Kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh
Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng cho biết, trong công tác giám sát, làm thủ tục cho mặt hàng nông sản xuất khẩu, cơ quan Hải quan đóng vai trò như một mắt xích quan trọng vừa kiểm soát hoạt động xuất khẩu nông sản, vừa góp phần thúc đẩy hoạt động này phát triển.
Với vai trò đầu mối, thời gian qua, cơ quan hải quan đã nỗ lực thể hiện nổi bật thông qua việc xây dựng, vận hành phần mềm trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW) để tự động tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; quyết định phương thức kiểm tra trên cơ sở thu thập, xử lý các dữ liệu về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; chuyển hồ sơ đến các cơ quan kiểm tra, tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định; bảo đảm công khai minh bạch thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu với bộ, ngành và các cơ quan liên quan.
Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng nguyên tắc kiểm tra theo phương pháp phân luồng quyết định kiểm tra; tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu quả hệ thống thông quan điện tử, đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin ở tất cả các khâu nghiệp vụ hướng đến mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh; phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện kết quả kết nối trao đổi thông tin thương mại và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, bảo hiểm và các dịch vụ khác có liên quan… nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản.
Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm tại các cửa khẩu, cơ quan Hải quan luôn bố trí cán bộ giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi tại khu vực cửa khẩu bố trí địa điểm và tạo điều kiện cho việc bảo quản, phân loại chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp trong thời gian chờ xuất khẩu. Đồng thời, thường xuyên cập nhật tình hình, cung cấp thông tin, khuyến cáo kịp thời tới các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản qua các cửa khẩu trên địa bàn.
Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp
Theo Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng, Tổng cục Hải quan thường xuyên chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương - nơi có hàng nông sản xuất khẩu tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp.
Đơn cử như Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) - một trong những địa bàn xuất nhập khẩu nông sản quan trọng hàng đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Năm 2022, đặc biệt là những tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu qua cửa khẩu quan trọng này hết sức trầm lắng. Đáng chú ý là việc xuất khẩu trái cây của Việt Nam diễn ra nhỏ giọt, thậm chí phải tạm dừng trong thời gian dài. Đến nay, cùng với sự phục hồi đáng ghi nhận từ thị trường nhập khẩu và việc tạo thuận lợi của Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (Cục Hải quan Lào Cai), trong 4 tháng đầu năm, đã có hơn 220.000 tấn nông sản, chủ yếu là các loại trái cây tươi và sắn lát khô, đã được xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai Dương Xuân Sinh chia sẻ, những tháng đầu năm 2023, hoạt động giao thương qua địa bàn, nhất là xuất khẩu trái cây của Việt Nam có sự khởi sắc nhất định. Kết quả này phần nào có nguyên nhân từ công tác tạo thuận lợi của cơ quan Hải quan và các lực lượng chức năng, đặc biệt là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp khi Trung Quốc khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai Nguyễn Thế Hùng, dù chưa đạt được quy mô kim ngạch như thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là xuất khẩu các loại trái cây (thanh long, chuối, dưa hấu, mít, xoài) và sắn lát khô qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành đã có sự tăng trưởng khả quan, là điểm sáng trong những tháng đầu năm.
Những giải pháp từ phía cơ quan Hải quan là rất cụ thể, thiết thực, do đó, Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản xuất khẩu cũng cần nâng cao chất lượng hàng nông sản phù hợp với các cam kết Hiệp định của Việt Nam đang thực thi và các thị trường đối tác quan trọng; liên hệ chặt chẽ với cơ quan Hải quan chủ động áp dụng ứng dụng công nghệ trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản điện tử, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất nhập khẩu, cần nghiên cứu, nắm tình hình diễn biến dịch bệnh và chính sách kiểm soát phòng chống dịch của nước nhập khẩu; các nội dung thỏa thuận tại hợp đồng thương mại quốc tế nên được đàm phán chặt chẽ và có những điều khoản dành riêng cho trường hợp ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai…