Rõ điều kiện, tiêu chí xóa nợ đọng thuế

Song Hà 10/03/2019 08:11

Tại Hội thảo do Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức mới đây, các ý kiến đều tán thành với việc cần ban hành nghị quyết về xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách (nghị quyết xử lý nợ đọng thuế). Tuy nhiên, cần rõ điều kiện, tiêu chí xóa nợ, khoanh nợ để bảo đảm việc xử lý nợ đọng thuế công bằng, công khai, đúng pháp luật.

Gỡ khó về tài chính cho doanh nghiệp

Đánh giá về tình hình nợ đọng thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính Phi Vân Tuấn cho biết, mặc dù thu hồi nợ đọng thuế tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân từ 2011 - 2017 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm. Tuy vậy, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31.12.2017 là 78.466 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số người nộp thuế được pháp luật xác định là đã chết, mất tích, mất khả năng hành vi dân sự với tổng số tiền thuế nợ là 247,5 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng số nợ đọng; có 14.816 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định với số tiền nợ đọng là 1.485 tỷ đồng; có 256 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định với số tiền nợ đọng là 688 tỷ đồng và có hơn 620.000 người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế với số tiền nợ đọng là 21.846 tỷ đồng. Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày trên số tiền chậm nộp. Tuy nhiên, do người nộp thuế bị coi là chết, mất tích hoặc tự giải thể, phá sản không có khả năng nộp thuế nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng qua thời gian. Tổng số tiền chậm nộp lên đến 12.273 tỷ đồng trên sổ sách kế toán của cơ quan thuế. Thực tế, khoản tiền này không có khả năng thu hồi.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, việc ban hành nghị quyết xử lý nợ đọng thuế sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý nợ đọng thuế cũ theo quy định pháp luật cũ. Nếu nợ đọng thuế của thời kỳ cũ không đủ điều kiện xử lý thì phải thực hiện theo Luật Quản lý thuế mới, không được phép tự động xóa khoản nợ thuế đó đi được. Theo đánh giá của đại diện Bộ Tài chính, việc ban hành nghị quyết sẽ giảm số nợ đọng thuế (khoảng 27.753 tỷ đồng), giảm gánh nặng phải quản lý nợ thuế không còn khả năng thu vào ngân sách, giảm chi phí cho Nhà nước vì không phải mất chi phí, vật lực, nhân lực tham gia theo dõi, quản lý những khoản nợ không còn đối tượng để thu. Từ đó giúp cơ quan thuế, hải quan có điều kiện tập trung nguồn lực vào việc quản lý và đôn đốc các khoản nợ có khả năng thu, tăng cường hiệu lực và hiệu quả trong quản lý thuế, chống thất thu, tăng thu cho ngân sách. Xóa nợ đọng thuế sẽ góp phần làm minh bạch số liệu, dữ liệu tiền nợ thuế và phản ánh đúng bản chất của các khoản nợ thuế để xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước…

Nhấn mạnh việc cần thiết ban hành Nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, mục tiêu trình QH ban hành Nghị quyết này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, quan điểm của QH và Chính phủ đối với việc quản lý nợ thuế. Việc xử lý tiền chậm nộp và tiền phạt chậm nộp nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp có phát sinh nợ thuế do gặp nguyên nhân bất khả kháng, xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm không có khả năng thu ngân sách do người nộp thuế đã phá sản không thực hiện được các thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật; người nộp thuế đã ngừng kinh doanh và cơ quan đã thực hiện việc kiểm tra để xác minh về tài sản, tài khoản, công nợ, những trường hợp này không còn khả năng thu nợ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo Ảnh: Hà An
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo
Ảnh: Hà An

Có nên quy định ngưỡng tối đa?

Liên quan đến việc xóa nợ tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp còn nợ của người nộp thuế, dự thảo Nghị quyết quy định: Xóa nợ tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp còn nợ đến trước ngày 1.1.2019 và không tính tiền chậm nộp phát sinh kể từ ngày 1.1.2019 đến ngày Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực thi hành của người nộp thuế gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, bị bệnh hiểm nghèo hoặc trường hợp bất khả kháng khác… Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính -Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, các trường hợp để khoanh nợ, xóa nợ theo quy định của dự thảo nghị quyết là quá rộng. Do đó, cần rà soát, tính toán kỹ, chỉ nên áp dụng việc xóa nợ đối với những trường hợp thực sự vì yếu tố khách quan và bất khả kháng. Cùng với đó, phải xác định rõ các điều kiện, tiêu chí cụ thể để áp dụng xóa nợ. Trên cơ sở các điều kiện, tiêu chí này sẽ “chiếu” vào từng trường hợp cụ thể. Có như vậy, mới bảo đảm nguyên tắc công bằng, công khai, không tác động đến ngân sách nhà nước, Ủy viên Thường trực Vũ Thị Lưu Mai nói. 

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định về thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp hoặc tiền chậm nộp. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp từ năm 5 tỷ đồng trở lên. Trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi quyết định việc xóa nợ. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp từ một 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng. Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan có thẩm quyền xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp dưới một 1 tỷ đồng... Đồng ý quan điểm phân cấp mạnh thẩm quyền xóa nợ thuế, song Ủy viên Thường trực Vũ Thị Lưu Mai đặt vấn đề, có nên quy định ngưỡng tối đa trong thẩm quyền xóa nợ thuế hay không? Dự thảo Nghị quyết quy định Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp từ năm 5 tỷ đồng trở lên, đây được coi như “mức sàn”, vậy có nên quy định mức trần hay không? Trong trường hợp nào thì cần cấp cao hơn xử lý mà không phải là Bộ trưởng Bộ Tài chính?

Xử lý nợ đọng thuế là vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Do đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng để các quy định về xử lý nợ thuế được minh bạch, đúng đối tượng, không làm thất thu ngân sách nhà nước.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Rõ điều kiện, tiêu chí xóa nợ đọng thuế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO