Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên

14/05/2011 07:42

Liên Hiệp Quốc chọn năm 2011 là năm quốc tế về rừng. Do vậy, UNEP đã lựa chọn chủ đề chính thức cho WED 2011 là Forests: Nature At Your Service (Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên).

Rừng bao phủ 1/3 diện tích bề mặt lục địa trái đất, thực thi nhiều dịch vụ và chức năng thiết yếu duy trì sự sống trên khắp hành tinh của chúng ta. Sinh kế của khoảng 1,6 tỷ người phụ thuộc vào rừng. Rừng là lá phổi xanh khổng lồ, hấp thụ khí cacbonic và giải phóng oxy vào khí quyển. Do vậy, rừng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.

Rừng lưu giữ nguồn nước nuôi dưỡng các con sông và bảo vệ nguồn cung cấp nước cho gần 50% nhu cầu của các thành phố lớn nhất toàn cầu. Rừng tạo ra và duy trì độ phì của đất và giúp giảm nhẹ sự tàn phá của thiên tai. Với vẻ đẹp bí ấn và hùng vĩ, các cánh rừng là những hệ sinh thái có độ đa dạng sinh học cao nhất trên đất liền, là ngôi nhà chung của hơn một nửa số động vật và thực vật trên cạn. Rừng cũng cung cấp chỗ ở, việc làm, an ninh và góp phần hình thành văn hóa cho các cư dân sống phụ thuộc vào rừng.

Rừng đã thể hiện một cách rõ ràng và mạnh mẽ vai trò không thể thay thế trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, bất chấp tất cả lợi ích vô giá về sinh thái, kinh tế, xã hội và sức khỏe mà rừng ban tặng, chúng ta đang tàn phá rừng không thương tiếc. Những đầu tư ngắn hạn để đạt được lợi ích trước mắt (ví dụ: khai thác gỗ) gia tăng những tổn thất này. Những người có sinh kế phụ thuộc vào rừng đang đấu tranh để sinh tồn. Nhiều loài quý hiếm đối mặt với thảm họa tuyệt chủng. Đa dạng sinh học đang dần bị xóa sổ.

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu đã chứng minh rằng với việc không tích hợp các giá trị của rừng vào ngân sách của mình, các quốc gia và doanh nghiệp đang phải trả một giá cao. Và cuối cùng, điều này đang khiến tất cả chúng ta dần bị nghèo đi cũng như gây tổn hại liên tục đến hệ thống hỗ trợ sự sống rừng.

Tuy nhiên, xu hướng này không phải là không thể đảo ngược. Chưa là quá muộn để thay đổi cuộc sống của chúng ta để có một tương lai xanh hơn như ở những nơi rừng là trung tâm của phát triển bền vững và nền kinh tế xanh. Bảo tồn và phát triển rừng cần được thừa nhận là một cơ hội kinh doanh. Một khoản đầu tư 30 tỷ USD chống nạn phá rừng có thể mang lại 2.500 tỷ USD trong các sản phẩm và dịch vụ mới.

 Hơn nữa, đầu tư cho lâm nghiệp có thể tạo ra lên đến 10 triệu việc làm mới trên khắp thế giới. Hiện nay, nhiều nhà lãnh đạo đã bắt đầu chú ý đến tiềm năng của năng lượng và tài nguyên tái tạo. Nhưng để sự biến đổi thực sự xảy ra, rừng cần phải trở thành một ưu tiên chính trị phổ quát.

Rừng cung cấp những dịch vụ cơ bản đáp ứng mọi khía cạnh của chất lượng cuộc sống chúng ta. Và giải pháp cho quản lý rừng bền vững, hướng tới một nền kinh tế xanh, nằm trong tay chúng ta.

 Thế giới mất 13 triệu hécta rừng nhiệt đới mỗi năm

Nghiên cứu mới nhất của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) công bố mới đây cho biết: mỗi năm thế giới mất tới 13 triệu hécta rừng, tương đương diện tích của Hy Lạp.

Diện tích rừng bị mất hàng năm này làm gia tăng 6 tỷ tấn CO2 gây hiệu ứng nhà kính, gấp 3,6 lần lượng khí thải do các nhà máy điện và các nhà máy công nghiệp của Liên minh châu âu thải vào khí quyển năm 2010 theo chương trình tín dụng khí thải của Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu.

Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã đề xuất Chương trình giảm khí thải do mất rừng và suy thoái rừng (REDD), trong đó nhấn mạnh vai trò của các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và các nhà đầu tư trong việc giảm khí thải cácbon từ rừng. 

Tập đoàn ngân hàng lớn nhất toàn cầu BNP Paribas SA với nguồn vốn 3.100 tỷ USD và liên doanh Wildlife Works Carbon LLC đã phát hành các tín dụng cácbon từ các dự án REDD để thúc đẩy tiến trình giảm khí thải từ rừng.

Nghiên cứu của UNEP xác định rừng có thể hỗ trợ giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 20C, mức tăng nhiệt độ an toàn để biến đổi khí hậu không đe dọa cuộc sống nhân loại vào cuối thế kỷ này, nếu giảm được 50% diện tích rừng bị mất vào năm 2030. Để đáp ứng mục tiêu này, thế giới cần đầu tư từ 17-33 tỷ USD mỗi năm để trồng rừng và khôi phục các diện tích rừng bị mất.

Giá trị thị trường cácbon của rừng có tiềm năng tăng tới 10.000 tỷ USD vào năm 2020, trong khi tổng giá trị hàng hoá và dịch vụ từ hệ sinh thái rừng vào khoảng 5.000 tỷ USD. Cho đến nay, tiềm năng khổng lồ này phần lớn vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

UNEP lưu ý rằng hầu hết diện tích rừng trên thế giới nằm ở các nước đang phát triển. Việc sử dụng rừng như một công cụ tiến tới một hiệp định quốc tế chống biến đổi khí hậu đã được thúc đẩy trong hai thập kỷ qua.

Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu năm 2010 tại Cancun (Mexico) đã xem xét tạo ra tín dụng cácbon rừng trong hiệp ước quốc tế mới về khí hậu và Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu vào tháng 12 tới tại Durban - Nam Phi sẽ khẳng định vai trò của rừng như là phương tiện hàng đầu để giảm khí thải.

 Châu Giang

    Nổi bật
        Mới nhất
        Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO