Bổ sung một nguyên tắc riêng về hoạt động giám sát
Dự thảo Luật dự kiến bổ sung nguyên tắc trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là phải “Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” (tại Điều 3 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND). Việc bổ sung nguyên tắc này nhằm thể chế hóa yêu cầu của Đảng đoàn Quốc hội trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Về cách thức quy định, có 2 loại ý kiến khác nhau, có ý kiến nhất trí với việc quy định nguyên tắc trên tại một khoản riêng của Điều 3, có ý kiến đề nghị ghép vào khoản 2 của Điều 3. Theo đó, dự thảo Luật xây dựng 2 phương án:
Phương án 1: Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 3 như sau: “Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương”.
Phương án 2: Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 như sau: “Bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương”.
ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) lựa chọn cách thể hiện như phương án 1 và cho rằng, việc bổ sung nguyên tắc này để thể hiện mối quan hệ giữa hoạt động giám sát với việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng, thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương là rất cần thiết và cần coi đây là một nguyên tắc mang tính độc lập.
“Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, mà đổi mới tư duy xây dựng pháp luật này yêu cầu vừa là mục tiêu, là điều kiện, vừa đòi hỏi bắt buộc các lĩnh vực khác có liên quan phải cùng tham gia vào. Quốc hội có 3 chức năng cơ bản là xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Vậy công tác đổi mới tư duy xây dựng pháp luật thay đổi, đòi hỏi giám sát cũng phải đổi mới theo và việc quyết định các vấn đề cơ bản của đất nước cũng cần phải đổi mới theo”, đại biểu nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) đề nghị, nguyên tắc “Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” là một nguyên tắc riêng và nên là một nội dung mới được bổ sung trong dự thảo Luật.
Chỉ lồng ghép vào nội dung liên quan đến mục tiêu, yêu cầu của hoạt động giám sát?
Nhất trí với việc rà soát, xác định đầy đủ nguyên tắc cần thiết của hoạt động giám sát, tuy nhiên ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cho rằng, việc bổ sung nguyên tắc như dự thảo Luật chưa phù hợp, vì “Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” là mục đích, mục tiêu hướng tới, không phải là nguyên tắc.
Đại biểu đề nghị, nội dung này nên được nghiên cứu và lồng ghép vào các nội dung liên quan đến mục tiêu, yêu cầu của hoạt động giám sát. Đồng thời, nên nghiên cứu để bổ sung nguyên tắc theo hướng bảo đảm quyền và trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền giám sát là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong hoạt động giám sát, bảo đảm các kiến nghị sau giám sát phải được thực thi nghiêm túc, đầy đủ.
ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) lưu ý, “Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” không hoàn toàn là nguyên tắc, mà có thể hiểu vừa là nguyên tắc, vừa là mục tiêu hướng đến của công tác giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp.
Do đó, đại biểu đề nghị lựa chọn phương án 2, không nhất thiết quy định thành một khoản riêng mà có thể xem xét bổ sung vào các nội dung đã được quy định tại luật hiện hành.
Đề nghị cần bổ sung nguyên tắc “Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” vào Điều 3 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu rõ, giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp nên tập trung vào xem xét, đánh giá chính sách pháp luật đã ban hành có đi vào cuộc sống hay chưa và trong quá trình đánh giá chính sách, từ yêu cầu thực tiễn để đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật phù hợp trong thời gian tới.
“Cũng trong quá trình đó, các đại biểu Quốc hội cũng như các Đoàn giám sát cập nhật thêm thông tin để phục vụ cho việc đánh giá, xem xét, đề xuất, thẩm định việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng như của địa phương. Còn việc chấp hành tuân thủ chính sách pháp luật đã có các cơ quan như thanh tra, kiểm tra, điều tra làm. Việc bổ sung các nguyên tắc nêu trên rất quan trọng và góp phần hạn chế được sự giẫm chân nhau, lấn sang các hoạt động như giám sát, kiểm tra, thanh tra”, đại biểu Dương Văn Phước nhận định.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, về bổ sung nguyên tắc hoạt động giám sát, một số ý kiến đề nghị bổ sung, một số ý kiến đề nghị không bổ sung, vì vậy, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo phối hợp để làm rõ những ưu điểm, hạn chế của từng phương án, có cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc, bảo đảm tính thuyết phục để báo cáo Quốc hội trong Kỳ họp tới.