Quốc hội và Cử tri

Rõ thách thức hiện hữu để hành động quyết liệt, đồng bộ

Diệp Anh 23/05/2025 16:19

Phát biểu tại tổ sáng 23/5, đại biểu Hoàng Trung Dũng (Hà Tĩnh) - Tổ trưởng Tổ 3 nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiều biến động, sự đồng thuận từ cơ sở chính là nền tảng triển khai thành công các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cần nhìn rõ những thách thức hiện hữu để hành động quyết liệt, đồng bộ.

Hiện thực hóa chủ trương từ đồng thuận của Nhân dân

Phát biểu tại tổ, đại biểu Hoàng Trung Dũng khẳng định: bên cạnh những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh thời gian qua cũng được bảo đảm; Nhân dân tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng… “Một trong những biểu hiện rõ nét nhất chính là sự đồng thuận rất cao trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Đây là một công cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy hành chính, tạo Lan tỏa tích cực ngay từ cơ sở”, đại biểu nhấn mạnh.

z6630433115802_9508d7679debcfbace517d641aaea670.jpg
ĐBQH Hoàng Trung Dũng (Hà Tĩnh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Theo đại biểu, việc tổ chức lấy phiếu cử tri để trình phương án sắp xếp lên cấp có thẩm quyền,đã thể hiện rõ tinh thần dân chủ và tạo được sự đồng thuận rộng rãi. “Hà Tĩnh chúng tôi và các tỉnh, thành khác đều cho thấy sự đồng thuận rất cao trong việc triển khai chủ trương này”, đại biểu cho biết.

Cùng với sắp xếp hành chính, đại biểu Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh thêm một chủ trương lớn khác là chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội bền vững. “Hà Tĩnh trước đây còn nhiều hộ ở nhà tránh tre, dột nát. Nhờ chủ trương này, đến nay nhiều hộ dân đã có thể xây dựng nhà kiên cố, ổn định cuộc sống… Đây là một chính sách rất nhân văn, tạo được sự đồng thuận lớn, kêu gọi được sự ủng hộ mạnh mẽ của doanh nghiệp và cộng đồng”, đại biểu chia sẻ.

Về hạ tầng giao thông, đại biểu nhận định đã có những khởi sắc rõ rệt. Đặc biệt, các tỉnh miền Trung được hưởng lợi nhiều nhất. Trước đây, từ Hà Tĩnh ra Hà Nội mất 6–7 tiếng đồng hồ; nay rút ngắn còn khoảng 3 tiếng rưỡi đến 4 tiếng nhờ hệ thống đường cao tốc. Cùng với cao tốc, hệ thống giao thông kết nối để phục vụ vận tải, đi lại cũng được đầu tư đồng bộ, cải thiện rõ rệt.

Đại biểu cũng đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt trong công tác đối ngoại, giúp vị thế Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Trong bối cảnh thế giới nhiều nơi đang xảy ra xung đột, bất ổn, Việt Nam vẫn giữ vững được ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; đây chính là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội- đại biểu khẳng định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Hoàng Trung Dũng cho rằng: kinh tế – xã hội hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là tăng trưởng chưa bền vững; khả năng để các địa phương đạt tốc độ tăng trưởng 8% không dễ. Tuy nhiên, theo những con số gần đây, cũng đã xuất hiện một số tín hiệu khả quan, nhưng để đạt mục tiêu "hai con số" trong năm sau thì rõ ràng cần những giải pháp thật sự mạnh mẽ, quyết liệt- đại biểu nêu rõ.

Bên cạnh đó, thu ngân sách nội địa cũng khó có khả năng hoàn thành kế hoạch; lĩnh vực văn hóa – xã hội còn bộc lộ bất cập, đặc biệt là tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan. Vai trò quản lý nhà nước của một số cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, chưa thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và quyền lợi của người dân… Đại biểu nêu ví dụ: rất may thời gian qua có phản ánh từ người dân, từ khán giả trên mạng xã hội về một số sản phẩm kém chất lượng nên đã phát hiện ra sai phạm trong khâu quản lý. Nhưng câu hỏi đặt ra: lâu nay các cơ quan chức năng ở đâu?”

Cũng theo đại biểu, nguồn lực đầu tư cho văn hóa và giáo dục vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Tình trạng lãng phí trong đầu tư công, trong quản lý trụ sở hành chính dôi dư vẫn tiếp diễn, gây bức xúc trong. Nhân dân… Cùng với đó, tình trạng khiếu nại, tố cáo chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hiện, một số nơi, người dân vẫn còn đứng rất nhiều ở các điểm tiếp dân.

Trước đây, tại Hà Tĩnh cũng từng có tình trạng tương tự. Tuy nhiên, sau khi thay đổi phương pháp tiếp dân, tăng cường giải quyết khiếu nại ngay từ cấp cơ sở, người dân không còn khiếu kiện đông người như trước- đại biểu dẫn chứng.

Theo đại biểu Hoàng Trung Dũng, đối với những cá nhân cố tình lợi dụng dân chủ, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối, làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, cần có thái độ rõ ràng và biện pháp xử lý nghiêm minh.

Khắc phục "điểm nghẽn" trong đầu tư công

Từ thực tiễn trên, đại biểu Hoàng Trung Dũng đề xuất: cần rà soát tổng thể, thực chất việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công – nhất là vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. “Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nhiều địa phương có nguy cơ không còn ưu tiên chương trình xây dựng nông thôn mới. Do đó, cần có những giải pháp kịp thời giữ vững động lực”, đại biểu đề xuất.

Về giải ngân vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu cho rằng: các địa phương vẫn chưa chủ động, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Do đó, cần giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

z6630433289432_5f5d484074f6a2f92bd8650968100615.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Khánh Duy

Về tổ chức bộ máy sau sắp xếp, đại biểu nhấn mạnh: cần định hướng rõ ràng cho hoạt động của chính quyền hai cấp, đặc biệt là cấp xã sau sắp xếp, thực hiện mục tiêu: gần dân, sát dân và giải quyết kịp thời kiến nghị, phản ánh của người dân. “Sắp xếp đơn vị hành chính là một cuộc cách mạng trong tổ chức bộ máy, chắc chắn sẽ tạo những khởi sắc, nhưng bước đầu không tránh khỏi khó khăn. Vì vậy, cần xử lý nghiêm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp ”, đại biểu Hoàng Trung Dũng nhận định.

Liên quan đến xử lý trụ sở dôi dư sau sáp nhập, đại biểu đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo cụ thể hơn về phân cấp, phân quyền, xác định rõ mục đích sử dụng cơ sở vật chất. Có thể tận dụng làm nhà văn hóa thiếu nhi, trung tâm dịch vụ công… Nhưng hiện do thiếu hướng dẫn cụ thể nên việc này gặp nhiều khó khăn.

Về văn hóa, đại biểu kiến nghị Chính phủ đầu tư một số công trình có quy mô lớn, quảng bá giá trị Việt Nam, giữ gìn bản sắc dân tộc. Xây dựng không gian văn hóa gắn với danh nhân văn hóa thế giới là cần thiết. Nhưng đến nay, dù có trong Chương trình mục tiêu quốc gia, vẫn chưa có khởi sắc cụ thể để triển khai.

Về văn hóa, đại biểu Hoàng Trung Dũng kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư một số công trình văn hóa có quy mô lớn nhằm quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. “Việc xây dựng các không gian văn hóa gắn với danh nhân văn hóa thế giới là cần thiết. Đây là vấn đề đã được đại biểu nhiều lần nêu tại các diễn đàn, bởi thế giới biết đến Việt Nam qua nhiều kênh, trong đó có Truyện kiều, có đại thi hào Nguyễn Du… Nhưng đến nay, dù có trong Chương trình mục tiêu quốc gia, vẫn chưa có khởi sắc cụ thể...”, đại biểu lưu ý.

Về dạy thêm, học thêm, đại biểu cho rằng cần nhận thức đúng bản chất, trên tinh thần thực tiễn. Học chính khóa chỉ 20.000 đồng/buổi, nhưng học trung tâm lên đến 100.000 đồng… mà chưa chắc tốt hơn. Dạy thêm cũng là cách quản lý học sinh ngoài giờ học chính khóa. Nhiều phụ huynh chọn giải pháp này vì không có điểm vui chơi cho con.

Đại biểu cho biết: rất nhiều phụ huynh cho rằng vì không có điểm vui chơi, giải trí, trẻ em ở nhà chủ yếu là chơi trên điện thoại. Vậy nên cho con đi học thêm là vừa giúp rèn luyện, vừa kiểm soát thời gian, thậm chí là một nhu cầu chính đáng của phụ huynh… Vì vậy, cần định hình, khảo sát lại toàn diện và có chủ trương mới, phù hợp với thực tiễn.

Liên quan đến bình đẳng giới, đại biểu Hoàng Trung Dũng cho biết: hiện chưa rõ cơ quan chủ trì lĩnh vực này. Trước đây do Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó chuyển cho Hội LHPN, nhưng hiện chưa rõ đơn vị nào. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai cụ thể Luật Bình đẳng giới, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, để công tác bình đẳng giới mới đi vào thực chất.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Trung Dũng đánh giá thời gian gần đây, báo chí đã hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích hơn. Sau quá trình sáp nhập đơn vị hành chính, tổ chức lại hệ thống báo chí, nhiều cơ quan đã nhìn rõ vai trò và vị trí của mình. Bên cạnh đó, mạng xã hội vẫn là một thách thức lớn. Theo đại biểu, trong thời gian tới, cần đề ra các giải pháp mạnh tay hơn, như cách một số quốc gia đã làm, tránh để người dân bị chi phối bởi các nguồn tin sai lệch trên mạng xã hội.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Rõ thách thức hiện hữu để hành động quyết liệt, đồng bộ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO