Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Rõ trách nhiệm của Quốc hội trong giám sát đầu tư công

- Thứ Ba, 15/06/2021, 12:14 - Chia sẻ
Sáng 15.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.

Kiên quyết xử lý cán bộ tiêu cực, lợi ích nhóm

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021 của Chính phủ cho thấy, mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế, xã hội 5 tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước, bình quân 5 tháng tăng 1,29%, thấp nhất kể từ năm 2016, tạo dư địa trong điều hành giá trong mục tiêu dưới 4% đã đề ra… Bên cạnh đó, các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại quan trọng của đất nước được thực hiện tốt. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.

Một trong những hạn chế, tồn tại được Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ, đó là đến hết tháng 5.2021, còn 15,6% vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương chưa được các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ chi tiết do phải chờ thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương 5 tháng đầu năm 2021 còn chậm, đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,97%. Nguyên nhân một phần là do xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm, một phần còn do tâm lý ngại giải ngân, thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quan lý dự án, nhà thầu; tính chất đặc thù của chi đầu tư đòi hỏi phải có quá trình thực hiện, tích lũy giá trị khối lượng hoàn thành mới thực hiện các thủ tục giải ngân vốn tại kho bạc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Ảnh: Lâm Hiển 

Giải pháp để khắc phục tình trạng trên trong 6 tháng cuối năm được Chính phủ báo cáo tại phiên họp là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng…; người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA; kiên quyết xử lý cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm; lấy kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 là tiêu chí để đánh giá xét thi đua và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về việc chậm giải ngân của một số bộ, ngành và địa phương; tiến độ triển khai xây dựng các dự án giao thông quan trọng; việc bố trí vốn cho giai đoạn đầu của Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp

 Ảnh: Lâm Hiển

Đầu tư công còn ách tắc thì kinh tế không thể tăng trưởng được

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 bùng phát hết sức phức tạp từ đầu năm đến nay, song Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng chỉ rõ, lĩnh vực quốc phòng, an ninh trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra còn mờ nhạt. Trong khi đó, đây là nội dung đặc biệt quan trọng, bởi làm tốt công tác bảo đảm chủ quyền, an ninh biên giới, trật tự sẽ tạo ra môi trường phát triển kinh tế, xã hội rất tốt. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 thì phải đánh giá để làm rõ những tác động, diễn biến ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh; đồng thời, dự báo được các vấn đề có liên quan đến vị trí, tác động của các nước lớn, vấn đề ngoại giao vaccine, vấn đề lợi dụng đại dịch để vận động, lôi kéo tác động đến các quốc gia. Cùng với đó, cần lường trước các sự kiện có thể xảy ra, kể cả trên biên giới đất liền, trên biển, trên không để không bị động bất ngờ. Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phải phân tích, làm rõ hơn nữa tác động của đại dịch Covid-19 đến đời sống Nhân dân, vấn đề thu nhập, việc làm và từ những vấn đề đó ảnh hưởng đến vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội thế nào.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Ảnh: Lâm Hiển 

Nêu quan điểm về đầu tư công, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chỉ rõ, trong lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, yêu cầu chi tiêu của doanh nghiệp, người dân đều giảm thì Nhà nước phải đóng vai trò đẩy mạnh chi tiêu, đặc biệt là đầu tư công. Nói cách khác, đầu tư công là "bệ đỡ" cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Trong nhiệm kỳ Khóa XIV, giải ngân đầu tư công luôn là vấn đề được Quốc hội hết sức quan tâm và có nhiều giải pháp đồng hành với Chính phủ. Quốc hội đã phê duyệt rất nhiều dự án lớn, sửa nhiều quy định pháp luật liên quan, ban hành các nghị quyết tháo gỡ cho dự án, công trình quốc gia. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn như đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, sân bay Long Thành... đến nay vẫn rất chậm.

Do đó, nhất trí với yêu cầu của Thường trực Ủy ban Kinh tế, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Chính phủ phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, bộ, ngành trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đầu tư công lớn, có sức lan tỏa. Báo cáo thẩm tra cần ghi thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm lớn để một mặt, bảo đảm tránh xảy ra những hệ lụy tiêu cực, những rủi ro về mặt đạo đức, một mặt bảo đảm việc thực hiện đúng tiến độ như đã được phê duyệt, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Bởi lẽ, nếu tình trạng giải ngân vốn đầu tư công cứ tiếp tục chậm, các dự án đầu tư lớn, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm ách tắc như vừa qua thì nền kinh tế của không thể tăng trưởng được.

Thành Trung