Chính trị

Rõ đối tượng thụ hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt để tạo đột phá thực chất

Hải Thanh - Lê Nguyên 15/05/2025 20:17

Chiều 15/5, thảo luận tại Tổ 11 (gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Sơn La, Long An, Vĩnh Long) về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật..., các ĐBQH cho rằng: cần phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng đối tượng thụ hưởng chính sách đặc biệt nhằm bảo đảm tính hiệu quả, minh bạch, tạo đột phá thực chất của các chính sách khi đi vào thực tiễn.

Đánh giá kỹ các đối tượng thụ hưởng

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đa số các ĐBQH tổ 11 bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với nội dung cũng như sự cần thiết ban hành Nghị quyết trong bối cảnh hiện nay là rất phù hợp. Tuy nhiên, để nghị quyết ngay sau khi được ban hành đi vào cuộc sống, cần sửa đổi, bổ sung một số Điều, khoản.

QUang Canh ngay 15
Quang cảnh thảo luận tổ 11, chiều 15/5. Ảnh: Lê Nguyên

Cụ thể, tại Điều 5 về xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, ĐBQH Hoàng Thị Đôi ( Sơn La) cho rằng: quy định thực hiện các chính sách đặc thù, vượt trội, áp dụng chế độ thù lao, thuê khoán tương xứng để thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia các nhiệm vụ, hoạt động xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật; có cơ chế, chính sách kéo dài thời gian công tác, không giữ chức vụ cho một số cán bộ, công chức đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc về xây dựng pháp luật; thu hút, tiếp nhận chuyên gia, nhà khoa học pháp lý, luật gia, luật sư giỏi vào khu vực công; hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng đối với người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị... các cơ chế này là cần thiết, song đại biểu cho rằng: cần rà soát cụ thể các đối tượng nhằm bảo đảm đầy đủ chế độ chính sách theo chủ trương tại Nghị quyết số 66-NQ/TW gắn với cơ cấu tổ chức, chức năng của từng cơ quan, đơn vị.

Doi 15
ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La) phát biểu thảo luận tại Tổ, chiều 15/5. Ảnh: Lê Nguyên

Cũng nhấn mạnh Nghị quyết được ban hành thời điểm này thể hiện sự thống nhất về cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn cần thiết ban hành Nghị quyết (Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, góp ý về chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật, ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) cho rằng: Điều 7 dự thảo Nghị quyết quy định: Người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp)... là chưa phù hợp và đầy đủ.

Minh Binh 15
ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) phát biểu thảo luận. Ảnh: Lê Nguyên

Lý giải vấn đề này, đại biểu cho biết: phụ lục 1 chỉ quy định đối tượng đối với địa phương chỉ có: Ban Pháp chế thuộc HĐND cấp tỉnh (đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách); Sở Tư pháp (Phòng có chức năng xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp, 1 Phó Giám đốc Sở Tư pháp phụ trách công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật), mà chưa thấy một số đối tượng là người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật ở địa phương mà chưa được thể hiện trong dự thảo nghị quyết như: Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Kinh tế - Ngân sách. Trong khi đó, các Ban này đều nghiên cứu, thẩm tra, trình Hội đồng nhân dân ban hành các VBQPPL về chiến lược phát triển KT-XH, do đó chỉ quy định như dự thảo là chưa phù hợp.

Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hưởng chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật ở địa phương tại phụ mục 6 gồm: đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, cán bộ tham mưu, giúp việc trực tiếp cho các Ban HĐND tỉnh, xã, công chức tư pháp các xã, phường; Ban Pháp chế thuộc HĐND cấp tỉnh (đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách); Sở Tư pháp (Phòng có chức năng xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp, 1 Phó Giám đốc Sở Tư pháp phụ trách công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật).

DB Ngan 15
ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) phát biểu. Ảnh: Lê Nguyên

ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cũng cho rằng: đây là nghị quyết quan trọng, có tính đặc thù nên để Nghị quyết có tác động tích cực ngay khi được ban hành, đề nghị cần rà soát cũng như đánh giá kỹ các đối tượng thụ hưởng và nguồn lực bảo đảm.

Liên quan đến Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách pháp luật (Điều 6), đại biểu cho rằng: việc thành lập quỹ này nhằm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước và hỗ trợ cho các hoạt động xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, nhưng hiện dự thảo Nghị quyết mới chỉ nêu nội dung “nhận và sử dụng” quỹ, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm, cũng như chế tài xử lý vi phạm khi có sai sót, lợi dụng trong quá trình triển khai. Đơn cử như, nếu cá nhân hoặc tổ chức quản lý quỹ nhận nguồn lực nhưng sử dụng sai mục đích, định hướng chính sách sai thì sẽ bị xử lý như thế nào?, đại biểu lấy ví dụ, đồng thời đề nghị bổ sung nội dung này một cách rõ ràng để bảo đảm tính minh bạch, phòng chống tham nhũng, tránh lãng phí và tiêu cực trong sử dụng quỹ.

Ngoài ra, góp ý vào Điều 8 về nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân cho rằng: Tên điều, khoản này là “Bảo đảm và nâng cao chất lượng nhân lực”, nhưng trong nội dung lại bao gồm cả các chính sách thu hút, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, có chứng chỉ... Đại biểu đề nghị nên tách bạch, những nội dung liên quan đến “đào tạo, nâng cao chất lượng” nên giữ nguyên tại Điều 8; các nội dung về thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ nên tách thành một điều khoản riêng để không bị lẫn lộn.

Các chính sách phải rất cụ thể, rõ đối tượng

ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với dự thảo Nghị quyết Quốc hội về việc ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân. Theo đại biểu, các nội dung của Nghị quyết đã thể hiện rõ tinh thần thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, trong đó nêu ra nhiều chính sách rất đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân như đổi mới về thể chế, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, hỗ trợ cho khoa học chuyên sâu, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, để Nghị quyết đi vào đời sống, cần phải có các chính sách rất cụ thể, rõ đối tượng, rõ mức hỗ trợ, rõ nguồn tài chính; đồng thời phải cụ thể hóa chủ trương hỗ trợ này như thế nào cho hiệu quả.

Hue 15
ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) phát biểu thảo luận. Ảnh: Lê Nguyên

Liên quan đến quy định về cải thiện môi trường (Chương 2 dự thảo Nghị quyết), ĐBQH Nguyễn Thị Huế cho rằng, tại Điều 4 quy định về nguyên tắc trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực và cạnh tranh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, song hiện điều này mới tập trung vào các hoạt động thanh tra, kiểm tra mà chưa có nội dung cụ thể về cấp phép, chứng nhận và tiếp cận nguồn lực. Đại biểu cho rằng, hiện nay thủ tục hành chính vẫn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong các quy trình cấp phép, chứng nhận và tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nguồn lực của Nhà nước.

Do đó, đề nghị cần bổ sung các nội dung về cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép, chứng nhận, cũng như trong việc tiếp cận nguồn lực vào Điều 4. Bên cạnh đó, cần cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết. "Việc này sẽ phù hợp với quy định tại Điểm a, khoản 4, Điều 16, khi giao Chính phủ trong năm 2025 phải hoàn thiện việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, chồng chéo, gây cản trở doanh nghiệp tư nhân"- đại biểu nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại Khoản 1, Điều 7, dự thảo Nghị quyết quy định việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận địa điểm, mặt bằng sản xuất kinh doanh, theo đó các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, vườn ươm, với danh mục các hạng mục hỗ trợ như: bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng, hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, thông tin liên lạc... ĐBQH Nguyễn Thị Huế cho rằng: Đây là quy định rất cần thiết, giúp các địa phương chủ động nguồn lực để thực hiện. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất trong quá trình triển khai, cần bổ sung các nội dung này vào dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), đặc biệt là Khoản 11 Điều 8 quy định về nhiệm vụ chi ngân sách, vì hiện nay chưa bao quát đầy đủ các nội dung trên.

Góp ý vào Điều 11 dự thảo Nghị quyết quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, tại Khoản 1 quy định: các gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước có giá không quá 20 tỷ đồng sẽ ưu tiên dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm chủ ở miền núi, biên giới, hải đảo, ĐBQH Nguyễn Thị Huế cho rằng đây là chính sách nhân văn, song cần cân nhắc lại mức 20 tỷ đồng, bởi đây là giá trị khá lớn với những gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao, mà doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể khó đáp ứng. “Việc này có thể dẫn đến đấu thầu lại, kéo dài thời gian thực hiện. Do đó, cần cân nhắc sửa đổi sao cho phù hợp, bảo đảm cả doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp có năng lực đều có thể tham gia”- đại biểu nhấn mạnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Rõ đối tượng thụ hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt để tạo đột phá thực chất
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO