Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; các thành viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ…
Báo cáo tại phiên họp, đại diện Ủy ban Dân tộc cho biết, tiêu chuẩn phân định miền núi, vùng cao là dựa vào độ cao của địa hình so với mực nước biển. Theo đó, cả nước có 12 tỉnh vùng cao, 9 tỉnh miền núi, 23 tỉnh có miền núi, 168 huyện vùng cao, 133 huyện miền núi, 2.529 xã vùng cao và 2.311 xã miền núi.
Việc xác định các địa bàn miền núi, vùng cao đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, do quá trình phát triển, sự thay đổi về địa kinh tế, việc áp dụng các chính sách đối với các địa bàn đã được xác định miền núi, vùng cao trước đây không còn phù hợp. Đến nay, hầu hết các chính sách đã được các Bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung áp dụng kết quả phân định theo trình độ phát triển.
Đại diện Ủy ban Dân tộc cho biết, qua 5 lần phân định vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển cho thấy, về số lượng các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số tăng trong mỗi giai đoạn (tăng do chia tách, thành lập mới), song về tỷ lệ số đơn vị hành chính cấp xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong tổng số đơn vị hành chính cấp xã của các nước không tăng.
Trong các giai đoạn: 1996-2005; 2006-2022; 2012-2015 và 2016-2020 số xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi được phân định thành 3 khu vực theo trình độ phát triển tăng, trong đó tăng nhiều nhất giai đoạn 2006-2011 so với giai đoạn 1996-2005 (140 xã); giai đoạn 2011-2015 tăng so với giai đoạn 2006-2011 là 194 xã. Nguyên nhân tăng chủ yếu là do chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính.
Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc nêu rõ, đối chiếu với kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ mới thực hiện được nội dung "tổng kết, đánh giá toàn diện hiệu quả của việc phân định miền núi, vùng cao, cùng với việc xem xét các hình thức phân định khác”. Còn hai nội dung quan trọng trong Kết luận vẫn chưa được triển khai gồm: rà soát, sửa đổi các chính sách, pháp luật liên quan đến miền núi, vùng cao, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ các quy định trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành; nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung tiêu chí và thực hiện phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở thống nhất, đồng bộ để thực hiện chính sách, pháp luật trong giai đoạn tiếp theo.
Theo ghi nhận của Thường trực Hội đồng Dân tộc tại phiên họp, Báo cáo của Chính phủcơ bản chỉ ra được kết quả trong việc phân định các tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao và theo trình độ phát triển. Đây là căn cứ quan trọng để giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng cao có cơ hội phát triển. Tuy vậy, các đại biểu đều cho rằng các thông tin chưa đầy đủ, đặc biệt là những thông tin về hạn chế, bất cập theo vùng, theo trình độ phát triển. Báo cáo chưa phân tích và thể hiện được mối quan hệ giữa 2 hình thức phân định trong quá trình hình thành và thực hiện đến nay, nhất là tác động đối với sự phát triển của các địa bàn, cộng đồng dân cư mà các tiêu chí quy định; chưa có nhiều đánh giá chỉ ra được mặt mạnh, ưu điểm và hạn chế, sự phù hợp, thống nhất hoặc chồng chéo, mâu thuẫn giữa hai hình thức phân định để làm cơ sở cho việc đề xuất, kiến nghị hình thức phân định mới phù hợp...
Các ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị Báo cáo cần đánh giá rõ việc áp dụng chính sách, pháp luật liên quan đến miền núi, vùng cao, như: Hiến pháp năm 2013, Điều 58 về chính sách giáo dục, Điều 61 về y tế, Điều 75 về nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân; Luật Giáo dục; Luật Khám bệnh, chữa bệnh và một số Nghị định, chính sách có liên quan đến thu hút cán bộ...
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm đề nghị Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn các nội dung đã được các đại biểu chỉ ra để đảm bảo tính toàn diện, chặt chẽ, bao quát. Chính phủ tiếp tục triển khai đầy đủ các nội dung kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hội đồng Dân tộc sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất kéo dài thời gian trình nội dung này.