Đặc sắc múa rối chầu Thánh
Hàng năm, mỗi khi xuân về và Hội Thánh ở chùa Đại Bi, vào các đêm 20 - 23 tháng Giêng, nhân dân làng Vân Chàng, Giáp Tư, Giáp Ba tổ chức biểu diễn múa rối chầu Thánh. Chuẩn bị cho đêm chầu Thánh đầu xuân năm nay, nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng, Trùm trưởng Hội Rối hầu Thánh chùa Đại Bi cho biết, từ tháng 11 năm Giáp Thìn, các thành viên của Hội đã ngày đêm ôn luyện từng câu hát, kỹ thuật đi lộng (múa), nhịp điệu nhạc cụ để tiếp nối di sản của cha ông.
Giới thiệu về nghệ thuật đặc sắc này, nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: rối chùa Bi biểu diễn để chầu Đức Thánh, không phải cho người dân xem, nên chỉ diễn ra trong thời gian và không gian thiêng nhất định. Chuẩn bị đến chính lễ hằng năm, đêm trước ngày kỵ Thánh, hội viên Hội Rối 3 làng tập trung ở chùa làm lễ rước bộ 12 ông rối “Thập nhị Thánh tượng”, ra Tam Bảo.
![Nghệ thuật rối đầu gỗ chầu Thánh. Ảnh: TGDS Nghệ thuật rối đầu gỗ chầu Thánh. Ảnh: TGDS](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/d8d2c18b750d001526a29a169a059c3a41e026cafac7c8e76138936e0bd27243765bd97b3866c5885fa321abed13cd2c989db6286c5c445e9c64afcfb2f1287a/3c93c610363811eeb8a2d59cfb05ae82.png)
Nghệ thuật rối đầu gỗ chầu Thánh. Ảnh: TGDS
Trước khi vào biểu diễn, 3 ông trùm (mỗi làng có một ông trùm - trùm làng Vân Chàng là trùm trưởng, hội viên các làng gọi là Giai) khăn áo chỉnh tề, quần trắng ống sớ, áo the, khăn xếp vào cúng 12 Thánh tượng xin phép được dùng các Ngài múa hát chầu Phật và chầu Đức Thánh Tổ. Các hội viên ngồi sau tấm màn che tới ngang mặt hướng lên Tam Bảo chia nhau công việc: người chơi nhạc cụ, người chuẩn bị hát, người chuẩn bị múa. Ba ông trùm ngồi dưới cùng phân công công việc cho hội viên và theo dõi đêm chầu Thánh.
Một đêm chầu Thánh trọn vẹn thường diễn ra từ 19 - 24 giờ, có khi tới 1 giờ sáng hôm sau, trình diễn tất cả 28 bài ca dài, ngắn, trong đó có 26 bài các Giai được phép hát còn 2 bài là do 3 ông Trùm thay nhau hát. Đêm hầu Thánh kết thúc, các hội viên lại rước Thánh tượng vào khám thờ và lễ tạ.
Nỗ lực tiếp nối truyền thống
Nghệ thuật rối đầu gỗ chầu Thánh được lưu giữ tại chùa Đại Bi, nơi có niên đại gần 1000 năm, thờ Phật và thờ Đức Thánh Đại Thiền sư Từ Đạo Hạnh triều nhà Lý, do nhân dân 3 làng Vân Chàng, Giáp Tư, Giáp Ba xây dựng và phụng sự. Theo người cao tuổi trong làng, nghệ thuật hát múa rối cạn đầu gỗ chầu Thánh chùa Đại Bi là do Đức Thánh Từ khai sáng, dạy cho dân địa phương. Qua thời gian, đặc biệt là thời Lê Trung Hưng (1533 - 1788), nghệ thuật rối cạn được hoàn thiện, bổ sung rất nhiều về nội dung, hình thức.
Trong chùa Đại Bi hiện vẫn lưu giữ bộ 12 ông rối, theo các cụ truyền lại có tuổi đời gần 400 năm, được đặt trang trọng trong khám thờ ở hậu cung, hằng ngày được nhang khói phụng thờ. Trong 12 Thánh tượng có 6 Thánh tượng to lớn gọi là 6 ông “Lộng” (ở nghĩa Hí Lộng) được làm bằng gỗ tốt, đục rỗng có tay cầm điều khiển bên dưới, nặng khoảng 3 - 3,5kg, cằm tượng có chỗ buộc vải the che tay người điều khiển.
![Trùm trưởng Vân Chàng truyền dạy nhạc cho hội viên mới. Ảnh: TD 5.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/66f6cb1ffc789f81c811f5f3f001667b3f20cc366b9253fa9e467f682634c31c/5.jpg)
Hai ông Lộng ở giữa được tạc hình: 1 quan văn, 1 quan võ gọi là Đôi Lộng chúa, bốn tượng còn lại là ông Tùy (nghĩa là: theo, tùy tùng) chia hai bên, bên trái đôi Lộng chúa tạc hình ông nông dân (có con cóc trên đầu) và một người khôi ngô tuấn tú như một tri thức hay Nho sinh. Bên phải là đôi Tùy mặt trắng, to lớn, miệng rộng mang ý nghĩa no đủ, thương dân.
Ngoài 6 ông Lộng trên, còn 6 tượng nhỏ hơn, chỉ bằng nửa, nặng khoảng 1,5 - 2kg, tạc 6 nhân vật khác nhau là: Chàng, hai Nàng tiên, ông Chớp, bà Hoàng hậu (còn gọi là bà Dung, nàng Ruông) và ông Mách.
Chùa Bi còn một bộ tượng rối giống như bộ tượng chính trong chùa nhưng chỉ nhỏ tương ứng một nửa, được làm năm 1957 dùng để tập luyện và đi chầu “Tam vị Thánh Tổ” ở các địa phương khác.
Nghệ thuật Ổi Lỗi là tổng hòa cả 3 môn: ca, vũ, nhạc, không bị lai tạo nghệ thuật khác và hầu như không bị phôi phai theo thời gian. Nội dung nghệ thuật hát múa rối đầu gỗ chầu Thánh gồm 3 phần: ca ngợi đất nước thái bình, Đức Thánh Tổ phù hộ mọi người no đủ; khuyên răn mọi tầng lớp trong xã hội sống đúng với đạo đức, luân lý; phản ánh một số sự kiện lịch sử của đất nước. Lời ca, dù là đơn ca hay đồng ca, kết hợp với vũ đạo của các Lộng và dàn nhạc đồng tấu, phụ họa, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Vũ đạo trong nghệ thuật rối chùa Bi tuy đơn giản nhưng giàu tính tượng trưng, nói lên tâm tư, ước vọng của nhân dân…
Hội Rối hầu Thánh chùa Đại Bi gồm những người đang trực tiếp gìn giữ nghệ thuật múa rối chầu Thánh. Tất cả hội viên đều là nam giới, có truyền thống cha truyền con nối hoặc có tâm với Thánh Tổ. Theo nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng, hiện nay, Hội Rối có trên 30 người, cao tuổi nhất ngoài 90, trẻ nhất trên 45. Cái khó nhất không phải là truyền dạy hay kinh phí, mà làm sao thu hút người trẻ biết đến và quan tâm tới nghệ thuật này để có lực lượng kế cận.
Hiện nay, các thành viên Hội Rối vẫn tiếp tục học hỏi, sưu tầm tài liệu để chuẩn hóa lời ca theo văn tự cổ và tạo điều kiện để hội viên mới dễ tiếp cận. Thường kỳ, đặc biệt khi Tết đến xuân về, các nghệ nhân miệt mài truyền dạy cho người mới, “cầm tay chỉ việc” từ những gì đơn giản nhất, cả ca, vũ, nhạc… để nghệ thuật độc đáo này được lưu truyền, giữ bản sắc của lễ hội chùa Đại Bi.