Theo đại biểu Lã Thanh Tân, về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác (Điều 9), cần xác định rõ khái niệm “địa phương” là cơ quan có thẩm quyền ở địa phương hay nhân dân địa phương nói chung để quy định phù hợp, tách bạch về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân.
Điểm d, khoản 1, Điều 9 dự thảo: “Yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất, khoáng sản cung cấp hòm thư điện tử, số điện thoại hoặc địa chỉ tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản và góp ý, đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật về địa chất, khoáng sản”. Đại biểu đề nghị xem xét, xác định cụ thể cơ quan nhà nước có thẩm quyền về địa chất, khoáng sản là cơ quan nào và cần có quy định trách nhiệm của các cơ quan đó phải cung cấp hòm thư điện tử, số điện thoại hoặc địa chỉ tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản để cộng đồng dân cư hộ gia đình, cá nhân góp ý, đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật về địa chất khoáng sản.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 58 dự thảo quy định: “Việc khai thác khoáng sản tại khu vực cấm hoạt động khoảng sản hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản được thực hiện trong trường hợp khai thác theo phương pháp, công nghệ mà không ảnh hưởng đến mục đích cấm, tạm thời cấm được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận”. Đề nghị xem xét, quy định rõ phương pháp, công nghệ mà không ảnh hưởng đến tiêu chí cấm, tạm thời cấm.
Đối với Điều 90 về nguyên tắc hoạt động thăm dò, khai thác, thu hồi cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển, điểm b, khoản 1 điều này quy định hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và ở khu vực biển ngoài việc tuân thủ các quy định đối với khoáng sản nhóm III quy định tại luật này còn phải bảo đảm yêu cầu: “Hoạt động khai thác phải được kiểm soát và giám sát bằng các phương tiện, thiết bị công nghệ hiện đại để bảo đảm kiểm soát được sự biến động trữ lượng khoảng sản; nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; nguy cơ sạt lở, mất ổn định lòng, bờ, bãi sông”. Đề nghị quy định cụ thể việc kiểm soát, giám sát bằng các phương tiện, thiết bị công nghệ hiện đại là như thế nào, do cơ quan nào thực hiện.
Khoản 2, Điều 90 dự thảo quy định các yêu cầu hoạt động nạo vét, cải tạo các tuyến đường thủy nội địa, đường hàng hải, cảng sông, cảng biển; nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện có kết hợp thu hồi cát, sỏi. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định nạo vét đối với khu vực cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão...
Về Điều 92, điểm a, khoản 2 dự thảo quy định thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 62 của luật này và yêu cầu: “Đăng ký bến bãi, vị trí tập kết, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa, pháp luật khác liên liên quan”. Đề nghị làm rõ đối với doanh nghiệp vận chuyển cung cấp cát tại chân công trình, không có bến bãi, vị trí tập kết thì thực hiện như thế nào?
Cùng với đó, tại điểm a, khoản 2, Điều 92 dự thảo quy định thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật này và yêu cầu: “Lắp đặt bảng thông báo để công khai thông tin về giấy phép khai thác, dự án khai thác” Đề nghị xem xét, quy định phù hợp đối với khu vực khai thác ngoài biển.