Rõ hơn quyền chủ động thực hiện giám sát của công đoàn
Tại hội nghị TXCT chuyên đề và khảo sát việc tổ chức, thi hành Luật Công đoàn của Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình mới đây, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật. Từ đó, kiến nghị quá trình sửa đổi Luật cần quy định rõ hơn về quyền chủ động thực hiện giám sát của công đoàn. Đồng thời, bổ sung quy định về miễn, giảm kinh phí công đoàn khi doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh.
Bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình Nguyễn Mạnh Cương, ngay sau khi Luật Công đoàn 2012 được ban hành, nhiều cấp ủy đã có văn bản chỉ đạo, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chủ động thực hiện. Từ đó, tạo thuận lợi trong mối quan hệ công tác giữa công đoàn với chính quyền để phối hợp thực hiện tốt chức năng, quyền, trách nhiệm của các bên theo quy định.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, chất lượng, hiệu quả của hoạt động công đoàn ngày càng được nâng cao. Việc thực hiện quyền đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động luôn được các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh quan tâm. Nhờ vậy, đã đem lại kết quả tích cực nổi bật, như: Liên đoàn Lao động tỉnh thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong tham mưu với Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch liên quan trực tiếp đến người lao động và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; tham gia góp ý kiến các văn bản, đề xuất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội điều chỉnh áp dụng tiền lương tối thiểu vùng trên địa bàn tỉnh (TP. Hòa Bình và huyện Lương Sơn từ vùng III lên vùng II tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP), cải thiện đời sống đoàn viên công đoàn, người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu với mức sống tối thiểu.

Đặc biệt, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ, tặng quà, xây nhà “Mái ấm công đoàn”, hưởng chính sách ưu đãi khi mua hàng hóa, dịch vụ, thăm hỏi tặng quà với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng cho công nhân lao động nhân dịp Tết sum vầy, Tháng Công nhân…
Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, các cấp công đoàn luôn quan tâm, phối hợp tham gia với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động. Đặc biệt là lao động trong các doanh nghiệp nhằm kịp thời phát hiện, kiến nghị giải quyết những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện. Các cấp công đoàn cũng tham gia tích cực vào hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật. Qua hơn 10 năm, các cấp công đoàn đã tiếp nhận và giải quyết 254 đơn khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng thực thi các quy định pháp luật của doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Ngăn ngừa, xử lý các hành vi phân biệt đối xử
Trên cơ sở quy định của Luật Công đoàn về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, trong những năm qua, đội ngũ công nhân viên chức lao động đã tiếp tục phát triển về số lượng, chất lượng và có nhiều đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của địa phương. Tính đến hết năm 2023, tỉnh Hòa Bình có 1.060 công đoàn cơ sở với gần 64.000 đoàn viên. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy với 5 ban chuyên trách, 10 Liên đoàn lao động huyện, thành phố và 5 công đoàn địa phương.
Tuy nhiên, thực tiễn quá trình triển khai thi hành Luật Công đoàn năm 2012 trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn, nhất là tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn rất nhức nhối. Một bộ phận người lao động bị treo quyền lợi về BHXH do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn gây ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động…
Mặt khác, một số quy định của Luật Công đoàn hiện hành vẫn mang tính khái quát, khó áp dụng trong thực tế. Trên cơ sở đó, các đại biểu đại diện cho Liên đoàn Lao động các cấp, công đoàn các ngành, đơn vị đã kiến nghị, việc sửa đổi Luật Công đoàn cần quy định chế tài cụ thể, phù hợp và khả thi để ngăn ngừa, xử lý các hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động và tổ chức công đoàn; quy định rõ hơn về quyền chủ động thực hiện giám sát của công đoàn...
Ngoài ra, việc quy định miễn, giảm kinh phí 2% công đoàn cùng với các chính sách miễn giảm thuế khi doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ làm giảm gánh nặng chi phí, giúp cho doanh nghiệp duy trì sự tồn tại, giảm số doanh nghiệp bị “đào thải” khỏi thị trường, bảo vệ việc làm cho người lao động. Do vậy, cần xem xét bổ sung quy định về miễn, giảm kinh phí công đoàn khi doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh trong quá trình sửa đổi Luật.
Trên cơ sở ý kiến của thành viên Đoàn khảo sát và đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc đề nghị, Liên đoàn Lao động tỉnh bổ sung một số nội dung để hoàn thiện báo cáo. Đối với những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp báo cáo gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trong thời gian tới.