Rau quả gặp khó ở thị trường Trung Quốc

- Thứ Hai, 27/09/2021, 05:44 - Chia sẻ
Thời gian qua, Trung Quốc thắt chặt các biện pháp kiểm dịch thực vật khiến rau quả của nước ta xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Một chuyến xe từ cửa khẩu Việt Nam sang tới Quảng Tây mất 10 ngày thay vì 3 ngày như trước, khiến chất lượng trái cây suy giảm, chi phí tăng cao.
Nguồn: ITN

Chi phí vận chuyển tăng gấp đôi 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2021 xuất khẩu rau quả đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với hơn 1,45 tỷ USD, chiếm 58,02% thị phần. Tuy nhiên, từ tháng 5, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc liên tục giảm, trung bình mỗi tháng giảm 15% so với tháng trước. Mặt hàng giảm nhiều nhất là thanh long, xoài, nhãn.         

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) Đặng Phúc Nguyên cho biết, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, tại các cửa khẩu đường bộ, trong số 9 mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay chỉ có măng cụt được ký Nghị định thư về kiểm dịch thực vật. 8 mặt hàng còn lại gồm thanh long, xoài, nhãn… chưa có Nghị định thư chính thức nên khi hàng qua cửa khẩu, Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt hơn, tăng thời gian và số lượng lấy mẫu. Ví dụ thanh long kiểm tra 100% mẫu dẫn đến thời gian thông quan lâu hơn, gây ùn ứ tại cửa khẩu.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc vận chuyển hàng hóa trong nước cũng gặp khó khăn, chuỗi cung ứng tại các vùng nguyên liệu bị đứt gãy khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả không có đủ nguồn hàng cung cấp cho đối tác. Người lao động tại các khu công nghiệp và nhà máy hồi hương nhiều nên doanh nghiệp bị giảm năng suất, lượng hàng xuất khẩu theo đó giảm mạnh.

Có nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu trái cây, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (Long An) cho biết, trước đây, một chuyến xe từ cửa khẩu Việt Nam sang Quảng Tây (Trung Quốc) nhiều nhất mất 3 ngày nhưng hiện nay lên tới 10 ngày. Vì vậy, chất lượng trái cây suy giảm, chi phí tăng cao do tất cả hàng hóa đều phải được bảo quản lạnh để giữ độ tươi. "Một xe chở hàng chỉ chạy được 1 chuyến/tháng hay vì 3 chuyến như trước. Chi phí vận chuyển tăng gấp đôi, từ 50 triệu đồng/xe lên hơn 100 triệu đồng. Đối với tuyến đường thủy hiện chi phí đã tăng hơn 40%", ông Huy cho biết.

Đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường

Vinafruit cho rằng, nếu tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu không được khắc phục sớm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp nói riêng và kinh tế nước ta nói chung.

Ông Võ Quan Huy kiến nghị, trong nước thời gian qua nhiều tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng nhưng lại chưa có sự đồng bộ trong các quy định khiến thời gian thông thương hàng hóa bị kéo dài và chi phí đội lên cao. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương thống nhất trong công tác phòng, chống dịch nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, với thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khác, quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm phải ổn định, đáp ứng mọi yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp cần xây dựng những vùng trồng chất lượng cao, liên kết với các hợp tác xã và hộ nông dân tạo thành chuỗi cung ứng khép kín. Tuy nhiên, việc quy hoạch đất đai còn nhiêu khê, thủ tục cấp giấy sử dụng đất cho doanh nghiệp chưa rõ ràng. Đây cũng là một trong những nút thắt doanh nghiệp mong muốn Nhà nước sớm tháo gỡ, ông Huy đề xuất. 

Để nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả và đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu Trung Quốc, doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ, vùng trồng đạt chứng chỉ VietGAP, GlobalGAP, ông Đặng Phúc Nguyên tán thành. Quy trình đóng gói sản phẩm cũng phải được chú ý vì rau quả rất dễ hỏng do tác động bên ngoài như nhiệt độ, thời tiết. Thay vì chỉ bao gói trong sọt tre, thùng gỗ như trước doanh nghiệp nên đưa hàng về kho đóng gói, dán nhãn mác đầy đủ và có thể bảo quản trong thùng xốp.

Cũng theo ông Nguyên, bên cạnh công tác ngoại giao, đàm phán để phía Trung Quốc giúp đỡ tháo gỡ khó khăn, Chính phủ cần có những biện pháp thúc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường đối với mặt hàng rau quả. Hiện nay mặt hàng trái cây của Việt Nam phải cạnh tranh với hàng nội địa của Trung Quốc và một số thị trường lớn khác. Nông nghiệp Trung Quốc cũng phát triển rất mạnh và chất lượng hàng nội địa cao hơn so với trước. Vì vậy, cần phải khai thác thêm các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đây là những nước đang có nhu cầu nhập khẩu cao đối với trái cây tươi của Việt Nam.

Minh Trang