Phân cấp toàn bộ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án của Thủ tướng Chính phủ cho các bộ, cơ quan trung ương (dự án có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên, dự án sản xuất chất nổ, chất độc hại), trừ dự án nhà máy điện hạt nhân.

Phân cấp toàn bộ thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình đầu tư công từ Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, UBND các cấp; Phân cấp thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách trung ương hằng năm từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh.

"Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ" thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 0%

Luật sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng quy định việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua việc triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ được thực hiện theo pháp luật về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ.

Sửa quy định để giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công của cấp huyện thành cấp xã; Sửa quy định về chức năng thanh tra phân cấp trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định phương thức mua sắm, hình thức bán tài sản đặc biệt, quyết định điều chuyển tài sản đặc biệt và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Luật sửa đổi, bổ sung 3 điều của Luật Hải quan, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện áp dụng và chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, doanh nghiệp công nghệ; bổ sung một điều mới quy định về thủ tục hải quan cho hoạt động xuất khẩu tại chỗ và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng bổ sung "hàng hóa xuất khẩu tại chỗ" thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Quy định này đảm bảo không thu thuế trùng và không ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước.

Sửa đổi, bổ sung 2 điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhằm mở rộng phạm vi miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Rút ngắn thời gian trong đấu thầu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO