Ruộng chết khô bên công trình thủy lợi

- Thứ Tư, 31/03/2021, 06:35 - Chia sẻ
Xây kênh thủy lợi để dẫn nước trực tiếp về đồng ruộng nhưng lại thiết kế nằm sâu dưới đất, cách mặt ruộng gần 3m, khiến xã nghèo nhất tỉnh Đắk Nông không thể lấy nước sản xuất. Ngày 29.3, khi đi kiểm tra thực tế, một lãnh đạo tỉnh Đắk Nông phải thốt lên: “Lần đầu tiên tôi thấy một công trình thủy lợi nằm sâu dưới đất. Đặc biệt, kênh thủy lợi chạy qua ruộng nhưng lại không cấp nước cho ruộng”.

Tháng 12.2017, Thường trực HĐND tỉnh Đăk Nông phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng kênh thủy lợi Suối Đá xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong) với tổng kinh phí 90 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện một số dự án cấp bách phòng, chống, khắc phục tình trạng hạn hán xâm nhập mặn.

Mục tiêu của dự án là tạo nguồn nước ổn định phục vụ sinh hoạt và sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho Nhân dân trong vùng; đặc biệt là thúc đẩy phát triển kinh tế cho xã Quảng Hòa - 1 trong số các địa phương có tỷ lệ nghèo, cận nghèo cao nhất tỉnh Đắk Nông.

Tính toán ban đầu, dự án sẽ bảo đảm cung cấp nước tưới cho 1.000ha cây nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng số lượng canh tác lúa nước từ 1 vụ lên thành 2 vụ trong năm. Ngoài ra, công trình còn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho 1.750 hộ dân trong khu vực.

Thế nhưng đến cuối tháng 3.2021, khi kênh dẫn nước Suối Đá hoàn thành 95%, đã thanh toán hơn 70 tỷ đồng thì cả ngàn hecta đất canh tác của xã vẫn lâm cảnh nẻ toang, nhiều diện tích hoa màu, cây công nghiệp của người dân tại khu vực này rơi vào tình trạng khô hạn, thiếu nước trầm trọng.

Những năm trước, khi còn con kênh cũ, miệng kênh luôn cao hơn mặt ruộng, nước từ hồ chứa dẫn về là đổ trực tiếp vào ruộng. Còn hệ thống thủy lợi mới nằm sâu dưới đất gần 3 mét so với mặt ruộng nên người dân không thể lấy nước trực tiếp để phục vụ sản xuất. Từ kỳ vọng 2 vụ/năm, người dân xã nghèo Quảng Hòa đối diện nguy cơ cả năm không làm được vụ nào.

Đến nay, công trình gần trăm tỷ đồng cơ bản đã hoàn thành nhưng người dân chưa biết lấy nước tưới kiểu gì, việc thi công, thiết kế có nhầm lẫn hay không, liệu có gây lãng phí tiền của nhà nước? Bất kỳ ai cũng biết rằng, làm kênh để dẫn nước vào ruộng, thì đáy kênh phải cao hơn mặt ruộng. Ruộng nằm sát kênh nước mà không có nước, không thể lấy nước, ai phải chịu trách nhiệm?

Nghịch lý là hàng chục hecta lúa, cây công nghiệp của người dân địa phương hai bên kênh đang lâm vào tình cảnh héo rũ nhưng chủ đầu tư dự án lại cho rằng: “đây là hệ thống dẫn nước chứ không phải kênh dẫn nước. Nước sẽ được dẫn về nơi tập trung, sau đó người dân sẽ tự lấy nước về ruộng của mình. Tức là không còn hệ thống mương dẫn xương cá như trước đây nữa”. Vậy công trình này phục vụ ai? 90 tỷ đồng không phải là số tiền nhỏ, nhất là với một tỉnh nghèo như Đắk Nông. 90 tỷ đồng có nguy cơ trở thành công trình “vô dụng” nhất thế kỷ, còn người dân đã nghèo lại càng nghèo thêm.

Thủy lợi là lĩnh vực mang tính chất đặc thù, không phải đơn vị nào cũng có đủ năng lực để tham gia tư vấn, thiết kế lập dự án. Và muốn làm một con kênh có giá trị đến 90 tỷ đồng, phải qua rất nhiều khâu, từ khảo sát đến thiết kế, đến thi công, và quá trình thi công phải có bộ phận giám sát hết sức chặt chẽ. Với những gì đã xảy ra, dư luận đặt dấu hỏi về năng lực của “rất nhiều khâu” đó. Chưa rõ, ai phải chịu trách nhiệm về “công trình thế kỷ” này, nhưng sau hơn 3 năm thực hiện, tiền Nhà nước đã bỏ ra mà người dân chưa được hưởng lợi gì thì đã thấy rõ.

Chi An