Rõ tiêu chí và minh bạch trong thực hiện

- Thứ Ba, 06/07/2021, 06:38 - Chia sẻ
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP với mục tiêu hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động...

Theo đó, việc hỗ trợ ngân sách nhà nước thực hiện như sau: Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương trên 60% tự bảo đảm kinh phí thực hiện. Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc 80% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên. 60% mức thực chi đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách còn lại. 40% mức thực chi đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương còn lại. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định tại Nghị quyết.

Đặc biệt, Nghị quyết nêu rõ, nguyên tắc là phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền, trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung quy định tại điểm 7, điểm 8 Mục II của Nghị quyết chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia. Phải phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, bảo đảm mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ.

Có thể thấy mục tiêu mà nghị quyết hướng tới tập trung chủ yếu vào người lao động và người sử dụng lao động. Nguyên tắc thực hiện cũng rõ ràng là phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, thiết kế chính sách đơn giản nhất dễ tiếp cận, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính. Đây là những tiền đề quan trọng để gói hỗ trợ thực sự phát huy hiệu quả, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện như thế nào vì việc triển khai gói hỗ trợ lần 1 trị giá 62.000 tỷ đồng đã không đạt kết quả như mong đợi khi sau hơn một năm triển khai mới chỉ giải ngân được trên 13.100 tỷ đồng là "minh chứng" rõ nhất.

Nguyên nhân dẫn đến việc này, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là do thời gian nghiên cứu, ban hành chính sách quá ngắn khiến quá trình đánh giá tác động, lấy ý kiến góp ý chưa thực sự đầy đủ, chưa sát thực tiễn khiến người lao động, doanh nghiệp khó tiếp cận. Cụ thể, khi nghiên cứu chính sách vào thời điểm cuối tháng 3.2020 - khi dịch chưa được kiểm soát nên dự báo số người bị ảnh hưởng tương đối lớn, thời gian hỗ trợ dài. Tuy nhiên nước ta đã sớm kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 5.2020. Việc giãn cách, cách ly kết thúc sớm và các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần khôi phục; hầu hết nhóm lao động, hộ kinh doanh chỉ được hỗ trợ trong tháng 4, mức hỗ trợ thấp nên nhiều hộ không mặn mà...

Ngoài ra còn có nguyên nhân khác như việc lập danh sách lao động tự do gặp khó khăn; nhiều địa phương lúng túng trong triển khai; một số nơi thận trọng, cầu toàn, sợ sai sót nên thủ tục phê duyệt chậm. Cá biệt có cơ sở yêu cầu các thủ tục hành chính phát sinh gây phiền hà...

Như vậy có thể thấy, những hạn chế trong quá trình thiết kế cơ chế giải ngân gói hỗ trợ lần 1 chưa đạt hiệu quả như mong muốn chủ yếu là từ khách quan. Do vậy trong lần hỗ trợ này, phải khắc phục cho được. Đó là các thủ tục phải đơn giản để gói hỗ trợ có thể đến với người lao động, doanh nghiệp nhanh và trong lúc cần nhất. Đặc biệt, phải rõ ràng về tiêu chí, minh bạch trong quá trình thực hiện. Phải gắn với trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương và người đứng đầu trong thực hiện giải ngân.

Để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, quy mô của các gói hỗ trợ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là nguồn vốn phải rõ ràng, cơ chế giải ngân nhanh, hiệu quả, minh bạch - sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều thay vì chỉ nhìn vào quy mô của gói.

Ninh Hà