Giáo dục

RI2 chỉ số đánh giá mức độ toàn vẹn nghiên cứu – một công cụ hiệu quả cảnh báo đạo đức khoa học

PGS.TS Phạm Thanh Phong 30/06/2025 17:55

Hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng chịu áp lực về số lượng công bố và xếp hạng quốc tế, nên có thể vô tình khuyến khích các nhà nghiên cứu chạy theo số lượng công bố thay vì chất lượng, vì vậy vấn đề bảo đảm tính liêm chính trong nghiên cứu trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với các trường đại học, cơ quan quản lý và cộng đồng học thuật.

Tính toàn vẹn trong nghiên cứu

Tính toàn vẹn trong nghiên cứu (Research Integrity) đã được nhiều tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước của các quốc gia trên thế giới quan tâm và đề ra các văn bản nhằm thực hiện và ngăn ngừa các hành vi sai trái trong nghiên cứu khoa học.

Thông thường các tổ chức quốc tế, các trường đại học và các nhà nghiên cứu thường viện dẫn định nghĩa của các tổ chức uy tín như Tuyên bố của Singapore năm 2010 (Singapore Statement on Research Integrity 2010) về tính toàn vẹn nghiên cứu, trong đó đưa ra các nguyên tắc cốt lõi là trung thực, minh bạch, trách nhiệm và công bằng trong nghiên cứu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development- OECD) trong báo cáo “Các cách thực hành tốt nhất để đảm bảo tính toàn vẹn khoa học và ngăn ngừa hành vi sai trái -Best Practices for Ensuring Scientific Integrity and Preventing Misconduct”; Bộ Quy tắc ứng xử về tính toàn vẹn của nghiên cứu (Code of Conduct for Research Integrity) thường gọi là ALLEA (All European Academies) quy định về tính toàn vẹn nghiên cứu của châu Âu và Một số hướng dẫn của Văn phòng về tính toàn vẹn nghiên cứu ORI (Office of Research Integrity, Hoa Kỳ).

tic_3.jpg
Tuân thủ tính toàn vẹn nghiên cứu nhằm bảo đảm kết quả nghiên cứu là đáng tin cậy và có thể kiểm chứng. Ảnh: Internet

Trong tất cả các văn bản trên, tính toàn vẹn nghiên cứu được xem là việc tuân thủ các chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc khoa học trong toàn bộ quá trình nghiên cứu. Điều này bao gồm sự trung thực trong thu thập, phân tích và công bố dữ liệu; minh bạch về quyền tác giả, tài trợ và xung đột lợi ích; trách nhiệm của nhà khoa học trong bảo vệ đối tượng nghiên cứu cũng như uy tín của khoa học. Tuân thủ tính toàn vẹn nghiên cứu nhằm bảo đảm kết quả nghiên cứu là đáng tin cậy và có thể kiểm chứng.

Để có thể xếp hạng rủi ro và mức độ vi phạm tính toàn vẹn trong nghiên cứu, gần đây người ta sử dụng chỉ số RI² (Research Integrity and Intensity).

Chỉ số RI² ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu đánh giá toàn diện không chỉ về hiệu suất mà còn về cấu trúc và đạo đức học thuật. Đây là một công cụ mới, minh bạch, có khả năng phát hiện các điểm yếu tiềm ẩn thường bị bỏ qua bởi các chỉ số truyền thống, từ đó hỗ trợ các tổ chức hoạch định chính sách, phân bổ nguồn lực và nâng cao chất lượng học thuật một cách bền vững.

Chỉ số RI² là gì?

Chỉ số RI² (Research Integrity Indicator) là một chỉ số được đề xuất và thiết kế bởi các nhà nghiên cứu về đạo đức khoa học thoạt đầu từ nhóm STM Integrity Hub hoặc các nhóm nghiên cứu tại châu Âu (như ETH Zurich), sau đó nó được phát triển bởi Giáo sư Lokman Meho (American University of Beirut) để xác định và lập hồ sơ rủi ro nhằm đánh giá mức độ toàn vẹn trong nghiên cứu khoa học – tức là mức độ mà một tạp chí hoặc tổ chức nghiên cứu đảm bảo rằng các quy trình và sản phẩm nghiên cứu tuân thủ các chuẩn mực về đạo đức và học thuật.

Nghiên cứu trên nhằm giải quyết những lo ngại ngày càng tăng về cách xếp hạng đại học toàn cầu chỉ khuyến khích xuất bản dựa trên số lượng và trích dẫn với cái giá phải trả là tính toàn vẹn của nghiên cứu bị vi phạm.

Như vậy RI² là một chỉ số tổng hợp nhằm đánh giá rủi ro tính toàn vẹn nghiên cứu của các tổ chức học thuật hàng đầu trên thế giới.

Cho đến nay, chỉ số này chưa phổ biến rộng như Impact Factor hay h-index, nhưng nó đang dần thu hút sự quan tâm của các tổ chức học thuật và các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh gia tăng các vấn đề liên quan đến gian lận, đạo văn, xuất bản thương mại, xuất bản kém chất lượng và các hành vi không trung thực khác.

Như vậy có thể kì vọng rằng chỉ số RI² sẽ thúc đẩy việc xây dựng một môi trường học thuật lành mạnh hơn, trong đó chất lượng và tính trung thực được ưu tiên hơn số lượng.

Một số đặc điểm chính của RI²:

+ Phân tích các hành vi sai lệch trong nghiên cứu: làm giả số liệu, đạo văn, tác giả ma hoặc thao túng trích dẫn, v.v.

+ Đánh giá các tổ chức và các nhà nghiên cứu: không chỉ đánh giá tác giả mà còn đánh giá cả tạp chí và các trường đại học/viện nghiên cứu.

+ Các tiêu chí quan trọng dùng để xây dựng RI²:

* Tỷ lệ bài bị rút (retractions)/số bài báo khoa học

* Tỷ lệ bài bị nghi ngờ có gian lận về hình ảnh (image manipulation)

* Mức độ minh bạch về dữ liệu thô (raw data availability)

* Việc áp dụng các chính sách về đạo đức xuất bản theo các tiêu chuẩn như COPE, ORCID, CRediT...).

hinh-anh-phuong-phap-nghien-cuu-khoa-hoc-la-gi-2.jpg
Đối với các trường đại học, RI² là công cụ giúp tự đánh giá và tăng cường năng lực quản trị nghiên cứu một cách bền vững. Ảnh: Internet

Chỉ số RI² dùng để làm gì?

Chỉ số RI² được xây dựng nhằm hỗ trợ nhiều đối tượng khác nhau trong hệ sinh thái nghiên cứu. Đối với các trường đại học, RI² là công cụ giúp tự đánh giá và tăng cường năng lực quản trị nghiên cứu một cách bền vững. Đối với các tổ chức xếp hạng, chỉ số này cung cấp nền tảng để tích hợp vào các tiêu chí đánh giá dựa trên liêm chính học thuật.

Các tổ chức tài trợ và cơ quan quản lý giáo dục hoặc khoa học công nghệ có thể sử dụng RI² để phân tích mức độ tin cậy và nhận diện các "khoảng tối" trong hệ thống, phát hiện các rủi ro trong nghiên cứu của từng trường đại học/viện nghiên cứu, từ đó điều chỉnh chính sách phân bổ nguồn lực, kiểm định chất lượng, và đào tạo nhân lực.

Ngoài ra, chỉ số này còn là nguồn tham khảo hữu ích cho các nhà báo, tổ chức giám sát độc lập và giới học thuật trong việc thúc đẩy trách nhiệm và minh bạch trong khoa học.

RI² không phải “xếp hạng” mà đánh giá tính bền vững, liêm chính và rủi ro của quá trình nghiên cứu khoa học

Phương pháp tính chỉ số RI² như sau:

RI² dựa trên hai chỉ số độc lập:

Tỷ lệ R: số lượng bài báo bị rút trên 1.000 ấn phẩm khoa học nhằm thu thập bằng chứng về các vi phạm nghiêm trọng về phương pháp luận, đạo đức hoặc quyền tác giả trên số bài xuất bản trong 2 năm liên tiếp. Dữ liệu thu thập từ Retraction Watch, Medline, Web of Science (WoS).

Tỷ lệ D (Delisted Rate): tỷ lệ phần trăm các ấn phẩm khoa học của một tổ chức xuất hiện trên các tạp chí gần đây đã bị xóa khỏi Scopus hoặc WoS vì không đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng hoặc xuất bản, các hiện tượng gian lận bị cảnh báo lâu nay chẳng hạn tình trạng “công xưởng sản xuất bài báo khoa học -paper mills”, “các tập đoàn trích dẫn chéo -citation cartels”, và “thao túng quá trình bình duyệt ngang hàng -peer review manipulation” được xem xét.

Các chỉ số này được chuẩn hóa và tính trung bình để quy ra điểm số từ 0 đến 1, sau đó sử dụng điểm số này để xếp từng trường đại học/viện nghiên cứu vào một trong năm bậc rủi ro từ rủi ro cao nhất (Cờ đỏ- Red flag) đến Rủi ro thấp (Low Risk) dựa trên nhóm tham chiếu cố định gồm 1.000 trường đại học xuất bản nhiều nhất trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, cũng như các công cụ phân tích khác, RI² cũng có những hạn chế liên quan đến quá trình thu thập dữ liệu bởi RI² chủ yếu dựa vào cơ sở dữ liệu Scopus/WoS, trong khi các công trình khoa học khác trên các tạp chí trong nước hoặc các tạp chí không phải tiếng Anh chưa được tính đến.

Một vấn đề nữa là tên tác giả và tổ chức nghiên cứu vẫn còn ghi không thống nhất nên không thể tránh khỏi sai sót khi nhập liệu.

Ngoài ra, cần phải chú ý rằng RI² không phải là công cụ “xếp hạng” mà mục đích chính là đánh giá tính bền vững, liêm chính và rủi ro của quá trình nghiên cứu khoa học. Do đó, dù đang được thử nghiệm ở một số quốc gia, chỉ số này vẫn cần thời gian để được chấp nhận, tinh chỉnh, và tích hợp vào các hệ thống đánh giá chính thức.

Nếu như các bảng xếp hạng đại học hiện nay nhấn mạnh vào số các công trình khoa học và số trích dẫn, thường bỏ qua các hoạt động đáng ngờ như xuất bản trên các tạp chí săn mồi hoặc tạp chí bị loại khỏi các danh mục uy tín như Scopus/WOS, thổi phồng số lượng công trình khoa học thông qua việc ghi nhiều đơn vị công tác (multi-affiliations) cùng một lúc của các tác giả công trình nhằm tăng số lượng xuất bản; gian lận trích dẫn thông qua tự trích dẫn và mạng lưới trích dẫn lẫn nhau, và giao vai trò tác giả chính cho những người không có liên hệ thực chất với đơn vị (tác giả ngoài đơn vị là tác giả chính của công trình), thì chỉ số RI² chuyển trọng tâm từ số lượng sang tính toàn vẹn, cung cấp một công cụ thận trọng, minh bạch và được đối sánh toàn cầu, nhằm làm nổi bật những điểm dễ tổn thương trong hệ thống mà các bảng xếp hạng thường bỏ sót.

Tuy nhiên, có tranh luận về việc đồng nhất mọi công bố khoa học bị rút, bất kể mức độ nghiêm trọng, có thể gây đánh giá sai lệch. Trong ấn bản mới nhất (tháng 6/2025), Giáo sư Lokman Meho đã phân loại cấp độ rủi ro dựa vào chỉ số RI² như trình bày ở bảng trên cho thấy: 1500 trường đại học/ Viện nghiên cứu có công bố khoa học cao nhất như bảng dưới đây. Cần lưu ý cách thu thập dữ liệu trong bảng này là đối với số bài báo bị rút là số liệu của các năm 2022 và 2023, trong khi các bài báo bị loại khỏi hệ thống Scopus hoặc Web of Science được lấy từ 2 năm 2023 và 2024.

Và cũng dựa vào cách tính toán này, mọi người có thể tìm thấy danh sách các trường đại học/Viện nghiên cứu của các quốc gia có mức độ rủi ro về tính toàn vẹn trong nghiên cứu cao, đơn cử như Trung Quốc, số lượng khảo sát là 335 trường thì có đến 19 trường báo động đỏ (Red flag) và 50 trường rủi ro cao (High risk), Ấn Độ khảo sát 73 trường thì có đến 32 trường báo động đỏ và 5 trường rủi ro cao. Riêng khối Đông Nam Á, có thể tham khảo bảng sau:

Quốc gia
Tổng số trường được khảo sát
Mức độ rủi ro
Rủi ro rất cao
Rủi ro cao
Rủi ro đáng kể
Rủi ro vừa phải
Rủi ro thấp
Brunei
0
Indonesia
13
5
3
5
0
0
Laos
0
Malaysia
15
6
6
2
1
0
Myanmar
0
Philippines
1
0
0
0
0
1
Singapore
2
0
0
0
0
2
Thailand
9
0
2
1
6
0
Timor-Leste
0
Viet Nam
4
1
2
1
0
0

Nhìn vào bảng trên chúng ta có thể thấy ngay là Indonesia và Malaysia là 2 quốc gia có mức độ vi phạm về tính toàn vẹn nghiên cứu cao nhất. Riêng Việt Nam có 4 trường đại học được đánh giá như bảng dưới đây:

Trong đó, Đại học Duy Tân ở mức rủi ro rất cao và xếp hạng 70 thế giới về vi phạm tính toàn vẹn của nghiên cứu, Đại học Quốc gia Hà Nội (hạng 176 thế giới) và Đại học Bách khoa Hà Nội (hạng 204 thế giới) ở mức rủi ro cao và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (hạng 380 thế giới) ở mức độ rủi ro vừa phải.

Đây là các chỉ số không mấy vui khi 4 trường đại học lớn của Việt Nam đều rơi vào nhóm xếp hạng cao về vi phạm tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học.

Sự ra đời của chỉ số RI² đánh dấu một bước chuyển quan trọng từ cách tiếp cận thiên về số lượng sang hướng tiếp cận dựa trên tính liêm chính và rủi ro hệ thống trong nghiên cứu khoa học.

Với khả năng phản ánh các hành vi công bố thiếu minh bạch, phân tích mối quan hệ giữa tác giả và đơn vị công tác, cũng như cung cấp dữ liệu có thể đối sánh toàn cầu, RI² không chỉ là công cụ đánh giá mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của từng cá nhân và tổ chức trong việc gìn giữ đạo đức khoa học.

Việc áp dụng RI² trong quản trị và hoạch định chính sách sẽ giúp xây dựng một nền khoa học trung thực, hiệu quả, đáng tin cậy và bền vững hơn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        RI2 chỉ số đánh giá mức độ toàn vẹn nghiên cứu – một công cụ hiệu quả cảnh báo đạo đức khoa học
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO