Rừng "đi" lũ sẽ "về"!

- Thứ Sáu, 16/10/2020, 06:32 - Chia sẻ
Suốt mấy ngày qua, cả nước hướng về vụ sạt lở tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, cầu mong một phép màu sẽ đến với 13 người trong Đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên Huế, Quân khu 4 và 17 công nhân của công trình này.

Ngay cả khi không một thanh âm nào đáp lại tiếng gọi “còn ai nữa không” của những người đầu tiên tiếp cận hiện trường vụ sạt lở tại Trạm bảo vệ rừng 67, nhiều người vẫn không ngừng thắp niềm hy vọng.

Cho đến chiều qua, khi những thi thể đầu tiên của đoàn công tác được tìm thấy ở hiện trường Trạm bảo vệ rừng 67, nơi giờ đây chỉ còn là một bãi đất đá ngổn ngang, hoang tàn thì ngay cả người lạc quan nhất có lẽ cũng bắt đầu phải tự thuyết phục mình chấp nhận một sự thật đầy đau thương phía trước.

Giữa đau đớn nhiều lời “giá như” đã được thốt ra!

Giá như những người chịu trách nhiệm thi công Thủy điện Rào Trăng 3 không để hàng chục công nhân ở lại căn lán giữa rừng khi mà mưa lũ và mức độ nguy hiểm của nó đã được cảnh báo trước đó. Ai cũng biết lán ở của công nhân thi công các công trình thường tựa vào lưng núi và dựng lên tạm bợ, chỉ cần sạt lở nhẹ đã bay cả lán. Nếu may mắn không sạt lở thì riêng chuyện bị lũ chia cắt lâu ngày trong rừng, công nhân lỡ có ốm đau, đói rét cũng đủ hiểm nguy tính mạng.

Giá như lực lượng cứu hộ không chọn lán trại hoặc nhà tạm ở giữa rừng để tá túc qua đêm, bởi trong quá khứ từng xảy ra những vụ việc thương tâm tương tự. Như mùa mưa lũ lịch sử năm 1999, gần hai chục người trên đường đi công tác lên huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) vì tắc đường đã nghỉ lại lán trại của công nhân gần đó và trận sạt lở trong đêm đã làm tất cả thiệt mạng.

Giá như trong lòng Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền đừng có 4 nhà máy thủy điện, trong đó có Alin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4… Khoảng 200ha rừng phải chuyển đổi mục đích để thi công các công trình này, chưa kể một số diện tích khác cũng phải chuyển đổi để thi công tỉnh lộ 71 và đường dây điện nối vào hệ thống lưới quốc gia.

Không phải chỉ ở Thừa Thiên Huế! Từ những năm 1995, chúng ta đã phá bỏ diện tích rừng lớn cho triển khai quy hoạch thủy điện trên khắp cả nước. Mất rừng do làm thủy điện thì đã rõ, mất rừng do quản lý yếu kém cũng đầy rẫy dẫn chứng. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 4 năm từ 2016 - 2019, diện tích rừng bị thiệt hại lên tới 7.283ha, trung bình mỗi năm chúng ta mất đi 2.430ha rừng. Mà rừng “đi” là lũ “về”. Những dòng suối bỗng chốc hóa hung dữ. Nước kéo theo đá cứ từ đỉnh trút xuống và cuốn theo tất cả những gì thuộc về đời sống ở phía dưới…

Có lẽ phải chờ một thời gian nữa mới tổng kết hết thiệt hại, nhưng có thể hình dung ra mức độ khủng khiếp của đợt mưa lũ ở miền Trung qua những con số thương vong về nhân mạng, mất mát về tài sản; những hình ảnh về sức nước tàn phá kinh hoàng; những hoạt động khẩn cấp nhằm ứng phó thiên tai và hạn chế hậu quả... Nhưng ngay vào lúc này, tất cả chúng ta cần phải được thôi thúc bởi câu hỏi: Chẳng lẽ chỉ có thể giơ lưng gánh chịu và khắc phục hậu quả mưa lũ cực đoan? Cách nào để không phải thêm một lần nữa phải cất lên tiếng hú gọi “còn ai nữa không” đầy ám ảnh giữa đại ngàn? 

Hà Lan