Rục rịch cuộc đua vào điện Elysée

- Thứ Bảy, 28/08/2021, 06:04 - Chia sẻ
Thời gian tới sẽ chứng kiến ​​sự kiện mà người Pháp gọi là la Rentrée (sự trở lại), khi các trường học ở nước này tái mở cửa, các kỳ nghỉ tháng Bảy và tháng Tám lui dần, và mùa chính trị lại nở rộ. Từ nay đến tháng Tư năm sau, câu chuyện chính trị duy nhất sẽ là ai sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của Pháp? Sự xuất hiện thêm ứng cử viên nặng ký sẽ khiến cho cuộc đua vào Điện Elysée càng trở nên gay cấn và khó đoán.

Trong bối cảnh tháng sau nước Đức sẽ tổ chức tổng tuyển cử và sự kiện này sẽ làm lộ diện người sẽ kế nhiệm vị Thủ tướng kỳ cựu Angela Merkel, việc lựa chọn người đứng đầu Điện Elysée cũng là câu hỏi quan trọng không kém, không chỉ đối với riêng nước Pháp mà còn với châu Âu và cả thế giới. Pháp vẫn đang là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), và là cường quốc hạt nhân duy nhất của châu Âu. Có thể nói, xét về địa chính trị, cho đến nay, đất nước chú gà trống Gaulois là quốc gia quan trọng bậc nhất của Liên minh châu Âu (EU) có tầm ảnh hưởng quan trọng đến chính sách quan trọng của khối.

Ông Michel Barnier	Nguồn ITN
Ông Michel Barnier
Nguồn: ITN

Đối thủ đáng gờm của đương kim Tổng thống Pháp

Vừa qua, ông Michel Barnier - cựu Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU đã chính thức công bố quyết định tranh cử Tổng thống Pháp trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 4.2022 và tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ giữa các ứng cử viên của các đảng cánh hữu và trung dung. Giải thích cho quyết định của mình, ông cho biết muốn tập hợp các đảng cánh hữu và các đảng trung dung và “thay đổi đất nước”.

“Nước Pháp đã phải đối mặt với quá nhiều nỗi đau, sự căng thẳng, bất công và giận dữ. Hơn 10 năm qua, nước Pháp tụt dốc dù có rất nhiều lợi thế và nguồn lực. Trong thời đại hệ trọng và có rất nhiều đòi hỏi mà chúng ta đang sống, tôi đã sẵn sàng và quyết tâm để trở thành Tổng thống của một nước Pháp hòa giải, tôn trọng người Pháp và nước Pháp được tôn trọng”, ông nói.

Barnier là người có nhiều kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chính trị, giúp ông có lợi thế hơn trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Pháp, bao gồm các cuộc đàm phán “bất thường” để tìm kiếm thỏa thuận về việc Anh rời EU (Brexit). Ông là Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU trong suốt hơn 4 năm, từ 2017 đến đầu năm 2021. Ông cho biết, trong suốt quá trình kéo dài nhiều năm đó, bản thân đã phải làm việc “với các nguyên thủ quốc gia và Chính phủ để duy trì sự thống nhất của tất cả các nước châu Âu”.

Trước khi trở thành trưởng đoàn đàm phán Brexit vào năm 2016, Barnier từng là ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của EU từ năm 2010 - 2014. Bên cạnh đó, chính trị gia 70 tuổi này cũng là nhân vật kỳ cựu trong chính trường Pháp, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ hàng đầu, bao gồm cả Ngoại trưởng trong Nội các từ những năm 1990. Thực tế, ông là người nổi bật nhất trong số 4 ứng cử viên của đảng Cộng hòa cực hữu đã tuyên bố ý định tranh cử. Đảng này có thể tổ chức lựa chọn sơ bộ vào cuối năm nay nếu không có người dẫn đầu rõ ràng nào xuất hiện.

Nói về các ưu tiên hành động lớn nếu lên làm Tổng thống Pháp, ông Michel Barnier cho biết, từ nhiều năm qua bản thân đã coi vấn đề chống biến đổi khí hậu là cuộc chiến sống còn với tất cả quốc gia trên thế giới nên sẽ dành nguồn lực lớn nhất cho cuộc chiến này. Về đối nội, ông Michel Barnier chủ trương hạn chế và kiểm soát nhập cư, phát triển các ngành kinh tế xanh và đặt vấn đề lao động - việc làm là trọng tâm của xã hội…

Chưa thể nói trước

Mặc dù được giới phân tích chính trị Pháp nhận định là ứng cử viên nặng ký của cánh hữu, nhưng để được chọn làm ứng cử viên đại diện cho cánh này, ông sẽ phải vượt qua 2 ứng cử viên nặng ký khác là bà Valerie Pécresse, Chủ tịch vùng Ile-de France và ông Xavier Bertrand, Chủ tịch vùng Hauts-de France.

Thậm chí, ngay cả khi đã được chọn làm đại diện cho cánh hữu, ông vẫn phải tiếp tục đối mặt với hai đối thủ được coi là lớn nhất cho cuộc đua vào ghế Tổng thống Pháp, đó là đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dù ông chưa công bố quyết định tranh cử và lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN-Rassemblement National) - bà Marine Le Pen.

Thực tế, hầu hết đánh giá và thăm dò ý kiến công chúng hiện nay đều cho rằng, ông Macron và bà Le Pen vẫn là hai ứng cử viên nhiều khả năng nhất lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, để qua đó chọn ra người chiến thắng. Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2022 sẽ diễn hai vòng, vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.2022 (khoảng cách giữa hai vòng là 2 tuần), để chọn ra người đứng đầu nước Pháp trong nhiệm kỳ 5 năm, từ 2022 - 2027. Cả hai vòng bầu cử trên đều rất cần thiết trừ khi một ứng cử viên giành được đa số tuyệt đối trong vòng đầu tiên.

Theo các nhà phân tích, dẫu ai sẽ trở thành tân Tổng thống vào năm sau thì nhiệm vụ của họ cũng rất nặng nề, từ đối phó với đại dịch Covid-19, hồi phục nền kinh tế vốn chịu tác động nặng nề của virus Corona, đến bảo đảm vai trò nòng cốt của Pháp ở châu Âu hay tiếng nói có trọng lượng của nước này trong các vấn đề quốc tế…

Ngọc Minh