Rõ nguyên nhân, lộ trình khắc phục
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Lạng Sơn Khóa XVI diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn. Nhiều vấn đề dân sinh bức xúc như: Xử lý triệt để ô nhiễm nhà máy sản xuất da Nguyên Hồng, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án kè sông Kỳ Cùng… đã được các đại biểu yêu cầu làm rõ nguyên nhân và lộ trình khắc phục, giải quyết.
Tăng cường quản lý việc xử lý rác thải
Năm 2005, Công ty Cổ phần Thương mại sản xuất da Nguyên Hồng (Công ty Nguyên Hồng) xây dựng nhà máy sản xuất, sơ chế thuộc da, sản xuất gelatin tại xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng). Năm 2008, nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động. Tuy nhiên, ngay sau khi đi vào hoạt động, nhà máy đã gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới người dân sống xung quanh.
Theo phản ánh của cử tri tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh, do không xử lý triệt các bể hóa chất và che chắn kỹ nên mùi hôi thối tỏa ra nồng nặc. Nhiều năm nay, người dân xã Tân Mỹ đã phản ánh hành vi gây ô nhiễm của Nhà máy chế biến da Nguyên Hồng đến các cấp chính quyền, kiến nghị làm rõ có hay không việc xả thải trực tiếp của nhà máy ra môi trường. Nếu thực sự nhà máy vi phạm, phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tại phiên chất vấn, vấn đề ô nhiễm của nhà máy sản xuất, sơ chế thuộc da, sản xuất gelatin của Công ty Nguyên Hồng tiếp tục được đại biểu Đường Thị Xuyến đặt ra cho lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường. Trước yêu cầu của đại biểu về thực trạng, nguyên nhân và hướng xử lý liên quan đến nhà máy này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Chu Văn Thạch cho biết: Theo đề án xây dựng, nhà máy được phép xây dựng trên quy mô xây dựng với diện tích 19.500m2, công suất mỗi năm sản xuất 5.000 tấn da. Trước khi khởi công, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu công ty phối hợp với cơ quan chức năng địa phương đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, Công ty vẫn chưa tiến hành đánh giá tác động môi trường sau khi thay đổi diện tích dự án.
Sau khi nhận phản ánh từ người dân, ngày 18.6 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cử đoàn thanh tra và đã đưa ra kết luận: Môi trường không khí xung quanh có mùi hôi nhẹ phát tán môi trường xung quanh gây ảnh hưởng tới người dân sinh sống tại đây. Mẫu nước thải được tiến hành kiểm nghiệm đạt ngưỡng cho phép. Kết quả đã được Sở gửi tới UBND huyện Văn Lãng để thông báo người dân nắm bắt thông tin. Về phương án giải quyết về tình trạng mùi hôi gây ảnh hưởng người dân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Các cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt hoạt động của nhà máy, nếu tiếp tục để ra sai phạm sẽ xử lý kịp thời nghiêm minh. Sở cũng yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương tiến hành quan trắc, đánh giá lại tác động môi trường để có những đánh giá chính xác nhất.
Làm rõ thêm vấn đề đại biểu đặt ra, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục giám sát hoạt động Nhà máy trong thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước; có biện pháp hạn chế, giảm thiểu tối đa mùi hôi phát tán ra môi trường; tiếp tục ghi nhận phản ánh của cử tri thông qua dư luận và đường dây “nóng” của Sở, nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ xử phạt vi phạm hành chính.
Điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Nghiệm yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường quản lý việc xử lý rác thải của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động của Công ty Cổ phần Thương mại sản xuất da Nguyên Hồng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình đưa ra câu hỏi chất vấn tại hội trường |
Ảnh: Thanh Bình
Cuối năm 2020, hoàn thành dự án kè sông Kỳ Cùng
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vấn đề tiến độ triển khai Dự án kè sông Kỳ Cùng cũng được đại biểu HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm. Đây là một trong những công trình quan trọng của TP Lạng Sơn cũng như tỉnh Lạng Sơn với tổng mức đầu tư hơn 288 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã triển khai sang giai đoạn 3 với vị trí xây dựng công trình nằm ở bờ phải và bờ trái sông Kỳ Cùng thuộc phường Tam Thanh và phường Chi Lăng. Tổng chiều dài kè gần 4.200m bao gồm: Nhánh bờ phải dài 1.979m; nhánh bờ trái dài 1.986m và 4 nhánh suối dài 245m.
Mặc dù là dự án quan trọng, phục vụ công tác phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, đến nay, khi mùa mưa bão đang đến gần và nguy cơ lũ lụt luôn hiện hữu, dự án vẫn đang được triển khai hết sức ì ạch. Chất vấn lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đại biểu Nguyễn Thanh Bình yêu cầu làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc chậm tiến độ của dự án. Đồng thời, đề nghị, cần sớm đưa ra các biện pháp chỉ đạo nhà thầu sớm hoàn thành các hạng mục.
Ông Dương Công - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh thừa nhận: Nội dung phản ánh của đại biểu hoàn toàn đúng với thực tế. Theo đó, năm 2018, đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành khối lượng kè trên địa bàn phường Chi Lăng. Tuy nhiên, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đối với 3 hộ dân nên hạng mục gia cố cửa suối Thụ Phụ chưa thể hoàn thành. Đến ngày 8.6 vừa qua, UBND thành phố Lạng Sơn mới bàn giao mặt bằng của 2/3 hộ để nhà thầu triển khai thi công. Cộng với việc phải chờ cường độ bê tông bảo đảm rồi mới tiếp tục làm tiếp nên mới có hiện tượng ngày nghỉ ngày làm. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã yêu cầu nhà thầu cần tập trung cao độ về máy móc, nhân lực… để đẩy nhanh thi công, hạng mục nào hoàn thành hạng mục đấy.
Ông Dương Công cho biết thêm: Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền thành phố Lạng Sơn và các cơ quan liên quan nhằm hỗ trợ nhà thầu, tỉnh cũng cần ưu tiên vốn cho dự án tạo nguồn lực ổn định, thúc đẩy tiến độ thực hiện; kiên quyết xử lý nhà thầu nếu có các hành vi vi phạm, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án, đặt mục tiêu cuối năm 2020 sẽ hoàn thành toàn bộ khối lượng công trình.