Cho ý kiến về Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV

Rút ngắn thời gian nhưng phải bảo đảm chất lượng

- Thứ Năm, 14/10/2021, 06:39 - Chia sẻ
Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Những tác động của đại dịch khiến tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Chúng ta phải cố gắng, nỗ lực vượt bậc hơn nữa trong quý IV để đạt được kết quả cao nhất. Tinh thần chung là Quốc hội luôn đồng hành với cả nước để thực hiện thành công "nhiệm vụ kép". Nhấn mạnh điều này tại phiên họp sáng 13.10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Hai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, kỳ họp phải tiếp tục đổi mới, rút ngắn được tối đa thời gian làm việc nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng cao nhất với sản phẩm cuối cùng là các quyết sách đúng đắn nhất.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp Ảnh: Lâm Hiển
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Bước cải tiến rất lớn

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với phương án do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề xuất về việc tổ chức Kỳ họp thứ Hai thành hai đợt. Trong đó, đợt 1 kéo dài 11 ngày (từ ngày 20.10 - 1.11) theo hình thức trực tuyến và đợt 2 kéo dài 6 ngày (từ ngày 8 - 13.11) theo hình thức tập trung. Văn phòng Quốc hội cũng dự kiến chương trình kỳ họp dự phòng trường hợp dịch bệnh trong cả nước vẫn diễn biến phức tạp, Quốc hội phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, dự phòng trường hợp Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ, Tổng Thư ký Quốc hội đã tham mưu dự thảo văn bản hướng dẫn về biểu quyết trực tuyến.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai dự kiến được rút ngắn tối đa xuống còn 17 ngày là bước cải tiến rất lớn, rút gọn được thời gian rất nhiều so với thông lệ các kỳ họp cuối năm trước đây. “Kỳ họp cuối năm thường có nhiều nội dung nên theo thông lệ chúng ta hay họp khoảng 22 - 23 ngày... Nếu chúng ta tổ chức chặt chẽ, bố trí chương trình hợp lý thì đây là kinh nghiệm có thể tiếp tục phát huy”, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Nhằm tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo Quốc hội cho giảm thời gian trình bày tờ trình, báo cáo từ 15 phút xuống còn 10 phút (dự kiến giảm khoảng 0,5 ngày so với phương án trình bày 15 phút/tờ trình, báo cáo). Đồng thời, đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về rút ngắn thời gian thảo luận ở Tổ, giảm thời gian thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thanh Hóa; điều chỉnh thời điểm xem xét một số nội dung. 
Thống nhất việc giảm tối đa thời gian họp của Quốc hội, song Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cân nhắc vẫn giữ nguyên thời gian 15 phút trình bày các báo cáo, tờ trình vì việc theo dõi tài liệu trên iPad khi họp trực tuyến tại các điểm cầu cũng hạn chế phần nào so với việc theo dõi tài liệu bản giấy kèm theo. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, nếu giảm thời gian trình bày các báo cáo, tờ trình trong cả kỳ họp thì cũng chỉ rút gọn được một buổi, không phải quá nhiều, trong khi ảnh hưởng đến chất lượng trình bày của rất nhiều nội dung.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Thanh Tùng thống nhất với đề xuất của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về việc giảm thời gian thảo luận các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, tiết kiệm gì thì tiết kiệm nhưng phải bảo đảm chất lượng, bảo đảm hiệu quả. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, vẫn giữ lại cho các cơ quan của Quốc hội có khoảng thời gian 15 phút trình bày để bảo đảm chất lượng của báo cáo thẩm tra.

Bảo đảm an toàn tuyệt đối phòng, chống dịch

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trường hợp tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp thì đợt 2 có thể Quốc hội cũng sẽ họp trực tuyến. Rút kinh nghiệm của đợt 1 với tình hình biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2, cần phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu phải rà soát và tiêm chủng vaccine đầy đủ cho cán bộ, công chức, người lao động các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, cán bộ phục vụ các Đoàn đại biểu Quốc hội... Văn phòng Quốc hội phải lập danh sách rất cụ thể để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho kỳ họp. 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, hiện nay có 491 đại biểu đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Trên 90% tổng số cán bộ phục vụ các Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiêm vaccine. Các cán bộ trong cơ quan Quốc hội cơ bản cũng đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine. Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch về phòng, chống Covid-19 cho đợt họp trực tiếp của Kỳ họp thứ Hai. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thêm, Bộ Y tế đã phối hợp rất chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội và ban hành hai văn bản là kế hoạch và công văn về bảo đảm công tác y tế cho kỳ họp. Trong đó, có 4 nội dung gồm: Bảo đảm về công tác phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm công tác vệ sinh môi trường; bảo đảm vấn đề an toàn thực phẩm và trực bảo đảm cấp cứu ở những địa điểm các đại biểu ở, các địa điểm nơi diễn ra các kỳ họp. Đối với đợt 2 khi Quốc hội họp tập trung, Bộ Y tế cũng cho kiểm tra và thực hiện các biện pháp phun sát trùng, khử khuẩn không chỉ ở điểm họp mà kể cả những khách sạn nơi đại biểu ở, cũng có hướng dẫn chi tiết quá trình di chuyển từ nơi ở đến nơi họp và ngược lại. Trong này cũng có hướng dẫn khi có trường hợp sốt, ho, khó thở...

“Chúng tôi đặt ra cả tình huống nếu không may trong quá trình diễn ra kỳ họp tập trung mà có trường hợp F0 thì xử lý thế nào. Trong kế hoạch của Bộ Y tế đã khá đầy đủ, phân công triển khai đến các đơn vị", nhấn mạnh điều này Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp với Văn phòng Quốc hội để triển khai làm sao bảo đảm theo đúng kế hoạch và văn bản Bộ Y tế đã gửi và thống nhất với Văn phòng Quốc hội.

Nhật An