Rượu: Kẻ thù của hệ thần kinh
Việt Nam là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về tỷ lệ người sử dụng rượu. Đáng nguy hại là có gần 67% bệnh nhân bị tai nạn giao thông là người điều khiển giao thông với nồng độ cồn cao vượt mức quy định.
Cơ chế gây nghiện của rượu
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một người uống rượu nhiều lần hoặc uống lâu dài sẽ bị nghiện. Có hai cơ chế gây nghiện rượu đó là:
- Nghiện về thể chất: Nghiện về thể chất tức là các tế bào của hệ thần kinh hoạt động khi đã quen với một nồng độ rượu nhất định trong huyết thanh. Khi nồng độ rượu giảm đi thì các tế bào thần kinh không chịu hoạt động nữa khiến người nghiện rượu trở nên chậm chạp, lờ đờ và run tay chân tay.
- Nghiện rượu tâm lý: Người nghiện rượu bia quen với trạng thái bữa ăn nào cũng có rượu hoặc chiều nào cũng ngồi quán nhậu cùng bạn bè trong trạng thái lâng lâng với ý nghĩ được thoải mái, mọi stress và lo âu, buồn bực sẽ tan biến, chỉ còn lại niềm vui. Đây là quan niệm sai lầm và trở thành thói quen, gọi là nghiện rượu tâm lý.

Rượu ảnh hưởng tới hệ thần kinh như thế nào?
Uống rượu say gây ảnh hưởng đến con đường giao tiếp của não. Điều này khiến cho người sử dụng rượu bia khó suy nghĩ, khó nói rõ ràng hơn, khó ghi nhớ mọi thứ, khó đưa ra quyết định đúng đắn và khó khăn trong việc di chuyển cơ thể.
Việc uống rượu say có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, mất trí nhớ. Người uống rượu có thể bị tổn thương thần kinh kéo dài sau khi đã tỉnh táo.
Uống rượu say làm não co lại
Khi uống nhiều rượu trong một thời gian dài, rượu có thể gây ảnh hưởng đến kích thước và hoạt động của bộ não. Các tế bào não bắt đầu thay đổi, thậm chí còn nhỏ hơn bình thường.
Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng suy nghĩ, học hỏi và ghi nhớ đồng thời làm cho việc giữ nhiệt độ cơ thể ổn định và kiểm soát chuyển động trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, dùng quá nhiều rượu có thể dẫn tới thoái hóa tiểu cầu não, do các tế bào nơ-ron ở tiểu não bị phá hủy và chết do tác động của rượu.
Bị thoái hóa tiểu não khiến não bộ không thể kiểm soát được chức năng vận động và giữ thăng bằng, với một loạt các dấu hiệu như rung tay, chân, rung giật nhãn cầu.

Rượu ảnh hưởng tới giấc ngủ
Rượu tác dụng lên não có thể khiến cơ thể buồn ngủ, do đó chúng ta có thể ngủ gật dễ dàng hơn, điều này thực sự rất nguy hiểm nếu uống rượu bia khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, dù dễ ngủ nhưng lại không thể ngủ ngon được, bởi cơ thể phải xử lý rượu suốt đêm. Người thường xuyên uống rượu say sẽ không có được một giấc ngủ tốt mà cơ thể cần để phục hồi.
Ngoài ra các nghiên cứu chỉ ra rằng rượu bia có thể dẫn tới những cơn ác mộng, vã mồ hôi khi ngủ, thức dậy thường xuyên hơn để đi vệ sinh.

Rượu gây rối loạn hoạt động của hệ thần kinh trung ương
Rượu là một chất ức chế, làm đình trệ và gây rối loạn các hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Khi uống rượu say người ta sẽ nói nhiều, huênh hoang, không thận trọng trong cử chỉ và lời nói, trở nên bê tha, lú lẫn, không biết đúng sai và xấu hổ.
Thậm chí người uống rượu có những hành động mà lúc bình thường lòng tự trọng không cho phép họ làm như vậy. Rượu tác động vào hệ thần kinh trung ương khiến cho người ta không làm chủ được suy nghĩ và hành vi của bản thân.
Dẫn đến những hậu quả khôn lường như liều lĩnh, không kiềm chế gây tai nạn giao thông hay đánh đập, chém giết nhau,...
Với những người thường xuyên uống rượu say, lạm dụng rượu hay nghiện rượu sẽ dẫn tới tình trạng suy giảm và rối loạn các chức năng hoạt động của não bộ, gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ, suy giảm trí tuệ, rối loạn cảm xúc, rối loạn tư duy, rối loạn hành vi tác phong.

Với bệnh nhân loạn thần do rượu sẽ bị rối loạn tư duy sinh ra các hoang tưởng bị hại, hoang tưởng ghen tuông,... Rối loạn tri giác sinh ra có ảo xúc (rối loạn cảm giác trên da), ảo thị. Rối loạn cảm xúc như hưng cảm hoặc trầm cảm, hung dữ không biết kiềm chế, đánh vợ con, đánh người xung quanh.
Đặc biệt, đối với những phụ nữ đang mang thai, việc sử dụng quá nhiều rượu, uống rượu say sẽ khiến thai nhi có nguy cơ mắc hội chứng ngộ độc rượu. Điều này có thể khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh về thể chất cũng như trí tuệ của trẻ. Do đó phụ nữ mang thai được khuyến cáo không nên uống rượu.
Để hạn chế tác hại của rượu bia, mỗi người nên xây dựng lối sống lành mạnh, bao gồm giảm uống rượu bia, tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc. Khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bất thường, điều trị kịp thời.
Để giảm say rượu, hãy ăn uống đầy đủ trước khi uống rượu. Thực phẩm chứa tinh bột, giàu lipid giúp làm chậm quá trình hấp thu rượu vào cơ thể. Sau khi tỉnh rượu, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể chóng phục hồi. Các thực phẩm chứa nhiều tinh bột, có đường... hỗ trợ phục hồi sức khỏe nhanh hơn.