Rõ trách nhiệm cá nhân

- Chủ Nhật, 18/04/2021, 05:37 - Chia sẻ

Chỉ 1 ngày sau phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 16.4.2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV. Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân gắn với đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; cá thể hóa hơn nữa trách nhiệm cá nhân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể đã được thể hiện thông qua việc phân cấp, phân quyền cũng như phân công nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị. Do đó, trong quá trình quản lý, điều hành, tập thể, cá nhân phải xác định rõ thẩm quyền của mình đến đâu để không “bỏ sót” nhiệm vụ được giao. Và nếu xảy ra sai sót, vi phạm thì cá nhân, tập thể phải tự chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình.

Quy định là vậy, nhưng thực tế cho thấy, trong quá trình quản lý, điều hành, khi xảy ra sai sót, vi phạm, việc phân định để xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể không phải là việc dễ dàng. Bởi thực tế, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, ở một số nơi, chưa rõ trách nhiệm của từng chủ thể. Đôi khi, trách nhiệm cá nhân bị “lẫn” vào trách nhiệm tập thể. Do đó, việc xử lý trách nhiệm có lúc còn chung chung chỉ dừng lại ở “rút kinh nghiệm sâu sắc”, điều này gây bức xúc dư luận.

Khi trách nhiệm không rõ, thì việc xử lý cũng giống như “ném đá ao bèo”, dẫn tới kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân vào cán bộ, vào tính nghiêm minh của pháp luật.

Thực tế cho thấy, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương, người đứng đầu đều đã cố gắng hết mình trong quản lý, điều hành và có người đã ghi được dấu ấn của sự thành công. Bên cạnh đó, cũng có những lĩnh vực, địa phương người quản lý vẫn “đủng đỉnh”, thậm chí lãnh đạo còn có những vi phạm trong quản lý, điều hành. Kết quả không mong muốn, thậm chí là có sai sót xảy ra là điều khó tránh khỏi, điều quan trọng là, sau mỗi sự cố đáng tiếc xảy ra, người đứng đầu cần phải thấy rõ trách nhiệm của cá nhân để khắc phục. Cơ quan có thẩm quyền thấy rõ được trách nhiệm cá nhân và tập thể để có hướng xử lý cán bộ cho phù hợp.

Là người thường hay lên tiếng về việc cần phải rõ địa chỉ trách nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã từng nhấn mạnh, ở đâu có quyền ở đó có trách nhiệm, quyền bao giờ cũng đi đôi với trách nhiệm. Đơn cử, khi Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, trước tình trạng gần 2 nghìn vụ cháy rừng xảy ra trong 4 năm, giai đoạn 2014 - 2018, bà Nga đã đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn như thế nào? Cho rằng, không thể có những vụ cháy lớn, cháy mấy ngày liền mà không ai chịu trách nhiệm, bà Nga đề nghị, chỉ ra trách nhiệm của ai phải có địa chỉ cụ thể. Trách nhiệm cứ “hòa cả làng” thì không thể làm cho ngành, cho lĩnh vực ấy phát triển được.

Trên diễn đàn Quốc hội, cũng nhiều đại biểu đã “truy” đến cùng các "tư lệnh" ngành về trách nhiệm cá nhân. Thay vì đối diện, thẳng thắn nhận trách nhiệm một cách cầu thị, vẫn còn những "tư lệnh" ngành nhận trách nhiệm một cách miễn cưỡng, khá khiêm tốn, “xin nhận một phần trách nhiệm”, nhưng việc xử lý “một phần trách nhiệm” ấy dường như vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Rất mừng, trong các báo cáo của Chính phủ, báo cáo giám sát của Quốc hội gần đây, những điểm sáng, những tồn tại của bộ, ngành, địa phương cũng đã được chỉ đích danh. Điều đó cho thấy, địa chỉ trách nhiệm cũng đã được xác định. Đây là cơ sở rất quan trọng để cử tri giám sát, để các đại biểu Quốc hội có cơ sở để bày tỏ tín nhiệm với các bộ trưởng, trưởng ngành. Chỉ rõ địa chỉ tốt - xấu vừa là áp lực, vừa là động lực để người đứng đầu phát huy hết trách nhiệm cá nhân.

Để xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đề cao trách nhiệm nêu gương và tinh thần gương mẫu của người đứng đầu, Nghị quyết số 45/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ, thành viên Chính phủ chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ phải rõ ràng, cụ thể về chủ thể chịu trách nhiệm và bảo đảm tính khả thi. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Nghị quyết của Chính phủ đã có, vấn đề còn lại là sớm bắt tay triển khai tinh thần này thành các chương trình hành động cụ thể. Đây là phần việc mà Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho từng thành viên Chính phủ, cũng là điều mà cử tri và Nhân dân đặt kỳ vọng vào bộ máy Chính phủ của nhiệm kỳ này.

Song Hà