Theo thông tin từ Bệnh viện TW Quân đội 108, tại Mỹ, chỉ khoảng 10% trường hợp ung thư tuyến tụy được phát hiện ở giai đoạn sớm, trong khi có đến 53% bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tụy di căn xa (giai đoạn IV).
Theo số liệu của tổ chức Y tế thế giới (WHO năm 2018) ung thư tụy xếp thứ 08 trong nhóm ung thư gây tử vong nhiều nhất trên toàn thế giới (432.242 ca tử vong/năm)
Các triệu chứng thường gặp của ung thư tụy
Hội chứng tắc mật: vàng da, nước tiểu sẫm màu. Vàng da do ung thư tụy là vàng da liên tục, tăng dần do u gây tắc ống mật chính làm dịch mật từ gan không xuống được tá tràng, hậu quả là mật vào trong máu gây vàng da và nước tiểu sẫm màu thường có màu cam hoặc nâu do cơ thể đang bị dư thừa bilirubin. Vàng da thường gặp và xuất hiện sớm với những khối u vùng đầu tụy.
Đau bụng: là một trong những dấu hiệu sớm và thường gặp nhất. Cơn đau xuất hiện từ từ và tăng dần. Ban đầu, có thể chỉ là đau nhói ở vùng thượng vị nên dễ nhầm lẫn với đau dạ dày.
Khi bệnh tiến triển thường lan sang 2 bên và/hoặc xuyên ra sau lưng vớimcường độ mạnh hơn. Thông thường đau bụng trong ung thư tụy xuất hiện từ từ, tăng dần theo kiểu “vết dầu loang” theo tiến triển của bệnh, song cũng có trường hợp người bệnh đột ngột đau một cách dữ dội do u làm tắc ống tụy gây viêm tụy cấp.
Đi ngoài sống phân: u gây cản trở men tụy xuống ruột non tiêu hóa thức ăn. Đây là một trong những nguyên nhân làm người bệnh ung thư tụy bị suy kiệt rất nhanh, do vậy cần bổ sung men tụy kịp thời.
Buồn nôn, nôn, chán ăn, suy nhược, giảm cân đột ngột.
Tiêu chảy, đái tháo đường: đái tháo đường có thể xuất hiện đồng thời nhưng có khoảng 25% bệnh nhân ung thư tụy có khởi phát bệnh tiểu đường trước khi phát hiện ung thư tụy trong thời gian dưới 2 năm.
Nguyên nhân gây ung thư tụy
Ung thư tụy là một ung thư thường gặp, có tỉ lệ tử vong rất cao, lên đến 95% đối với trường hợp mắc bệnh. Sau đây là những nguyên nhân thường gặp có thể gây ung thư tụy như:
- Sử dụng các chất kích thích kéo dài, thường xuyên, liên tục như: rượu, bia, thuốc lá, tiếp xúc với hóa chất, thuốc diệt cỏ...
- Người có tiền sử mắc các bệnh: đái tháo đường, viêm gan B...
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Ăn nhiều thức ăn nhanh, chứa nhiều dầu mỡ, thừa chất béo, ít rau xanh và trái cây...
Trong gia đình có người mắc ung thư tụy; lười vận động, thừa cân, béo phì...
Ung thư tuyến tụy được đánh giá là một trong những dạng ung thư nguy hiểm nhất. Và chìa khóa để chúng ta có thể chiến thắng căn bệnh này chính là thực hiện tầm soát sớm nguy cơ ung thư tuyến tụy.
Các phương pháp phát hiện sớm ung thư tụy
+ Xét nghiệm máu: Chất chỉ điểm khối u được dùng để tầm soát ung thư tuyến tụy là CA19-9. Nồng độ chất kháng nguyên này tăng cao trong 80% trường hợp ung thư tụy.
+ Siêu âm nội soi: Hiệp hội Ung thư Mỹ mới đây vừa đưa ra kết luận có tới 10% các trường hợp mắc ung thư tuyến tụy là do sự thay đổi cấu trúc ADN có nguồn gốc di truyền. Các nhà nghiên cứu đang xem xét đến việc áp dụng siêu âm nội soi nhằm sàng lọc, phát hiện sớm ung thư tuyến tụy cho các thành viên kể cả vẫn đang khỏe mạnh ở các gia đình có tiền sử ung thư tuyến tụy.
+ Nội soi đường mật ngược dòng: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi mềm đưa qua miệng, tiến đến gần tuyến tụy nhằm thu thập hình ảnh của tổn thương. Thông thường, phương pháp này sẽ kết hợp cùng sinh thiết kế kiểm tra khối u.
+ Sinh thiết kim qua da: Với sự hỗ trợ của chụp X-quang, các kỹ thuật viên sẽ đưa cây kim vào vị trí khối u để hút dịch và các tế bào để kiểm tra, xét nghiệm.
+ Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT): Phương pháp này sử dụng một máy quét tia X từ nhiều góc độ khác nhau để thu được hình ảnh chi tiết bên trong các cơ quan trên cơ thể. Ngoài việc hỗ trợ chẩn đoán ung thư, chụp CT còn giúp xác định khả năng có thể thực hiện phẫu thuật của bệnh nhân.
+ Chụp cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng sóng siêu âm và máy quét để tạo ra hình ảnh chi tiết ổ bụng đặc biệt là khu vực xung quanh tuyến tụy, gan và túi mật.
Hiện nay không có biện pháp phòng ngừa nào cho ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ là rất quan trọng. Các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được bao gồm hạn chế hút thuốc, uống ít rượu, bia.
Nên tránh các thức ăn có quá nhiều chất mỡ, chất béo và đường ngọt. Đối với ung thư tụy nói riêng và các loại ung thư khác nói chung, chúng ta nên có một chế độ sống lành mạnh, ăn nhiều rau củ quả, không dùng các chất kích thích, tập thể dục thể thao điều độ...